Ngân sách được phân bổ để chi cho phòng chống dịch trong 2 năm là hơn 71.720 tỉ đồng - Ảnh: TỰ TRUNG
Thông tin được nêu trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về đánh giá thực hiện nghị quyết 30-2021 các chính sách phòng, chống dịch COVID-19.
Theo báo cáo này, tổng nguồn lực ngân sách trung ương bố trí, dành cho phòng, chống dịch trong hai năm (2021 - 2022) khoảng 71.720 tỉ đồng, lượng vắc xin tiếp nhận từ viện trợ, tài trợ là 95,08 triệu liều.
Trong đó, riêng số ngân sách bố trí năm 2021 là 51.220 tỉ đồng, tổng kinh phí đã quyết định chi là 34.260 tỉ đồng, như vậy còn lại 16.960 tỉ đồng.
Trong số này có 1.353 tỉ đồng được phép chuyển nguồn theo quy định (499 tỉ đồng thực hiện hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch; 854 tỉ đồng cho Quỹ vắc xin phòng COVID-19).
Theo đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho phép phân bổ, sử dụng khoản kinh phí còn lại của năm 2021 là hơn 15.600 tỉ đồng, chuyển nguồn sang năm 2022 để tiếp tục mua vắc xin, chi phòng, chống dịch.
Như vậy, tổng số nguồn dự phòng ngân sách trung ương cho năm 2022 để thực hiện phòng, chống dịch, mua vắc xin (gồm cả số chuyển nguồn từ năm 2021 sang) là 36.102 tỉ đồng.
Chính phủ đánh giá, việc bố trí ngân sách từ trung ương năm 2021-2022 đã đáp ứng cơ bản nhu cầu kinh phí cho phòng, chống dịch của các bộ ngành và địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khó khăn vì dịch.
Tuy nhiên, do khan hiếm vắc xin, thiết bị sinh phẩm y tế nên việc mua chưa đáp ứng yêu cầu số lượng, thời gian. Những vấn đề phát sinh như đấu thầu, chỉ định thầu trong mua sắm vật tư sinh phẩm y tế… nên giải ngân kinh phí năm 2021 chậm, chưa tương xứng nguồn lực được giao.
Cùng với nguồn tiền từ ngân sách, còn có các nguồn lực được huy động như nguồn ủng hộ, đóng góp tự nguyện thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguồn nhắn tin ủng hộ.
Các nguồn lực khác cũng được Chính phủ giao Bộ Y tế tiếp nhận, quản lý như trang thiết bị y tế, vật tư, thuốc…, được tiếp nhận từ các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước; nguồn huy động từ doanh nghiệp, cá nhân.
Đến nay dịch bệnh được kiểm soát, Chính phủ cho biết đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn các đơn vị, địa phương đã được hỗ trợ trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch thực hiện các thủ tục quản lý sử dụng tài sản theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, ước chi phụ cấp phòng, chống COVID-19 năm 2021 là hơn 12.835 tỉ đồng. Các địa phương cũng có các chế độ, chính sách hỗ trợ thêm cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Ước chi phí khám, chữa bệnh tại các cơ sở cách ly, điều trị COVID-19 năm 2021 là trên 4.404 tỉ đồng.
Dành gần 87.000 tỉ đồng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Liên quan tới các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, báo cáo của Chính phủ cho hay đến cuối tháng 8-2022, trung ương và các địa phương đã dành gần 87.000 tỉ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ cho 857.000 người sử dụng lao động, gần 56 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.
Cùng đó, loạt chính sách về tài khóa như miễn, giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa dịch vụ, giảm, miễn tiền thuê đất năm 2021 với các đối tượng bị ảnh hưởng COVID-19; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021…
Tổng giá trị hỗ trợ tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất năm 2021 là khoảng 145.000 tỉ đồng (số tiền được gia hạn 120.000 tỉ đồng; miễn, giảm khoảng 25.000 tỉ đồng).
Năm 2022 được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của COVID-19. Do đó, với gói phục hồi kinh tế - xã hội gần 350.000 tỉ đồng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường đầu năm, hiện đang được triển khai tích cực để góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hồi phục kinh tế, duy trì đà tăng trưởng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận