Tinh thần của quy định này cùng một số thông điệp cụ thể được đông đảo cán bộ, người dân quan tâm.
Theo TS Nguyễn Văn Đáng, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, công tác cán bộ ở nước ta có những trường hợp bị chi phối bởi yếu tố "nhất thân, nhì quen", đặc biệt là quan hệ gia đình, dòng họ.
Hiện tượng này Đảng nhận thức, cảnh báo từ lâu và đã ban hành một số quy định để ngăn chặn.
Tuy nhiên, thực tế gần đây cho thấy việc ưu ái, bổ nhiệm "thần tốc" người thân trong gia đình vẫn là một nguy cơ luôn hiện hữu, vì vậy cần những phản ứng quyết liệt hơn như quy định 114.
Ngăn cơ quan, đơn vị trở thành gia đình thứ hai
* Hiện tượng lẫn lộn lợi ích công và lợi ích riêng tư, ưu ái bổ nhiệm người thân, nhất là con/cháu, vào các vị trí công quyền dễ vụ lợi... có thể khái quát như thế nào, thưa ông?
- Nói thẳng ra, hiện tượng này tạm gọi là "công quyền gia trưởng", nếu không được ngăn chặn, về lâu dài sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho cơ quan, đơn vị.
So với quy định 205/2019, quy định 114 đã chi tiết hơn, thể hiện quan điểm nghiêm khắc hơn với các biểu hiện ưu ái "hậu duệ" trong công tác cán bộ.
"Công quyền gia trưởng" chỉ là cách diễn đạt phái sinh từ khái niệm "quản trị gia trưởng" - mô hình quản trị mà mọi quyền lực quản trị thuộc về những người có quyền, họ không phân biệt công - tư.
Khi đó, một hệ quả là công sở rơi vào tình trạng "thân hữu hóa", tức là ưu tiên các quan hệ thân hữu (cá nhân, gia đình, dòng họ) trong việc phân bổ các cơ hội và nguồn lực công.
Lợi ích công sẽ dễ bị đặt dưới lợi ích riêng tư của người nắm giữ quyền lực, và đây cũng chính là cội nguồn dẫn đến rất nhiều biểu hiện tiêu cực cùng những hệ lụy lâu dài.
Trước đây, khi thực hiện quy định 205/2019 cũng đã phát hiện ra hàng trăm trường hợp và tùy theo mức độ đã có nhiều cách xử lý khác nhau như bố trí công việc khác, bị đình chỉ công tác và chức vụ, tạm dừng có thời hạn việc quy hoạch, điều động, bổ nhiệm.
* Những hệ quả nào có thể xảy ra nếu hiện tượng "công quyền gia trưởng" không bị ngăn chặn, đẩy lùi?
- Những nguy cơ dễ thấy nhất của hiện tượng "công quyền gia trưởng" là tạo cơ hội cho sự chuyên quyền, độc đoán của những người có chức vụ; tiếp đó là khả năng những người có thẩm quyền lợi dụng vị trí công việc để mưu lợi cá nhân.
Hệ lụy nghiêm trọng nhất từ các nguy cơ nêu trên là người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thể dễ dàng theo đuổi việc tối đa hóa lợi ích cá nhân, khiến cho tình trạng tiêu cực, tham nhũng diễn ra nghiêm trọng mà rất khó ngăn chặn.
Nếu quyền lực công bị chiếm hữu để ưu ái các quan hệ gia đình thì yếu tố "cùng dòng máu" sẽ trở thành điều kiện quan trọng nhất cho các quyết định về công tác cán bộ, lấn át các yêu cầu về phẩm chất, năng lực, hay ý thức và thái độ làm việc.
Thủ trưởng có thể thoải mái tuyên bố mục tiêu xây dựng cơ quan, đơn vị trở thành một gia đình thứ hai là hình ảnh dễ hình dung về tình trạng này.
Điều này, nếu diễn ra phổ biến, có thể tạo ra những bức xúc, mất đoàn kết nội bộ đơn vị. Những cán bộ có phẩm chất tốt, năng lực, ý thức và thái độ làm việc dù có vượt trội cũng khó được đề bạt, thăng tiến.
Về lâu dài, tình trạng ưu tiên quan hệ gia đình trong công tác cán bộ sẽ khiến cho chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung bị suy giảm, nguy cơ tha hóa về năng lực thực thi nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị, và công quyền bị mất uy tín.
* Vậy theo ông, quy định 114 đã có những điểm mới gì đáng chú ý để cảnh báo tình trạng này?
- Có ba điểm mới dễ thấy và đáng chú ý. Đầu tiên là bổ sung và giải thích rõ ràng các khái niệm then chốt, đặc biệt là sự mở rộng hơn về phạm vi xác định "người thân dựa trên quan hệ gia đình" khi đề cập đến "vợ/chồng; cha/mẹ; người trực tiếp nuôi dưỡng hoặc cha/mẹ của người trực tiếp nuôi dưỡng vợ/chồng; con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; anh/chị/em ruột của bản thân hoặc vợ/chồng".
Điểm nổi bật thứ hai là quy định 114 phân biệt rõ hơn giữa "tiêu cực" và "tham nhũng" trong công tác cán bộ. Điều 3, quy định 114 đã chỉ rõ những hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác cán bộ; trong khi điều 4 cảnh báo về những hành vi chạy chức, chạy quyền.
Có thể hiểu những biểu hiện như quy định tại điều 3 là những dấu hiệu tiêu cực, còn các biểu hiện tại điều 4 có thể đã đến mức tham nhũng liên quan đến công tác cán bộ.
Điểm mới thứ ba là quy định 114 đặt ra nguyên tắc rất nghiêm khắc và rõ ràng: không để người thân đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý trong 13 lĩnh vực cụ thể, bao gồm: nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án và viện kiểm sát ở trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương.
Trách nhiệm của người đứng đầu
* Việc bổ sung các quy định như vậy có thể ngăn chặn được tình trạng "hậu duệ", "con ông cháu cha" mà dư luận hay nói?
- Bản thân việc ban hành các quy định trước hết chỉ có tác dụng cảnh báo nên chưa đủ cơ sở để dự báo là quy định 114 có thể góp phần ngăn chặn hay chấm dứt được tình trạng "hậu duệ", "con ông cháu cha" hay không.
Thực tế, khả năng biến tướng đa dạng, các quan hệ gia đình sẽ có thể thích ứng rất linh hoạt với các quy định của Đảng, quy định hành chính, kể cả quy định pháp lý. Vì vậy, tôi nghĩ bên cạnh tác dụng cảnh báo nghiêm khắc hơn, quy định 114 sẽ có thể sớm phát huy tác dụng, giúp giảm bớt tiêu cực trong công tác cán bộ với 13 ngành, lĩnh vực cụ thể đã được nêu đích danh.
* Vậy đâu là những yếu tố then chốt để quy định 114 có thể phát huy hiệu lực, hiệu quả?
- Chúng ta cần nhận thức rằng, với trình độ phát triển hiện tại, hiện tượng lạm dụng quyền lực công để ưu ái người thân trong gia đình sẽ vẫn là một thách thức nan giải với hệ thống công quyền ở nước ta trong thời gian tới. Thứ nhất, xã hội Việt Nam vẫn đang phát triển theo hướng hiện đại hóa cho nên các tư duy truyền thống, tâm lý "nhất thân, nhì quen" vẫn còn ảnh hưởng.
Thứ hai, hệ thống quản trị quốc gia ở nước ta đặc trưng bởi nguyên tắc "quyền lực thống nhất" cho nên người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị luôn có một phạm vi quyền lực rất lớn, cả về chính trị và hành chính.
Do đó, việc thực hiện quy định 114 trước hết phụ thuộc rất lớn vào ý thức và trách nhiệm của ban lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu.
Vấn nạn "nhất thân, nhì quen", ưu tiên con/cháu chỉ có thể bị đẩy lui nếu mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý đều đề cao sự duy lý, đặt lợi ích của cơ quan, đơn vị lên trên tình cảm và lợi ích của bản thân mỗi khi ban hành quyết định về cán bộ.
Về lâu dài, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh tiến trình hiện đại hóa quy trình công tác cán bộ khu vực công theo hướng duy lý, khoa học. Tức là, quy trình phải bảo đảm các quyết định về công tác cán bộ dựa trên những thành tích, đóng góp cụ thể, phản ánh phẩm chất và năng lực thực sự của mỗi cá nhân.
* Ông nhận định thế nào về việc Bộ Chính trị đặc biệt đặt ra nguyên tắc cho 13 lĩnh vực?
- Thứ nhất, Đảng đã phát hiện ra đây là những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nhất các nguy cơ ưu ái người thân, núp bóng công quyền để mưu lợi riêng.
Thứ hai, những cảnh báo chung chung trong các quy định trước đây chưa thực sự hiệu quả trong việc phòng chống ưu ái quan hệ gia đình nơi công sở.
Thứ ba, việc nêu rõ và cụ thể khẳng định sự quyết tâm và dứt khoát của Đảng trong nỗ lực loại bỏ hiện tượng ưu ái quan hệ gia đình khỏi 13 ngành, lĩnh vực "nhạy cảm". Có nghĩa là từ nay trở đi, hiện tượng ưu ái bổ nhiệm cán bộ là người thân trong gia đình sẽ rất khó thực hiện với 13 ngành, lĩnh vực này.
Thường trực Ban Bí thư TRƯƠNG THỊ MAI:
Sẽ rà soát những nơi bố trí người nhà làm cán bộ
Phát biểu tại hội nghị quán triệt quy định 114 vào ngày 26-7, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho rằng đây là quy định khó, vì đụng chạm đến con người, tâm tư, tình cảm, mong muốn.
Ai cũng muốn con em, người trong gia đình mình trưởng thành, phát triển. Mong muốn đó hoàn toàn chính đáng.
Tuy nhiên là người đứng đầu, người cán bộ lãnh đạo quản lý phải cân nhắc đầy đủ, gương mẫu.
Quy định cấm thì không được làm, yêu cầu gương mẫu thì phải cân nhắc tính toán kỹ lưỡng. Bà Mai cũng nhấn mạnh và nêu rõ hiện còn một số nơi bố trí cán bộ là người có quan hệ gia đình nên tới đây Ban Tổ chức Trung ương sẽ rà soát.
Thường trực Ban Bí thư đánh giá từ khi Bộ Chính trị ban hành quy định kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền (quy định 205), đến nay đã từng bước khắc phục tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phục vụ lợi ích cá nhân. Với quy định 114 có nhiều điều khoản nghiêm khắc hơn nhưng cần đi vào cuộc sống để cán bộ, đảng viên, nhân dân có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ.
Đại biểu BÙI HOÀI SƠN (ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục):
"Con quan rồi lại làm quan" đi ngược xã hội
"Hậu duệ" với nghĩa gốc tốt đẹp dành để nói về con cháu, thế hệ sau của một người nào đó. Nhưng "hậu duệ" hay vấn đề "9C" - "con cháu các cụ cả, chiếu cố các cháu" trong công tác cán bộ được hiểu theo nghĩa tiêu cực vốn là sản phẩm tàn dư của một xã hội đã trải qua hàng nghìn năm phong kiến.
"Con quan rồi lại làm quan" như vậy chính là biểu hiện của tư duy lạc hậu, bất công, trái ngược hoàn toàn với đặc trưng của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đang xây dựng.
Việc Bộ Chính trị ban hành quy định 114 là quyết định rất quan trọng, hợp với lòng dân. Cùng với đó, Bộ Chính trị cũng quy định không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành có ý nghĩa rất lớn, giúp ngăn chặn hiện tượng tham nhũng bằng cách loại bỏ những nguy cơ xảy ra trong việc bố trí người nhà cùng làm lãnh đạo.
Đồng thời, tạo ra một môi trường công bằng, minh bạch và tin cậy. Quy định này thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt của Đảng trong việc xây dựng hệ thống chính trị trung thực, chính trực, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, quy định cũng nhằm tránh hiện tượng "một người làm quan, cả họ được nhờ", tâm lý ỷ lại vào dòng họ, đồng hương trong hoạt động chính trị. Việc chỉ bổ nhiệm người có đủ năng lực và trình độ để điều hành các cơ quan quản lý ở các ngành nhất định giúp đảm bảo rằng quyền lực được phân phối một cách công bằng và đúng đắn dựa trên năng lực và hiệu suất, chứ không phụ thuộc vào quan hệ gia đình.
Ông NGUYỄN ĐỨC HÀ (nguyên vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương):
Tránh loanh quanh thành gia đình trị
Trước đây tại các văn bản, quy định của Đảng đã nêu rõ việc không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đứng đầu ở một số ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên chưa được cụ thể, rõ ràng. Với quy định
114 của Bộ Chính trị đã quy định rõ ràng, cụ thể hơn, trong đó không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đứng đầu các cơ quan ở 13 bộ, ngành.
Ở đây có thể thấy rõ 13 ngành này đều là những ngành, lĩnh vực nhạy cảm cao và liên quan công tác cán bộ rất dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Do đó, phải chủ động đề phòng. Đối với người nếu thực sự có tài, có quan hệ gia đình có thể bố trí đi chỗ khác, làm việc khác.
Bên cạnh đó, từ quy định cụ thể có thể hạn chế tối thiểu những trường hợp người trong một gia đình. Ví dụ trong Ban Thường vụ có thể có 11 người hay 13 người, biết đâu bố là bí thư, mẹ là trưởng Ban Tuyên giáo, con là trưởng Ban Tổ chức, cháu họ là chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra...
Như thế là rất nguy hiểm và loanh quanh lại là gia đình trị. Vì thế lần này quy định đã chỉ rõ và đưa ra hướng xử lý cụ thể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận