15/10/2021 16:04 GMT+7

Ngăn trộm cắp, chập điện bằng phần mềm ‘cây nhà lá vườn’

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Mới đây, một phần mềm hữu dụng giúp cảnh báo tại thời gian thực sản lượng điện bất thường đã được một kỹ sư giàu thành tích sáng chế tại Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng viết thành công.

Ngăn trộm cắp, chập điện bằng phần mềm ‘cây nhà lá vườn’ - Ảnh 1.

Vận hành, quản lý điện tại Điện lực miền Trung - Ảnh: B.D

"Phần mềm "phân tích cảnh báo sản lượng điện bất thường thời gian thực từ đo xa" giúp phát hiện nhanh chạm chập điện từ 30 ngày xuống còn từ 2 đến 3 ngày, đồng thời rút ngắn phạm vi tìm kiếm từ 18% xuống chỉ còn 0,44% tổng số khách hàng sử dụng điện.

Công trình đã góp phần hạn chế tình trạng kiến nghị hóa đơn tiền điện năng cao cũng như tránh xảy ra các tai nạn điện giật do chạm chập điện; chủ động cung cấp thông tin đến khách hàng tăng đột biến qua email, Zalo, SMS..., góp phần mang lại sự hài lòng của khách hàng dùng điện; đồng thời hỗ trợ ngành Điện thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng" - thạc sĩ Huỳnh Thảo Nguyên - phó phòng Kinh doanh, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) - chủ công trình này nói.

Sáng tạo từ thực tiễn sinh động

Theo thạc sĩ Huỳnh Thảo Nguyên, hiện nay khách hàng ngành điện đã được lắp công tơ điện tử, được thu thập chỉ số tự động từ xa. Việc kiểm soát sản lượng bất thường của khách hàng thường được rà soát sau khi chốt chỉ số công tơ định kỳ hàng tháng.

Ngăn trộm cắp, chập điện bằng phần mềm ‘cây nhà lá vườn’ - Ảnh 2.

Trung tâm điều hành Điện lực Đà Nẵng - Ảnh: B.D

Việc tìm kiếm các bất thường tiêu thụ điện hằng ngày của hơn 350 ngàn khách hàng mà PC Đà Nẵng quản lý là rất khó khăn, đặc biệt là các vụ chạm chập điện, trường hợp nghi ngờ trộm cắp điện.

"Lâu nay đa số các vụ việc chạm chập điện chỉ được phát hiện sau khi kết thúc kỳ ghi điện hàng tháng, sau phúc tra hoặc khi khách hàng kiến nghị hóa đơn tăng cao. Khách hàng bức xúc cho rằng công tơ chạy sai, hoặc khách hàng không có khả năng chi trả tiền điện do số tiền điện quá lớn, đặc biệt nguy cơ tai nạn điện giật hoặc cháy nổ" - ông Nguyên nói.

Từ vấn đề trên, ông Nguyên đã mày mò và tìm ra giải pháp phân tích cảnh bảo sản lượng điện bất thường thời gian thực từ đo xa. Phần mềm này hướng tới mục đích phát hiện nhanh các trường hợp nghi ngờ trộm cắp điện, sự cố chạm chập điện để hạn chế tình trạng kiến nghị hóa đơn tiền điện năng cao cũng như tránh xảy ra các tai nạn điện giật do chạm chập. Công trình này được nghiên cứu và hoàn tất từ năm 2019 đến 2020.

Thuật toán thống kê tương quan và hồi quy tuyến tính

Phó phòng Kinh doanh PC Đà Nẵng thông tin rằng phần mềm của ông được sáng tạo trên cơ sở áp dụng phương pháp thống kê tương quan và hồi quy tuyến tính. Đây là thuật toán lần đầu tiên được nghiên cứu trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chỉ mới có tại PC Đà Nẵng.

Theo đó, tác giả đã xây dựng chương trình bằng Microsoft Access kết nối online với dữ liệu đo đếm từ xa. Từ đó sử dụng thuật toán thống kê tương quan và hồi quy tuyến tính để đưa ra kết quả đánh giá phân loại trường hợp sản lượng điện biến động khi khách hàng sử dụng và khi ngừng. Kết quả được mô tả bằng biểu đồ trực quan kèm theo các thông số thống kê toán học.

Ngăn trộm cắp, chập điện bằng phần mềm ‘cây nhà lá vườn’ - Ảnh 3.

Thạc sĩ Thảo Nguyên (thứ hai từ phải qua) được ngành điện tuyên dương - Ảnh: L.TRANG

Tính sáng tạo trong công trình hữu dụng này là tác giả đã phát hiện quy luật biểu đồ chỉ số công tơ điện theo thời gian từ dữ liệu đo đếm từ xa. Trường hợp khách hàng sử dụng điện bình thường, biểu đồ chỉ số công tơ sẽ có dạng một đường thẳng. Nếu như có bất thường trong khoảng thời gian ngắn như tăng đột biến, giảm đột biến thì biểu đồ chỉ số công tơ sẽ là đường gấp khúc. Từ đó tác giả đã vận dụng lý thuyết thống kê tương quan và hồi quy để phân biệt được dạng biểu đồ chỉ số.

Ông Huỳnh Thảo Nguyên cũng cho biết đã khai thác dữ liệu lớn hệ thống thu thập số liệu công tơ từ xa, dữ liệu chương trình quản lý thông tin khách hàng; kết hợp mô hình hóa phương pháp toán học thống kê. Từ đó xây dựng phần mềm tính toán cho kết quả nhanh chóng gần như thời gian thực hằng ngày, biểu đồ hiển thị trực quan và đủ thông tin cho người sử dụng trong quá trình khai thác.

Giảm hẳn khiếu nại, trộm cắp điện

Theo PC Đà Nẵng, phần mềm phân tích cảnh báo sản lượng điện bất thường thời gian thực từ đo xa đã phát hiện sớm các trường hợp sản lượng điện bất thường trong vòng 7 ngày. Việc phát hiện các trường hợp nghi ngờ trộm cắp điện tốt hơn và hiệu quả hơn nhiều.

Ngăn trộm cắp, chập điện bằng phần mềm ‘cây nhà lá vườn’ - Ảnh 4.

Bảng so sánh trước và sau khi áp dụng phần mềm theo dõi sản lượng điện bất thường ở thời gian đo thực.

Công trình này cũng giúp khách hàng phát hiện kịp thời các trường hợp chạm chập điện (như dây điện đi trên mái tôn bị tróc vỏ, chạm chập tại bồn chứa nước có phao điện...), tránh phát sinh hóa đơn tiền điện tăng cao đột biến, đồng thời tránh được tai nạn điện giật do chạm chập. Ngoài ra, khách hàng có hành vi "trộm cắp điện" sẽ ngày càng ít hơn do ngành Điện phát hiện và chuyển cơ quan quản lý Nhà nước xử lý vi phạm theo Luật Điện lực.

PC Đà Nẵng đã triển khai áp dụng công trình sáng kiến thành công với hơn 103 vụ chạm chập điện được phát hiện từ tháng 8-2020 đến tháng 9-2021, số ngày trung bình được phát hiện từ 2 đến 3 ngày.

Ngăn trộm cắp, chập điện bằng phần mềm ‘cây nhà lá vườn’ - Ảnh 5.

Cán bộ kỹ sư Điện lực Đà Nẵng theo dõi hệ thống điện trên trung tâm chỉ huy - Ảnh: B.D

Tháng 4-2021, công trình đã được triển khai nhân rộng trong 13 Công ty Điện lực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC). Chỉ trong nửa đầu tháng 5-2021, qua công cụ này, EVNCPC đã phát hiện, hỗ trợ khách hàng xử lý 56 trường hợp đường dây sau công tơ bị chạm chập điện. Cho đến tháng 8-2021, toàn EVNCPC đã phát hiện được gần 600 vụ chạm chập điện.

Tháng 5-2021, công trình đã được triển khai trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến nay đã được tích hợp thống nhất vào chương trình Hệ thống thông tin quản lý khách hàng

Đối với ngành Điện, công trình này cũng mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, ước tính tiết kiệm chi phí đối với PC Đà Nẵng lên đến 106 tỷ đồng/năm. Phần mềm "cây nhà lá vườn" này cũng giúp tiết kiệm được một khoản chi phí để thuê nhân bên ngoài viết phần mềm. Hiện phần mềm này đã và đang được tiếp tục áp dụng và mang lại hiệu quả cao trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, góp phần mang lại sự hài lòng của khách hàng dùng điện.

‘Cuộc cách mạng’ thôi gõ cửa từng nhà ‘Cuộc cách mạng’ thôi gõ cửa từng nhà

TTO - Cách đây 10 năm, công nhân ngành điện đi từng ngõ gõ từng nhà, rồi thì trèo từng cột để ghi số điện và kiểm tra công tơ thì nay ngồi nhà cũng có đầy đủ thông tin mà trước đây phải đến tận nơi.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp