25/08/2014 05:30 GMT+7

Ngăn ngừa cây xanh gãy đổ

NGUYỄN TRỊNH KIỂM (chuyên viên cây xanh đô thị)
NGUYỄN TRỊNH KIỂM (chuyên viên cây xanh đô thị)

TT - Nhiều giải pháp để ngăn chặn cây xanh ngã đổ gây tai nạn cho người đi đường.

Từ chuyện cây xanh bật gốc chiều 17-8 ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM) gây chết người, hai chuyên gia cây xanh đô thị đề nghị thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn cây xanh ngã đổ gây tai nạn cho người đi đường.



Phóng to
Cây xanh trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (P.Đa Kao, Q.1) trốc gốc đổ xuống đường đè chết chị Nguyễn Thị Nhung vào ngày 17-8 - Ảnh: Đại Việt

Nghiên cứu xác định tuổi của cây

So với cách đây hơn 10 năm, tai nạn do cây xanh ngã đổ, gãy nhánh ở TP.HCM đã giảm đi rất nhiều, nhất là tai nạn chết người (từ năm 2004 đến nay có hai trường hợp). Nhưng đó là những tai nạn trên trời rơi xuống, hoàn toàn không có lỗi của nạn nhân, vì thế cần phải tìm mọi cách để điều đó không xảy ra.

Nhìn lại hệ thống cây xanh đường phố Sài Gòn, ta thấy còn nhiều nhược điểm gây trở ngại rất lớn cho người làm công tác cây xanh nên cũng rất khó tránh được tai nạn. Ví dụ như số lượng cây lớn quá nhiều nên không đủ người để tuần tra phát hiện cho hết những khiếm khuyết của cây cũng như chăm sóc cây; bộ rễ của cây xanh đường phố thường phải “hôn phối bất đắc dĩ” với hệ thống cáp điện, điện thoại, cấp thoát nước trên cùng một vỉa hè, vì thế thường không phát triển tốt, chưa kể đôi khi những ngành trên xử lý chặt rễ cây xanh càng gây thêm nguy hiểm...

Tuy vậy cũng có thể khắc phục những nhược điểm trên bằng nhiều biện pháp. Trong đó, cần có kế hoạch thay thế những cây quá lớn vì cây xanh đường phố cần nhất là an toàn chứ không phải để lấy gỗ (chương trình này Công ty Công viên cây xanh đã có từ năm 1999 chi tiết đến từng cây, nhưng sau đó ngưng lại do bị dư luận phản đối). Thay thế phải làm dần để tránh phá vỡ cân bằng sinh thái đã được thiết lập lâu nay.

Bên cạnh đó, cần sớm có nghiên cứu để xác định tuổi của từng loại cây xanh trên đường phố đến lúc nào cần thay thế (theo chúng tôi với sao, dầu, sọ khỉ là 70-100 tuổi; me chua 50-60 tuổi; phượng, lim xẹt 30-40 tuổi). Về lâu dài cần thay đổi chủng loại cây xanh trên đường phố để cây xanh vừa đạt yêu cầu về cải tạo môi trường, vừa phải đảm bảo điều kiện tiên quyết là an toàn tính mạng và tài sản con người.

Cọc chống chỉ là giải pháp tình thế

Sau chuyện cây xanh bật gốc gây chết người mới đây, ông Nguyễn Thành Chung, giám đốc Sở GTVT TP.HCM, đã cho biết: “Sở đang tiến hành nghiên cứu loại cọc để chống các cây xanh có nguy cơ đổ trên địa bàn.” (Tuổi Trẻ ngày 19-8).

Vấn đề đặt ra là những cọc chịu lực khả thi giữ được những cây cổ thụ không đổ phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật thế nào để phát huy tác dụng mà không gây phản cảm mỹ quan đô thị và đạt được yếu tố bền vững? Có lẽ để đảm bảo khả năng chống đổ, chí ít phải đóng 2-3 cọc cho một cây xanh, như thế sẽ hình thành một hệ thống cọc không mấy đẹp mắt.

Đó là chưa kể cọc có chất liệu gì, kích cỡ bao nhiêu, sâu chừng nào để chịu được trọng lực của cây và lực giật, kéo khi gặp lốc, bão. Nếu dùng cọc có đế bêtông để tăng tính chịu lực thì phải đào mặt vỉa hè, ảnh hưởng rất lớn hệ rễ ăn ngang của cây (là hệ thống chống chịu chính của cây, do phần lớn cây đã mất rễ cọc) sẽ làm tổn thương sức sống và sức chịu đựng của cây.

Từ những vấn đề vừa nêu, chúng tôi thiết nghĩ sử dụng cọc chỉ là biện pháp tình thế chứ chưa phải là giải pháp hữu hiệu lâu dài ngăn chặn cây đổ. Bên cạnh biện pháp thiết kế cọc, cần áp dụng thêm những giải pháp khác. Như giải pháp lâm sinh - một giải pháp truyền thống không thể bỏ qua.

Cụ thể là cần phải thường xuyên đánh giá hiện trạng để đề ra các biện pháp kỹ thuật phù hợp như mé cành, tỉa tán, hạ chiều cao cây. Tùy tình trạng từng cây mà áp dụng biện pháp thích hợp. Đôi khi phải chấp nhận cắt tỉa mạnh tay với những cây cổ thụ đồ sộ, chấp nhận cây trơ trụi một thời gian để rồi có được kiểu tán mới gọn nhẹ, cân đối theo định hướng ít chịu ảnh hưởng của trọng lực và sức gió.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng để rồi bất kỳ ai cũng có ý thức cảnh báo nguy cơ cây đổ, kịp thời thông tin cho cơ quan hữu trách những hiện tượng bất thường như cây nghiêng, cây lệch tán thái quá, cây thối gốc, cây có hiện tượng lay gốc bật rễ làm mặt lòng lề đường nứt nẻ...

Có thể kiện đòi bồi thường

Vừa qua ở TP.HCM có nhiều vụ tai nạn do cây xanh gây ra, trong đó có vụ gây chết người. Đa số vụ tai nạn này được Công ty TNHH một thành viên Cây xanh cho rằng sự cố bất khả kháng, nên chỉ hỗ trợ các nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân mà chưa xét đến yếu tố bồi thường.

Theo luật sư Trương Xuân Tám, Đoàn luật sư Bà Rịa - Vũng Tàu: trường hợp người bị hại cảm thấy cách giải quyết của ngành cây xanh chưa thỏa đáng thì vẫn có thể khởi kiện. Ngoài ra, người dân vẫn có quyền khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền như thanh tra Sở Giao thông vận tải để tiến hành thanh tra, xác định sự cố gây ra có phải do lỗi chủ quan của ngành cây xanh hay là sự cố bất khả kháng, từ cơ sở đó để tính chuyện kiện hay không. Bởi vì trong thực tế nếu những cây xanh trên chưa được chặt tỉa theo đúng quy trình hoặc có dấu hiệu mục, bật gốc đã được cảnh báo nhưng chưa được xử lý kịp thời dẫn đến ngã đổ thì không thể coi là sự cố bất khả kháng. Còn quá trình kiểm tra, thanh tra cho thấy ngành cây xanh đã làm hết trách nhiệm, cắt tỉa cành... nhưng gặp cơn dông, gió mạnh làm cây ngã thì coi là sự cố bất khả kháng.

TP.HCM: nhiều tai nạn do cây xanh gãy đổ

Chiều 17-8-2014, trong cơn mưa dông một cây xanh trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 bị bật gốc đè trúng chị Nguyễn Thị Nhung đang cùng chồng chở hai con khiến chị bị chết trên đường đưa vào bệnh viện và hai con chị bị thương.

Chiều 1-6-2014, cơn mưa lớn kèm theo dông gió làm cây xanh tại góc ngã tư Nguyễn Trãi - Phùng Hưng (quận 5) bị gãy giữa thân, đè sập một tiệm ăn trên vỉa hè.

Chiều 30-5-2014, một cây xanh trên đường Pasteur (Q.1) bất ngờ trốc gốc ngã đè trúng một taxi. Cành cây va mạnh vào một người đàn ông đi xe máy khiến người này bị thương nặng ở cánh tay phải đi cấp cứu.

Ngày 28-5-2014 giữa lúc trời đang mưa to, một cây lim xẹt có đường kính gốc hơn 40cm bất ngờ ngã đè bốn ôtô trên đường Lê Lợi, Q.1, nhiều tài xế phải mở cửa xe thoát nạn.

Trưa 7-4-2014 khi trời chuyển mưa lớn, một nhánh cây xanh trên đường Hoàng Minh Giám (Q.Phú Nhuận) bất ngờ gãy, rơi xuống đường đè một phụ nữ bị thương.

Ngày 5-4-2014, một nhánh cây đường kính khoảng 30cm trên đường Lê Duẩn, Q.1 bất ngờ gãy đổ, đè lên hai nữ sinh đang đi học qua đoạn đường này khiến họ bị thương phải đưa đi cấp cứu, chiếc xe máy chở hai nữ sinh này bị hư hỏng nặng.

NGUYỄN TRỊNH KIỂM (chuyên viên cây xanh đô thị)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp