Phóng to |
Sách do Nhã Nam và NXB Thế Giới ấn hành. Ngày 9-6, 20 cuốn Ngàn năm áo mũ sẽ được mở bán chính thức trên amazon.com - Ảnh: Lam Điền |
Nhà nghiên cứu QUÁCH HIỀN (sinh năm 1978) - nghiên cứu viên của Viện Văn học - cũng đã "vào cuộc" để cùng giải mã cuốn sách đáng chú ý này.
* So với những gì chúng ta vẫn hình dung xưa nay về y phục cũng như về quan điểm thẩm mỹ của người Việt qua những nghiên cứu của các nhà nghiên cứu trước đây như Chu Quang Trứ, Phan Cẩm Thượng, Trịnh Bách... những điểm mà chị thấy thật sự mới mẻ trong cuốn Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Ðức?
- Cho dù cùng chung một đối tượng nghiên cứu thì mỗi nhà nghiên cứu đều có cách đặt vấn đề riêng, cách nhìn riêng của mình, vì thế công trình nào cũng sẽ có những điểm mới mẻ. Cho nên tôi nghĩ chúng ta nên dùng chữ "khác biệt".
Theo tôi, Ngàn năm áo mũ có ba điểm khác biệt so với các công trình nghiên cứu về trang phục Việt Nam trước đó. Thứ nhất: đây là một công trình sử dụng "tam trùng chứng cứ": chứng cứ trong sử liệu (những sử liệu ghi chép bằng chữ Hán của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các tài liệu ghi chép của người phương Tây về Việt Nam); chứng cứ bằng hình ảnh, đồ vật như tranh, tượng, các bức ảnh... và chứng cứ so sánh liên văn hóa. Về tổng thể, ba tầng chứng cứ này đều được tác giả tuân thủ theo nguyên tắc chứng cứ đồng đại. Với một khối lượng chứng cứ phong phú và khá xác tín như thế, có thể nói Ngàn năm áo mũ không chỉ là một cuốn từ điển về trang phục mà còn là một kho tư liệu tiềm tàng nhiều vấn đề khác của lịch sử Việt Nam cần được nghiên cứu khai thác.
"Điểm nổi bật thú vị nhất là người Việt trong hàng nghìn năm đã nhuộm răng đen và đi chân đất. Chính vì vậy, biến cố lớn nhất trong lịch sử trang phục Việt là vào năm 1744, khi chúa Nguyễn xưng vương và biến đàng Trong thành một vùng lãnh thổ độc lập so với đàng Ngoài, đã bắt toàn bộ quan lại và dân chúng phải đi giày dép" Trần Quang Đức |
Thứ hai: trong Ngàn năm áo mũ, trang phục không chỉ là một nhân tố của sinh hoạt đời thường, trang phục được hiểu là một phần của văn hiến nước nhà. Trang phục trong cuốn sách gắn liền với các quy chế về lễ nhạc, văn hóa, gắn liền với thái độ chính trị của các triều đại Việt Nam trong tư thế đối diện với Trung Hoa.
Thứ ba: Ngàn năm áo mũ đi thẳng vào trung tâm của cuộc tranh luận chưa ngã ngũ về áo mũ Việt Nam lâu nay: Việt Nam có ảnh hưởng hay không ảnh hưởng mũ áo của Trung Hoa? Và nếu ảnh hưởng thì ảnh hưởng như thế nào? Tôi nghĩ những biện giải có chứng cứ xác đáng về các vấn đề đó là điểm khác biệt lớn nhất và có giá trị nhất của cuốn sách này.
* Cuốn sách mới ra nhưng đã kịp gây dư luận trái chiều về quan điểm phục dựng (tuy số phục dựng rất ít so với hình ảnh gốc) và nhất là điểm nhìn của tác giả về ảnh hưởng của triết học và văn hóa Trung Hoa đến văn hóa Việt Nam thông qua "áo mũ". Với tư cách một nhà nghiên cứu văn hóa, chị nhìn nhận thế nào với việc này?
- Nói như nhà nghiên cứu Ðinh Thanh Hiếu trong lời tựa cho cuốn sách thì: "Vật đổi sao dời, ngày nay nhìn lại, sinh sau nghìn năm mà muốn nói chuyện nghìn năm trước, cũng không phải dễ dàng", công việc "hình dung lại nghìn năm trước" như thế tránh sao khỏi những thiếu sót? Hơn nữa, như trên tôi đã nói, cuốn sách đề cập mối liên hệ giữa Việt Nam và Trung Hoa trong quá khứ - đây là một vấn đề nhạy cảm - nên nếu có những quan điểm trái chiều tôi nghĩ cũng là chuyện rất tự nhiên. Thậm chí, như chị cũng thấy, nhiều người nói với tác giả Trần Quang Ðức: nếu các quan điểm đó chỉ ra các chỗ sai sót cho Ngàn năm áo mũ thì nên lấy làm mừng. Tuy nhiên tôi muốn nhấn mạnh rằng các trao đổi cần diễn ra ở một diễn đàn khoa học chính thức và công khai.
* Ấn tượng đặc biệt nhất của chị với tư cách độc giả về cuốn sách không hề dễ đọc này?
- Một tư liệu công phu, đáng tin cậy, nhiều gợi mở và tất nhiên... là một cuốn sách đẹp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tác giả Trần Quang Ðức cho biết: Ý tưởng về một công trình nghiên cứu trang phục của người Việt bắt đầu từ năm 2010, khi có những tranh cãi xung quanh trang phục của bộ phim Ðường tới thành Thăng Long. Chọn trang phục giống phim Tàu quá, người xem sẽ phản ứng rất dữ dội. Khi đó các nhà nghiên cứu đã không thuyết phục được người đọc, người xem về những nghiên cứu của mình. Còn những người tiếp nhận sản phẩm văn hóa thì luôn có những suy nghĩ cảm tính, cứ nghĩ rằng trang phục Việt Nam lúc đó phải như vậy, như vậy mà không dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học nào. Tôi nghĩ lỗi đầu tiên thuộc về những người nghiên cứu đã không thể thuyết phục được công chúng. Hiện nay khi nghiên cứu văn hóa có hai xu hướng: Hoa tâm và Việt tâm. Hoa tâm coi mọi thành tố văn hóa đều bắt nguồn từ Trung Quốc, Việt tâm thì ngược lại. Tôi cho rằng cả hai xu hướng này đều cực đoan. Ngàn năm áo mũ lý giải thế nào là Hoa, thế nào là Việt trong văn hóa ăn mặc, lối sống của người Việt, qua đó khẳng định cái gì là lõi giá trị, là bản sắc bất biến trong lịch sử. Trong Ngàn năm áo mũ có trích dẫn 230 cuốn sách, phần lớn là Hán Nôm cổ, trong đó có khá nhiều tài liệu lấy từ thư viện nước ngoài. Trước khi đi điền dã, tôi đã xử lý hết dữ liệu bằng cách cố gắng đọc toàn bộ, nhập hết vào file tư liệu của riêng mình (nhập thủ công bằng tay). Khó khăn lớn nhất là tư liệu Hán Nôm dịch ra tiếng Việt hiện nay khá hạn chế về mặt số lượng và cả về dịch thuật, vì người dịch không hiểu về trang phục nên dịch nhiều khi không chính xác. Ví dụ, có sách dịch vua nhà Trần thường chít "khăn tàu", thực tế phải là "đường cân". |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận