23/06/2014 13:20 GMT+7

Ngán ngẩm với xe khách giường nằm

MẬU TRƯỜNG - NGỌC ẨN
MẬU TRƯỜNG - NGỌC ẨN

TT - Cứ tưởng đi xe giường nằm là được đánh một giấc cho tới lúc xuống bến. Nào ngờ mọi chuyện lại vất vả, thậm chí bị hành không kém gì những chiếc xe “dù”.

mN9AracL.jpg
Nhồi nhét khách trên một xe giường nằm - Ảnh: V.Định

Ngược xuôi theo những chuyến xe giường nằm, chúng tôi mới hiểu đi lại bằng loại phương tiện này, kể cả xe giường nằm 5 sao hay xe giường nằm chất lượng cao, là chuyện chẳng đặng đừng.

Nhồi nhét

Ngày 15-6, chúng tôi từ Tiền Giang đón một xe khách giường nằm chất lượng cao trên quốc lộ 1 để đi TP.HCM. Bước lên xe, chúng tôi thật sự bị choáng bởi lượng khách trên xe nhiều gần gấp đôi so với số giường.

Hai lối đi giữa ba dãy giường khách chen chật kín, không còn chỗ trống, ước chừng có trên 20 khách ngồi, nằm vạ vật tại hai lối đi này. Khách chen chúc không còn chỗ trống để duỗi chân, chúng tôi buộc phải ngồi chụm gối trong khi nhà xe vẫn tiếp tục mời chào khách lên xe.

Không khí trên xe càng lúc càng ngột ngạt, tuy mở máy lạnh nhưng do lượng người quá đông cùng với việc chen lấn quá cỡ khiến những hành khách ngồi giữa hai lối đi vã mồ hôi. Dù nhiều hành khách cố ý nói to, phản đối nhà xe trong việc dừng dọc đường để đón trả khách làm ảnh hưởng tới thời gian của họ nhưng nhà xe vẫn phớt lờ.

Ở bất kỳ chỗ nào nhà xe cũng dừng xe để hành khách xuống. Thậm chí cả khi chạy lên đường cao tốc thì chiếc xe này vẫn ngang nhiên dừng xe để một nam hành khách xuống xe trong sự ngỡ ngàng của nhiều hành khách. Một vị khách lớn tuổi ngồi bó gối phía sau chúng tôi thì thầm: “Mấy ông nhà xe này dám dừng xe trên đường cao tốc để trả khách, thật chẳng coi tính mạng hành khách ra gì cả”.

Trước đó ngày 13-6, chúng tôi đến bến xe miền Đông mua vé xe giường nằm đi Cà Mau. Trên xe còn khá nhiều giường trống nên hành khách tùy ý lựa chọn chỗ nằm cho mình. Trên vé xe ghi giờ xuất phát là 7g nhưng mãi đến 8g xe mới xuất bến khiến nhiều hành khách bức xúc cự cãi với nhà xe.

“Tôi tưởng đi xe giường nằm sẽ đảm bảo đi đúng giờ, đúng tuyến, ai ngờ chẳng khác gì xe dù” - một hành khách bức xúc nói.

Dọc đường đi, phụ xe liên tiếp mở cửa để đón thêm hành khách nên rất mất thời gian. Đoạn đường từ bến xe miền Đông đến vòng xoay An Lạc dài chưa tới 20km nhưng chiếc xe này đi mất khoảng một giờ.

Đến đoạn đường dẫn vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (huyện Bình Chánh, TP.HCM), do mặt đường tại đây bị lún nên nhiều đoạn bị lồi lõm.

Chiếc xe chạy tròng trành, nghiêng ngả theo vệt lồi lõm của mặt đường. Với tư thế nằm bình thường, mặt chúng tôi chỉ cách trần xe chưa tới 20cm nên có những đợt xe hất lên khiến trán chúng tôi va trúng trần xe.

Không hiểu vì lý do gì, ở 10 ghế phía cuối xe không hề có một dây thắt an toàn nào hết nên suốt chặng đường đi, những hành khách nằm trên những chiếc giường này bị lật đi lật lại như khúc gỗ.

Lối đi cũng thành giường

Rạng sáng 17-6, từ bến xe Ngã Tư Ga (TP.HCM), chúng tôi lên xe giường nằm đi các tỉnh phía Bắc. Một hành khách tên P. thường xuyên đi xe của hãng này cho biết thường vào dịp cao điểm, nhà xe tận dụng các lối đi giữa ba dãy giường để kê thêm giường. Những chiếc giường kê thêm này chỉ được tháo ra khi có đoàn kiểm tra, còn ngày thường họ vẫn để trên xe. Đúng như thông tin của anh P. cung cấp, khi chúng tôi bước lên xe, những chiếc giường kê thêm vẫn nằm nguyên để sẵn sàng phục vụ hành khách.

Theo thông tin thiết kế, chiếc xe chở có 42 chỗ bao gồm cả ghế tài xế. Nhưng qua quan sát, chiếc xe bị biến tấu, hoán cải và lắp thêm trên 10 giường, nâng tổng số giường lên quá con số 50.

Nói là giường nhưng thật sự đây chỉ là những miếng ván ép được đóng thành hộp và bọc da bên ngoài, sau đó kê lên làm phần gối của giường, phần còn lại được trải thêm một tấm nệm để làm chỗ nằm.

Độ dài của những chiếc giường tự chế này bằng độ dài những chiếc giường khác nhưng bề ngang hẹp hơn, chưa đến 40cm, người lớn nằm rất chật chội.

Trong chuyến xe mà chúng tôi đi, nhà xe sử dụng hết số giường kê thêm. Ông Nguyễn Đình Mai (Hà Tĩnh), người được xếp nằm vào một trong số những chiếc giường kê thêm, cho biết: “Giường không thể nâng lên hoặc hạ thấp gối, nằm rất mỏi. Bề ngang của giường hẹp, nằm không cựa quậy được”.

Chúng tôi thử nằm vào chiếc giường do nhà xe kê thêm và rất khó nhấc mình ra khỏi giường vì giường hẹp, nằm lọt sâu xuống sàn xe. Còn khoảng hở giữa hai dãy giường tầng 2, nhà xe cũng thiết kế thêm một tấm thép bọc da kéo dài từ đầu đến cuối xe để tạo chỗ ngồi.

Khi vắng khách, tấm thép này sẽ là chỗ nằm cho khoảng sáu khách, tương đương chiều dài của sáu giường. Nhưng khi khách đông, nhà xe có thể nhét hàng chục người ngồi vào đây.

B2OSuZp7.jpg
Những chiếc giường được kê thêm ở lối đi và khoảng không phía trên của xe khách giường nằm TL - Ảnh: Mậu Trường

Mệt mỏi

Ngày 17-6, chúng tôi đón một chiếc xe giường nằm từ miền Trung đi TP.HCM. Trên xe có khoảng 30 khách, giữa hai lối đi trên xe được chất đầy thùng hàng là bình ăcquy, phía cuối xe là những chiếc giường vẫn trống chỗ.

Vẻ phờ phạc hiện rõ trên khuôn mặt của nhiều hành khách. Họ cho biết xe chạy chậm, dừng đón trả khách, lên xuống hàng liên tục nên rất bực bội và mệt mỏi.

Anh Nguyễn Thanh Bình (quê Bắc Ninh), một trong số những hành khách trên xe, cho biết chiếc xe này xuất bến tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội) lúc 15g ngày 15-6. “Nếu xe chạy đúng tốc độ thì giờ này đã tới TP.HCM rồi. Nhưng do nhà xe dừng dọc đường để nhận hàng hóa, đón thêm khách nên giờ này còn ở đây (tỉnh Bình Thuận)” - anh Bình cho biết.

Chiếc xe chạy đến địa phận tỉnh Đồng Nai và tiếp tục dừng tại nhiều địa điểm khác nhau trên đường để trả khách. Đỉnh điểm là khi chiếc xe chạy vòng vào Khu công nghiệp Amata để giao hàng cho một công ty.

Do không rành đường nên chiếc xe chạy lòng vòng mất khoảng 30 phút mới tìm được điểm trả hàng. Chưa hết, do hàng cần giao là những thanh vít với số lượng hàng trăm chiếc và cần kiểm đếm cẩn thận nên phải mất hàng giờ chiếc xe mới có thể tiếp tục chạy về hướng TP.HCM. Khi nhiều hành khách trên xe phản ứng, nhà xe mới chịu đổ hàng xuống và cử một người nhà xe ở lại kiểm đếm để chiếc xe tiếp tục chạy.

Xe vào đến bến xe miền Đông lúc gần 17g ngày 17-6. Bước xuống xe, nhiều hành khách phờ phạc, bước đi xiêu vẹo sau gần 50 giờ nằm trên xe.

Chấn chỉnh

Theo ông Lê Hồng Việt - phó thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM, nhu cầu vận chuyển hành khách từ TP.HCM đi các tỉnh, TP khắp cả nước rất lớn. Do đó, các đơn vị kinh doanh vận tải không ngừng nâng cao số lượng xe khách có giường nằm để cạnh tranh. Bên cạnh việc chạy theo lợi nhuận, một số doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến công tác đảm bảo an toàn giao thông. Đầu tháng 3-2014, Bộ Giao thông vận tải phải yêu cầu thanh tra sở giao thông vận tải các tỉnh và TP trong cả nước tổng kiểm tra chất lượng xe giường nằm để chấn chỉnh hoạt động.

Tại TP.HCM, thanh tra Sở Giao thông vận tải mở bốn cuộc tổng kiểm tra xe giường nằm tại các doanh nghiệp và tại bốn bến xe lớn của TP là An Sương, Ngã Tư Ga, miền Đông và miền Tây. Kết quả kiểm tra 414 xe giường nằm, đơn vị chức năng xử lý 174 trường hợp vi phạm, phạt 258,3 triệu đồng. Các lỗi vi phạm phổ biến như không niêm yết tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh trên thân xe; xe không có kính chắn gió hoặc có nhưng bị vỡ và không có tác dụng; xe không có đủ dụng cụ thoát hiểm, thiết bị chữa cháy, gương chiếu hậu, hoặc có gắn nhưng không có tác dụng...

Cũng theo ông Lê Hồng Việt, đa số xe giường nằm không đảm bảo về dây đai an toàn như dây đai hư hỏng, cá biệt có một số xe không có bất cứ dây đai nào. Thậm chí một số xe giường nằm gắn thêm giường, cá biệt có xe gắn thêm 10 giường so với giấy phép kiểm định, có xe đặt thêm các tấm đệm giữa dãy giường nằm nhằm chở thêm khách, có xe chở thêm hàng hóa dưới gầm xe vượt quá tải trọng thiết kế của nhà sản xuất.

Ông Lê Hồng Việt cho biết thanh tra Sở Giao thông vận tải TP đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cần bổ sung biện pháp chế tài hành vi “tự đặt thêm giường”. Đồng thời cần có biện pháp chế tài cụ thể đối với chủ xe, doanh nghiệp không đảm bảo điều kiện về dây đai an toàn. Cục Đăng kiểm cũng cần đưa nội dung kiểm định đối với dây đai an toàn khi thực hiện kiểm định xe giường nằm.

Xe giường nằm tăng mỗi ngày

Ông Thượng Thanh Hải - phó giám đốc bến xe miền Đông - cho biết ở bến xe này có 1.244 xe giường nằm với khoảng 50.000 giường. Số lượng xe giường nằm tuy ít hơn xe ghế ngồi nhưng có số lượng giường nằm nhiều hơn so với số lượng ghế ngồi. Đa số xe giường nằm có kích thước lớn, trong khi đa số xe ghế ngồi là xe loại nhỏ 16-45 chỗ ngồi rất chật hẹp.

Theo ông Hải, số liệu thống kê xe giường nằm thay đổi từng ngày vì nhiều doanh nghiệp có xe ghế ngồi đang chuyển sang mua sắm xe giường nằm. “Không những trong ngày thường đa số hành khách chọn mua vé xe giường nằm, đến ngày lễ tết xe giường nằm đắt khách kinh khủng” - ông Hải nói.

Cách đây tám năm (năm 2006), những chiếc xe giường nằm đầu tiên của Hãng xe Hoàng Long đưa vào chở khách tuyến bến xe miền Đông - Hà Nội. Từ đó nhiều doanh nghiệp vận tải theo chân Hãng xe Hoàng Long mua xe giường nằm. Đến nay nhiều hãng xe thương hiệu lớn như Phương Trang, Mai Linh, Kumho đều có xe giường nằm. Hàng trăm doanh nghiệp khác, kể cả các hợp tác xã nhỏ, cũng có xe giường nằm và không chỉ có một tuyến xe duy nhất Sài Gòn - Hà Nội, nay có hàng trăm tuyến đi các tỉnh miền Đông, Tây nguyên, miền Trung và miền Bắc.

Tương tự, tại bến xe miền Tây có Công ty Hùng Cường là đơn vị đầu tiên đưa xe giường nằm chạy tuyến bến xe miền Tây - Châu Đốc (An Giang) chở khách vào tháng 12-2011. Đến nay, ở bến xe này có 15 tuyến xe với 315 xe giường nằm đưa khách từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây. Phòng kế hoạch và điều hành bến xe miền Tây cho biết nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư xe giường nằm nhằm cạnh tranh nên số lượng xe giường nằm ở bến xe có chiều hướng tăng mạnh.

MẬU TRƯỜNG - NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp