29/10/2018 15:09 GMT+7

Ngân sách vẫn phụ thuộc vào bán đất, tài nguyên

VIỄN SỰ - BẢO NGỌC
VIỄN SỰ - BẢO NGỌC

TTO - Cân đối ngân sách vẫn phụ thuộc nhiều vào bán đất, bán tài nguyên, bán tài sản nhà nước - các khoản thu một lần và không bền vững, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) - chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Ngân sách vẫn phụ thuộc vào bán đất, tài nguyên - Ảnh 1.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) - Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu thảo luận về ngân sách và đầu tư công tại Quốc hội sáng 29-10, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đánh giá cao việc tỉ lệ thâm hụt ngân sách đã không còn vượt dự toán như trước đây, tỉ lệ nợ công so với GDP đang giảm dần.

Tuy nhiên, theo ông Lộc, nếu nhìn sâu hơn, có thể thấy những chuyển biến này chưa thực sự bền vững.

Thu chỉ đủ tiêu dùng và trả nợ

Theo đó, nguồn thu chính từ các hoạt động kinh tế, điển hình là thu từ thuế đối với khu vực doanh nghiệp có dấu hiệu thiếu ổn định, thậm chí sụt giảm. Trong khi tỉ lệ chi thường xuyên so với tổng ngân sách vẫn luôn ở mức cao, trên 60%, dẫn tới thu ngân sách nhà nước về cơ bản mới chỉ đủ đáp ứng cho mục đích tiêu dùng và trả nợ.

"Cân đối ngân sách do đó vẫn phụ thuộc nhiều vào việc bán đất, bán tài nguyên, bán tài sản nhà nước, tức là phụ thuộc vào các khoản thu một lần và thiếu tính bền vững, với tình trạng ngân sách vẫn còn khó khăn như vậy", đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu.

Chủ tịch VCCI đề nghị sử dụng các khoản vượt thu ngân sách nhà nước theo dự toán hàng năm để giảm nợ công, giảm áp lực trả nợ, không chỉ dùng để tiếp tục tăng chi như hiện nay.

Đại biểu Thái Bình cho rằng giải pháp căn cơ để đạt được cân đối tài chính quốc gia trong trung và dài hạn là bên cạnh những nỗ lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh để tăng thu, vẫn phải kiên quyết cắt giảm bộ máy nhà nước về mức hợp lý, từ đó giảm được chi thường xuyên xuống còn khoảng dưới 50% theo đúng tinh thần các nghị quyết của Đảng và Quốc hội.

Tượng đài, quảng trường không cấp thiết vẫn xây

Bàn về hiệu quả đầu tư, ông Vũ Tiến Lộc còn lo lắng hơn: Đầu tư kém hiệu quả là vấn đề tồn tại dai dẳng nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được cải thiện. Theo báo cáo của Chính phủ, việc phải tốn hơn 6 đồng đầu tư mới có 1 đồng tăng trưởng cho thấy hiệu quả sử dụng vốn vẫn còn rất thấp.

"Vẫn còn nhiều dự án chưa có tính cấp thiết, giá trị sử dụng không cao như tượng đài hay quảng trường vẫn đang được xây dựng. Phân bổ nguồn vốn đầu tư vẫn theo nguyên tắc bình quân chủ nghĩa, mỗi địa phương, mỗi bộ ngành chứ chưa dựa trên cơ sở hiệu quả tổng thể của nền kinh tế quốc dân. Tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, kém hiệu quả, vẫn còn phổ biến", chủ tịch VCCI nhận định.

Trong các nguyên nhân, ông Lộc lưu ý việc chính quyền không đủ vốn đối ứng, thậm chí không có tiền để trả nợ đọng cho các doanh nghiệp đã ứng tiền để xây dựng dự án trước đó, đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng thua lỗ, khó khăn.

"Nếu ràng buộc trách nhiệm đối với những người ra quyết định và tổ chức thực thi không rõ ràng, tôi e rằng càng giải ngân nhiều, càng giải ngân nhanh thì thất thoát, lãng phí, nợ công sẽ ngày càng lớn", ông Vũ Tiến Lộc đánh giá.

Đề xuất tăng thuế để tăng thu ngân sách

Lo rằng ngân sách trung ương quá eo hẹp, không đủ chi cho các công trình trọng điểm quốc gia, đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên) đề nghị Chính phủ trình Quốc hội cơ cấu lại nguồn thu, để tăng thu ngân sách trung ương từ nay đến 2020.

"Nếu kiên định không điều chỉnh chính sách thuế để tăng thu, việc tăng thu ngân sách trong 2 năm cuối nhiệm kỳ rất khó khăn.Trong khi đó, nhu cầu cân đối nguồn lực đáp ứng nguồn chi cải cách tiền lương, tăng chi đầu tư công, tăng chi cho an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững đa chiều, quốc phòng rất lớn", ông Đinh Văn Nhã nói. 

Theo đại biểu Phú Yến, trước mắt cần tập trung tăng thu ngân sách trung ương từ nguồn bán vốn doanh nghiệp nhà nước, chỉ nên bố trí nguồn thu này cho các dự án trọng điểm quốc gia.

Chúng ta rất mừng là kết quả thu ngân sách nhà nước đã vượt 39,2 nghìn tỉ đồng, tăng 3% dự toán, nhưng đáng chú ý là kết quả này chưa đạt một số mục tiêu trong nghị quyết của Quốc hội, trong đó số thu vượt dự toán, chủ yếu là nguồn thu từ nhà, đất và dầu thô còn thu các khoản từ ba khu vực kinh tế như các đại biểu đã nêu là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài quốc doanh không đạt dự toán. Đối với thu ngân sách địa phương, về tổng thể vượt dự toán nhưng chủ yếu thì vẫn tăng thu từ đất, nếu loại trừ tiền đất đất thì một số địa phương sẽ vẫn hụt thu.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An)

Các nguồn thu chủ yếu tập trung vào nguồn thu không ổn định, số nguồn thu chủ yếu từ thu nhà đất, dầu thô. Như vậy, vô hình chung là bán tài nguyên để phát triển trong khi các nguồn thu khác từ lợi nhuận là thu không đạt.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang)

Chúng ta bán đất để ăn và đang ăn hết phần của con cháu

TTO - “Chúng ta đang sống bằng đất. Bán đất để ăn. Ăn hết phần của con cháu trong tương lai”, ông Nguyễn Văn Phụng, vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn - Tổng cục thuế, nhận định.

VIỄN SỰ - BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp