09/03/2016 09:17 GMT+7

​Ngân sách “đi dây”

TRẦN NGỌC THƠ
TRẦN NGỌC THƠ

TT - Tỉ lệ bội chi ngân sách liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước và vượt trần khống chế của Quốc hội đề ra.

Nợ Chính phủ đến cuối năm 2015 đã vượt trần 50%, giờ được Chính phủ đề xuất tăng lên 55%. 

Diễn biến không tích cực của ngân sách quốc gia đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định “nợ công cứ tăng như vừa rồi là chết”, khi bàn về kế hoạch tài chính và đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 ( ngày 8-3).

Rất may là những số liệu này do chưa được Bộ Tài chính giải trình thuyết phục nên không thuyết phục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ này thông qua.

Tranh luận về ngân sách quốc gia cho một giai đoạn hay một năm nào đó là một vấn đề cực kỳ phức tạp với mỗi bên ủng hộ và chống đối đều có lý lẽ riêng.

Mọi quan điểm ủng hộ hay phản đối đều ảnh hưởng đến triển vọng phát triển kinh tế và tương lai. Nhưng bất kể ở quốc gia nào thì chuyện lên kế hoạch chi tiêu cho quốc gia luôn phức tạp bởi những lý do dưới đây.

Thứ nhất, do tính chất phức tạp đặc thù nên các phép tính toán ngân sách quốc gia ở bất kỳ quốc gia nào cũng dễ bị ảo thuật để không ai biết được sự thật là gì.

Thứ hai, vì ngân sách quốc gia là của chung nên không ít bộ ngành, địa phương muốn tận dụng nó để phục vụ những ý tưởng, tính toán của mình. Và việc xài tiền này khác hẳn với xài từ tiền túi của cá nhân.

Với cá nhân, nếu anh không trả được nợ thì phải bán tài sản trả nợ hoặc phải ngừng chi tiêu và như thế sẽ hạn chế sự cám dỗ trong chi tiêu của các cá nhân. Nhưng nguyên tắc này tuyệt nhiên không đúng trong bài toán ngân sách công.

Các khoản chi tiêu ngân sách hiện tại nếu không được kiểm soát tốt, thế hệ này, thậm chí thế hệ sau phải trả bằng tiền thuế. Xài nhưng không phải trả, ai mà chẳng muốn chi tiêu để thỏa mãn những lợi ích của ngành mình, địa phương mình.

Thứ ba, đầu tư công vào các dự án khổng lồ, thâm hụt ngân sách triền miên đến lúc nào đó tích tụ đủ lớn sẽ bùng lên thành siêu lạm phát, vỡ nợ và khủng hoảng sau này. Bài học thế giới về chủ đề này không kể sao cho hết.

Nêu ra những điều trên cho thấy Chính phủ và Quốc hội không thể chỉ dựa vào vài chục trang, thậm chí vài trăm trang trong kế hoạch ngân sách để bấm nút thông qua.

Luật chơi đơn giản là mọi bên phải tuyệt đối tuân thủ trần nợ công đã được thiết lập. Không ai được vi phạm nó vì bất kỳ lý do gì, ngoại trừ khi chiến tranh hay thiên tai địch họa. Lập luận lý do tăng đầu tư công, tăng nợ công vượt trần để kích cầu và phát triển kinh tế sẽ khó được chấp nhận.

Với Việt Nam, ở thời điểm này việc không đồng tình tăng thêm nợ càng có cơ sở khi chính người đứng đầu ngành tài chính - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận “mấy năm nay chúng ta điều hành ngân sách theo kiểu đi trên dây, năm 2016 vẫn tiếp tục đi trên dây, đến năm 2017 mà đứt dây thì chúng ta chết”.

Để “không chết” thì phải tuân thủ luật chơi. Khi đã ép được cả hệ thống tuân thủ kỷ luật tài khóa như quân lệnh, các bộ ngành, đoàn thể, địa phương phải tinh giản bộ máy, từ bỏ các dự án đầu tư công hoành tráng dưới danh nghĩa phục vụ phát triển kinh tế dài hạn.

Đồng thời Chính phủ phải chuyển giao các dự án đầu tư công cho khu vực tư nhân đảm nhiệm. Chỉ có thế người dân mới không giật mình khi ngân sách quốc gia trong cảnh “đi dây”.

TRẦN NGỌC THƠ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp