Trong đó có một nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều người là khống chế tỉ lệ sở hữu tại ngân hàng. Tỉ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân được đề nghị giữ như hiện hành, tức 5%. Riêng giới hạn cho cổ đông là tổ chức giảm từ 15% xuống 10%, cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.
Ý nghĩa của việc giảm tỉ lệ sở hữu cổ đông nhằm giúp tăng số lượng các cổ đông, tăng tính đại chúng cũng như đa dạng cơ cấu cổ đông của các ngân hàng. Từ đó hạn chế chi phối, thâu tóm...
Thời gian qua, câu chuyện bà Trương Mỹ Lan được nêu ra như một minh chứng cho việc bà chủ thao túng ngân hàng. Khi cần tiền mặt, bà có thể yêu cầu lãnh đạo SCB giải ngân cho các khoản vay khống rồi chuyển vào các tài khoản "ma" và rút tiền mặt chở về nhà riêng hàng trăm ngàn tỉ đồng, sau đó hồ sơ mới được hợp thức hóa.
Tuy nhiên, quan điểm khống chế tỉ lệ sở hữu để ngăn thao túng ngân hàng đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Một số ý kiến cho rằng việc giảm tỉ lệ này không có nhiều ý nghĩa để hạn chế tình trạng thao túng vì việc sở hữu chéo hay thao túng ngân hàng về bản chất rất phức tạp.
Nếu nhìn trên giấy tờ, nhiều cổ đông sở hữu tỉ lệ thấp hơn cho phép nhưng vẫn nắm quyền chi phối, "hô mưa gọi gió". Do vậy, để ngăn chặn sở hữu chéo, một biện pháp là không đủ, mà cần nhiều giải pháp đồng bộ.
Theo nhiều chuyên gia, khống chế tỉ lệ sở hữu chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ. Quan trọng nhất là cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý phải hữu hiệu và chặt chẽ để sớm phát hiện và xử lý những sai phạm.
Tránh tình trạng nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra đến nhưng không những sai phạm không bị phát hiện mà cán bộ thanh tra, kiểm tra còn bị thao túng và mua chuộc. Đến khi sự việc bị phanh phui thì sự việc đã đi quá xa.
SCB không phải là sự vụ đầu tiên, vì trong vòng hơn mười năm trở lại đây đã có nhiều cuộc thanh lọc trên thị trường ngân hàng, tất nhiên SCB là vụ lớn nhất. Do vậy theo các chuyên gia, việc khống chế tỉ lệ chỉ là một trong các yếu tố, quan trọng nhất vẫn là việc giám sát thực thi quy định.
Quy định đã có nhưng cơ chế giám sát phải làm sao để cho việc "bao che" nếu có sẽ sớm bị phanh phui và làm sao để cho tình trạng lợi dụng ngân hàng nhằm phục vụ công ty "sân sau" không thể xảy ra.
Thời gian qua đã có nhiều vụ đại gia bất động sản bất chấp nhảy vào ngân hàng mà dư luận đã đặt câu hỏi cũng cần làm rõ. Bên cạnh đó, cũng cần phải xem xét quy định chặt chẽ về điều kiện, thủ tục cấp tín dụng với khách hàng liên quan cổ đông.
Đồng thời có hệ thống giám sát chéo, thiết lập hệ thống khung pháp lý cụ thể trong lĩnh vực tài chính, làm rõ cơ cấu sở hữu, chủ sở hữu thực và trách nhiệm giải trình, xử lý nghiêm minh với trường hợp cố ý làm trái.
Như vậy mới có thể giúp các ngân hàng - mạch máu của nền kinh tế - hoạt động lành mạnh và tránh được những sự việc tương tự như SCB xảy ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận