03/05/2023 10:54 GMT+7

Ngăn thói quen xây lụi, làm càn

Với việc chính quyền ở nhiều nơi đang ngày càng mạnh tay với các công trình xây dựng không phép, dư luận đề nghị tiếp tục thượng tôn pháp luật.

Đầu tháng 4-2023, biệt phủ trái phép trên đất lúa tại thành phố Quảng Ngãi của doanh nhân Nguyễn Hồng Sơn đã được tháo dỡ - Ảnh: TRẦN MAI

Đầu tháng 4-2023, biệt phủ trái phép trên đất lúa tại thành phố Quảng Ngãi của doanh nhân Nguyễn Hồng Sơn đã được tháo dỡ - Ảnh: TRẦN MAI

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Cao Vũ Minh, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, chia sẻ vì nhiều lý do, việc xây dựng trái phép rồi chờ đợi được hợp thức hóa diễn ra ở nhiều nơi. Việc xử lý không nghiêm đã dẫn đến tình trạng "nhờn luật".

Việc làm sai từng được "nuôi dưỡng"

TS Cao Vũ Minh

TS Cao Vũ Minh

 * Thưa ông, nhiều công trình xây dựng trái phép trước đây có phải xuất phát từ thói quen lách luật, coi thường pháp luật?

- Không chỉ có người khó khăn mới có cớ vi phạm pháp luật mà điều đáng nói là ngay cả nhiều người có nhận thức cao, có trình độ, mặc dù am hiểu pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi vi phạm.

Kể ra thì không ít trường hợp là "đại gia" và cả gia đình quan chức, thậm chí gia đình của các cán bộ, công chức trực tiếp phụ trách mảng quản lý đô thị, xây dựng cũng dính vào vi phạm với đủ kiểu như xây sai phép, cơi nới, vượt tầng với quy mô lớn. 

Tình trạng nhức nhối này vừa phản ánh sự thiếu nghiêm minh trong thực thi pháp luật, vừa cho thấy một bộ phận người dân thiếu ý thức, có thói quen vi phạm pháp luật bằng mọi cách để đạt quyền lợi cho cá nhân, gia đình.

* Từ các vụ việc này, dư luận đặt câu hỏi về công tác quản lý như thế nào mà như thói quen làm trái pháp luật như được "nuôi dưỡng"...

- Đây là bất cập trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng khi quản lý nhà nước về trật tự xây dựng hiện được giao cho nhiều chủ thể như thanh tra xây dựng, chính quyền địa phương. Ngoài ra, có nhiều chủ thể khác cũng có quyền giám sát như Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Tuy nhiên, hành vi làm trái sẽ rất khó thực hiện nếu không có sự bao che, làm ngơ, tiêu cực, thậm chí "bảo kê" của những cán bộ, công chức có thẩm quyền.

Thêm vào đó, việc ngăn chặn ngay từ đầu các công trình xây dựng sai phép, không phép còn lúng túng, chưa kịp thời. Thực tế, nhiều khi phát hiện công trình vi phạm, mặc dù cơ quan chức năng đã lập biên bản đình chỉ, yêu cầu ngưng thi công nhưng chủ đầu tư vẫn lén lút thi công khi lực lượng chức năng không có mặt tại công trình vi phạm.

Cùng với đó, việc phối hợp giữa các đơn vị, trong đó có thanh tra cơ quan xây dựng và quản lý trật tự đô thị tại các tỉnh thành chưa nhịp nhàng, hiệu quả do có một bộ phận cán bộ, công chức bị cám dỗ bởi những lợi ích vật chất từ người vi phạm.

Chủ đầu tư tổ hợp căn hộ chung cư Mường Thanh Đà Nẵng đang chấp hành tháo dỡ các căn hộ xây dựngtrái phép - Ảnh: V.B.

Chủ đầu tư tổ hợp căn hộ chung cư Mường Thanh Đà Nẵng đang chấp hành tháo dỡ các căn hộ xây dựngtrái phép - Ảnh: V.B.

Xử lý không nghiêm dẫn đến "nhờn luật"

* Theo ông, việc xử lý các công trình sai phạm có hạn chế nào khiến các vi phạm vẫn diễn ra tràn lan?

- Việc xử phạt đối với các vi phạm hành chính về xây dựng nhà sai phép, không phép gặp nhiều hạn chế có nguyên nhân rất lớn từ các bất cập pháp luật. 

Cụ thể, vi phạm có tính chất, mức độ nguy hiểm cao nhưng chế tài lại nhẹ, còn vi phạm có tính chất, mức độ thấp hơn, chế tài phạt lại nặng. Ví dụ hành vi "cơi nới công trình xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng" lại bị phạt nặng hơn so với hành vi "xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng". Đây là một quy định rất vô lý.

Bên cạnh đó, mức tiền phạt nhiều khi không thấm so với lợi ích đạt được. Ngoài ra, đối với công trình xây dựng sai phép, không phép, khi phát hiện vi phạm, pháp luật vẫn trao cho người vi phạm cơ hội khắc phục. Do đó dẫn đến tình trạng "ăn cơm trước kẻng", chấp nhận bị phạt để tồn tại công trình.

* Như vậy việc trao cho người vi phạm cơ hội khắc phục lại vô tình làm cho một số người "nhờn luật"?

- Hành vi xây dựng sai phép, không phép phải bị áp dụng hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả "buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm". Tuy nhiên, để tránh lãng phí xã hội, nhà làm luật tạo điều kiện cho người vi phạm có cơ hội "sửa sai" bằng cách đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giấy phép xây dựng.

Điều này vẫn có thể chấp nhận được với lý do tránh lãng phí xã hội. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, có thể làm gia tăng các vi phạm về xây dựng nhà sai phép, không phép. Ngoài ra, ngay cả khi bị áp dụng biện pháp "buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm" vẫn có thể phát sinh bất cập. Đối với các trường hợp không thể khắc phục hoặc không tự nguyện khắc phục, cơ quan nhà nước phải tiến hành phá dỡ công trình, để bảo đảm tính thượng tôn pháp luật và bảo đảm trật tự xây dựng.

Tuy nhiên, việc cưỡng chế phá dỡ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc vì yêu cầu phải có phương án cưỡng chế và được sở xây dựng thẩm định. Trong khi đó, cho đến nay các hướng dẫn về quy trình, đơn vị có chức năng thực hiện lập phương án cưỡng chế chưa được quy định cụ thể. Ngoài ra, chi phí cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm còn hạn chế và cơ chế thu hồi lại phần kinh phí tổ chức cưỡng chế đối với người vi phạm không tự nguyện phá dỡ còn gặp nhiều khó khăn, chưa có các hình thức chế tài hiệu quả.

Các công trình nhà hàng, quán nhậu trái phép trên đất rừng tại bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng, bị cưỡng chế tháo dỡ bắt đầu từ giữa tháng 4-2023 - Ảnh: TẤN LỰC

Các công trình nhà hàng, quán nhậu trái phép trên đất rừng tại bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng, bị cưỡng chế tháo dỡ bắt đầu từ giữa tháng 4-2023 - Ảnh: TẤN LỰC

Mạnh dạn phá dỡ, truy cứu trách nhiệm hình sự

* Vậy theo ông, để lập lại trật tự về quản lý, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, cơ quan nhà nước phải ứng xử thế nào trong việc xử lý các công trình vi phạm?

- Ở nhiều nước, họ phòng ngừa ngay từ đầu bằng cách có nhiều hoạt động giám sát bằng các thiết bị bay trên cao để kiểm tra. Nếu vi phạm, họ sẽ phát hiện ngăn chặn ngay, không có chuyện để xây xong mới phát hiện, hợp thức hóa. Lấy ví dụ ở Đức, khi phát hiện, không có chuyện du di, nhà xây bao nhiêu tầng cũng bị đập, phá dỡ trả ngay lại hiện trạng. Tiền thuê phá dỡ, chủ nhà phải chịu. Chúng ta cần mạnh tay như vậy, phải phá dỡ ngay phần diện tích sai phép, đập bỏ ngay nhà xây không phép để lập lại kỷ cương pháp luật.

Mặt khác, xây dựng nhà ở trái phép chính là hành vi tổ chức thi công nhà ở mà không có giấy phép hoặc sai nội dung giấy phép xây dựng. Như vậy, sau khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về xây nhà không phép, sai phép mà còn tái phạm, cần mạnh dạn truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 343 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở. 

Cụ thể, người nào xây dựng nhà trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Cùng với đó, tăng mức tiền phạt trong nghị định số 16 năm 2022 lên mức cao hơn, đủ sức răn đe, làm cho người dân không còn ý nghĩ lợi ích từ việc vi phạm lớn hơn nhiều lần số tiền bị phạt. 

Ngoài ra, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng thanh tra xây dựng, lực lượng xử phạt trong việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra xử phạt hành vi xây dựng không phép, sai phép, nhất là thường xuyên kiểm tra những địa phương có số vụ vi phạm cao. Đối với những cán bộ, công chức dung túng, bảo kê cho sai phạm cần xử lý kỷ luật nghiêm, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

* Cũng có ý kiến cho rằng việc xây dựng nhà ở do nhu cầu nhà ở đối với người dân quá lớn nên mới có tình trạng nhà ở xây dựng trái phép?

- Cần phải minh định chuyện này. Đúng là hiện nay ở một số tỉnh thành, đặc biệt thành phố lớn như TP.HCM có những bất cập về quy hoạch treo, quy hoạch đất nông nghiệp không hợp lý làm quỹ đất khan hiếm. Những bất cập này, cơ quan quản lý cần nhanh chóng kiến nghị để điều chỉnh cho phù hợp nhu cầu về nhà ở của người dân. Dù vậy, không thể lấy lý do này để biện minh cho việc vi phạm pháp luật, xây dựng công trình sai phép, không phép.

Một số vụ cưỡng chế công trình xây dựng vi phạm lớn gần đây:

- Tháng 9-2022: tháo dỡ xong biệt phủ lớn nhất xây dựng trái phép trên đất Nông trường Quý Cao (xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng).

- Tháng 2-2023: buộc phá dỡ công trình biệt phủ xây dựng trái phép trên đất lúa của doanh nhân Nguyễn Hồng Sơn tại TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi).

- Tháng 2-2023: lên phương án cưỡng chế tháo dỡ căn biệt thự trị giá nhiều tỉ đồng, được xây dựng trái phép trên đất nuôi trồng thủy sản ở xã Tân Thành (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) của gia đình ông Hồ An Tập.

- Tháng 3-2023: tháo dỡ loạt biệt phủ trái phép trên phần đất đã thu hồi của Công ty TNHH Kim Long (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).

- Tháng 3-2023: tổ chức cưỡng chế, buộc phá dỡ biệt phủ trái phép xây trên 1.353m2 đất nông nghiệp tại xã Chư Á, TP Pleiku (tỉnh Kon Tum).

- Tháng 4-2023: cưỡng chế loạt công trình xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng).

- Tháng 4-2023: cưỡng chế phá dỡ hàng loạt công trình du lịch trái phép ở hồ Trị An (tỉnh Đồng Nai).

ÁI NHÂN

Giải pháp duy nhất: thượng tôn pháp luật

Một nguyên nhân cũng tác động tiêu cực, dẫn đến tâm lý "nhờn" pháp luật, đó là việc để kéo dài, không cưỡng chế tháo dỡ dứt điểm các công trình vi phạm. Thực trạng này thời gian qua xảy ra khá phổ biến ở nhiều nơi đã được các kết luận thanh tra, kiểm tra chỉ ra.
Ông Nguyễn Hải Long

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hải Long, trưởng phòng tư vấn pháp lý, Công ty luật TNHH AGL, nhận định tại TP.HCM vi phạm xây dựng được phát hiện và xử lý rất nhiều. Nhiều khu vực từ lâu đã nổi tiếng là điểm nóng vi phạm xây dựng như huyện Bình Chánh, Hóc Môn... xảy ra tình trạng phân lô bán nền, xây lụi trên đất nông nghiệp. Đến nay, huyện Bình Chánh cũng đã tháo dỡ hàng nghìn căn nhà xây lụi trên đất nông nghiệp. Thậm chí để chấn chỉnh chung về vi phạm xây dựng trên toàn TP, Thành ủy TP.HCM đã ban hành chỉ thị số 23 năm 2019.

Phân tích, ông Hải Long cho rằng pháp luật quy định việc lập biên bản, xử lý hành chính liên quan xây lụi, xây sai gắn với thời điểm phát hiện công trình vi phạm. Như vậy, một công trình vi phạm dù tồn tại 10 năm, 20 năm nhưng khi chính quyền phát hiện vẫn xử lý, buộc tháo dỡ theo quy định.

Tòa nhà 12 tầng trái phép đang được UBND TP Phú Quốc củng cố hồ sơ buộc tháo dỡ - Ảnh: S.LÂM

Tòa nhà 12 tầng trái phép đang được UBND TP Phú Quốc củng cố hồ sơ buộc tháo dỡ - Ảnh: S.LÂM

Tuy nhiên, thực tế chính sách pháp luật về xây dựng, đất đai qua một số thời kỳ thay đổi theo hướng chấp nhận cho tồn tại, thậm chí là cấp giấy công trình vi phạm. Điển hình như quy định đã từng "mở" cho công trình vi phạm xây trước ngày 1-1-2008 được cho tồn tại. Hay "mở" cho công trình đã bị xử lý vi phạm nhưng chưa tháo dỡ cũng được xem xét cho tồn tại. Hoặc trước đây quy định cũng cho phép công nhận trong giấy chứng nhận phần công trình xây đúng phép đối với công trình xây sai phép...

Từ sự thay đổi quy định pháp luật này đã tác động tiêu cực, dẫn đến tình trạng vi phạm tràn lan. Bởi lẽ, về phía người dân sẽ xuất hiện tâm lý ỷ lại kiểu "qua thời gian 5 năm, 10 năm chính sách pháp luật đất đai thay đổi thì công trình sẽ được cho tồn tại, thậm chí cấp giấy". 

Từ đó, người vi phạm xây dựng sẵn sàng chi tiền để công trình không bị cưỡng chế, tháo dỡ. Về lâu dài, tình trạng này dẫn đến tư duy coi thường pháp luật, tiêu cực của cả người dân và cán bộ, công chức có trách nhiệm quản lý xây dựng.

Từ phân tích nguyên nhân, bàn về giải pháp để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong xây dựng, ông Hải Long cho rằng bên cạnh hoàn thiện quy định, pháp luật phải thống nhất thì hành xử của cán bộ, công chức là quan trọng nhất. 

"Phải có cơ chế để cán bộ, công chức không thể làm sai, phải thượng tôn pháp luật trước hết. Từ hành xử của lực lượng này sẽ tác động ngược lại đến ý thức chấp hành pháp luật về xây dựng của người dân nói riêng. Có thực trạng chỉ cần người dân mà đặt một viên gạch, đổ một xe cát chuẩn bị xây dựng đã bị các lực lượng địa phương phát hiện ngay. Cán bộ mà xử lý nghiêm ngay từ đầu thì không thể nào xây dựng lụi được...", ông Long nhận định.

Như vậy, việc thay đổi tư duy và hành xử đúng quy định của cán bộ, công chức quản lý sẽ dần dần làm thay đổi, điều chỉnh ý thức, hành vi tuân thủ pháp luật của người dân. 

"Công trình xây lụi, xây sai mà phát hiện đập ngay người vi phạm mới sợ. Chứ pháp luật quy định chặt, mà cán bộ không nghiêm, thậm chí tiêu cực dễ bỏ qua lỗi sai công trình, làm hồ sơ nghiệm thu hoàn công đẹp chỉ để báo cáo. Như thế không bao giờ chấm dứt được vi phạm xây dựng chứ đừng nói đến trật tự kỷ cương, tuân thủ pháp luật...", ông Hải Long nói.

ÁI NHÂN

Tháo dỡ sáu căn bungalow xây dựng trái phép ở Phú QuốcTháo dỡ sáu căn bungalow xây dựng trái phép ở Phú Quốc

Ngày 20-3, UBND TP Phú Quốc, Kiên Giang đã tiến hành tháo dỡ sáu căn bungalow ở tổ 5, ấp Cây Sao, xã Hàm Ninh để trả lại hiện trạng ban đầu cho khu bảo tồn biển.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp