14/09/2021 05:22 GMT+7

Ngân hàng từ chối giãn nợ, giảm lãi, người vay mua ôtô chạy xe công nghệ khóc ròng

LÊ THANH - ÁNH HỒNG
LÊ THANH - ÁNH HỒNG

TTO - Hơn ba tháng TP.HCM giãn cách để phòng chống dịch, xe công nghệ không được chạy, không có nguồn thu nhưng vẫn phải đóng gốc, lãi đều đặn khiến nhiều tài xế xe công nghệ kiệt quệ.

Ngân hàng từ chối giãn nợ, giảm lãi, người vay mua ôtô chạy xe công nghệ khóc ròng - Ảnh 1.

Ngân hàng thanh lý ôtô do người vay không trả được nợ - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Khi tài xế kiến nghị ngân hàng giãn nợ, giảm lãi, nhiều ngân hàng từ chối với lý do vay mua xe với mục đích tiêu dùng chứ không phải... xe công nghệ.

Tài xế khốn đốn

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, anh N.T.V. (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết tháng 7-2020 vay ngân hàng 300 triệu đồng để mua ôtô chạy Grab mưu sinh. Lãi suất cho vay thời điểm đó là 9,7%/năm. Ngay sau khi hết thời hạn mà ngân hàng nói ưu đãi, lãi suất tăng lên 12,7%/năm.

"Tôi rất sốc vì lãi suất cho vay lại tăng quá cao trong khi vì dịch COVID-19, TP giãn cách 3-4 tháng nay, tôi không có thu nhập. Hằng tháng, nhận được tin báo đòi nợ của ngân hàng, tôi như ngồi trên đống lửa. 

Tôi đã đề nghị ngân hàng giảm lãi nhưng không được chấp thuận vì ngân hàng cho tôi vay tiêu dùng chứ không phải vay chạy Grab. Vì vậy không thể lấy lý do này để đề nghị giảm lãi hay cơ cấu nợ, giãn nợ" - anh V. nói và cho hay luôn phải lo nợ quá hạn sẽ bị phạt, sau này muốn vay ngân hàng cũng khó, trong khi suốt ba tháng qua, tiền để mua thực phẩm trang trải cho gia đình còn phải tằn tiện thì biết xoay ở đâu để trả nợ ngân hàng bây giờ.

Anh V. mong mỏi ngân hàng hạ lãi suất cho vay và gia hạn trả nợ cho khách hàng, nhất là những người vay mua xe chạy Grab để mưu sinh như anh. Đây là tình cảnh rất đặc biệt chứ không phải nguyên nhân chủ quan của khách hàng.

Tương tự, anh Đào Văn Bình (quận 6) còn khoản nợ gốc hơn 300 triệu đồng tại một ngân hàng cổ phần có trụ sở ở Hà Nội. Dù đã phải "treo xe" hơn 3-4 tháng qua nhưng mỗi tháng vẫn phải đều đặn đóng gốc và lãi hơn 9 triệu đồng, trong đó 5,7 triệu đồng là nợ gốc, số còn lại là tiền lãi.

"Nhà tôi bị phong tỏa suốt hai tháng qua không ra ngoài được. Tôi trình bày với ngân hàng nhưng họ không đồng ý giãn nợ hay giảm lãi. Do vậy mỗi tháng tôi phải vay mượn vòng quanh để đóng" - anh Đào Văn Bình nói.

Anh cũng bức xúc vì khi cho vay, ngân hàng đã khảo sát, biết rõ nguồn thu của gia đình anh, giấy tờ xe ngân hàng nắm nhưng vẫn không xem xét để giúp người vay vượt qua giai đoạn khó khăn này. Thậm chí chỉ cần trễ hạn một ngày là phạt.

Có thể gửi đơn đến Ngân hàng Nhà nước

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, sau khi cơn sốt cho vay tiền mua ôtô để chạy xe công nghệ rộ lên khoảng 7 năm trước, những năm gần đây nhiều ngân hàng vẫn đẩy mạnh cho vay mua ôtô vì lãi suất cho vay khá cao nhưng mục đích vay trên hồ sơ chủ yếu là cho vay tiêu dùng thay vì vay mua ôtô để chạy xe công nghệ.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM cho biết ba năm nay ngân hàng chỉ cho vay dưới dạng cho vay tiêu dùng, tức người vay có thêm nguồn trả nợ khác từ lương vì cho vay chạy xe công nghệ rủi ro khá cao.

Vị này lý giải rằng trước đây xe ít nhu cầu nhiều, còn hiện nay số xe chạy dịch vụ tăng mạnh, doanh thu của tài xế không còn được như trước. Chưa kể, xe chạy dịch vụ thường là loại phổ thông, lại khai thác triệt để nên nếu ngân hàng có thu hồi thì cũng rất khó thanh lý.

Do cho vay với mục đích tiêu dùng nên theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhiều ngân hàng cũng lấy lý do này từ chối giảm lãi hay cơ cấu cho người vay vì sử dụng không đúng mục đích.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM - cho biết vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư số 14, theo đó các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ phát sinh trước ngày 1-8-2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. 

Ngoài ra các ngân hàng cũng được cơ cấu lại các khoản phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến 30-6-2022. 

Do vậy người vay nên đọc kỹ quy định của thông tư này, nếu thuộc diện theo quy định thì có thể làm đơn đề nghị gửi đến ngân hàng cho vay. Trường hợp bị từ chối, người vay có thể gửi đơn đến Ngân hàng Nhà nước.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, thông tư 14 chủ yếu quy định về khoảng thời gian các ngân hàng được cơ cấu nợ và không giới hạn cụ thể đối tượng, mục đích vay, do vậy sẽ tùy ở quyết định của các ngân hàng.

Ông Bùi Danh Liên - phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho rằng trong lúc khó khăn do dịch COVID-19, ngân hàng cũng nên tính toán miễn, giảm lãi suất cho vay, giãn nợ như hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước để chia sẻ.

Dù sao nhiều ngân hàng vẫn có lợi nhuận với hàng trăm đến vài nghìn tỉ đồng trong 6 tháng qua, nên vì lợi ích chung của đất nước là cùng chung tay sớm đưa đất nước vượt qua đại dịch, khôi phục và phát triển kinh tế, ngân hàng nên giảm lãi suất cho vay, giãn nợ cho khách hàng, trong đó có các tài xế Grab đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trường hợp không giảm được lãi suất cho vay thì ngân hàng cần giữ nguyên mức như cũ chứ không thể tăng vào lúc khách hàng bị kiệt quệ do dịch.

Các ứng dụng hỗ trợ gì cho tài xế trong mùa dịch?

Các ứng dụng có tung ra chính sách hỗ trợ cho tài xế chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Grab và Be cho phép tài xế chuyển từ xe 4 bánh sang chạy xe 2 bánh để có thu nhập trong thời gian tạm dừng GrabCar và BeCar.

Trong đó, với tài xế từ ôtô sang chạy xe 2 bánh, Be có chương trình hỗ trợ đảm bảo doanh thu khoảng 5 triệu đồng/tháng, làm việc với các ngân hàng để giảm nợ các khoản vay của tài xế mua ôtô để chạy dịch vụ. Với tài xế chạy xe 4 bánh của Grab, chưa có thông tin của hãng về hỗ trợ những khoản vay cho tài xế.

Với tài xế xe 2 bánh Be hỗ trợ khẩn cấp để giúp tài xế khó khăn, trong khu cách ly với ngân sách 3 - 10 triệu đồng/người. Grab hỗ trợ 100% khoản phí phạt hành chính, tối đa 2 triệu đồng/trường hợp nếu tài xế thực hiện đúng quy định giao nhận hàng nhưng vẫn bị phạt...

Trả lời Tuổi Trẻ về việc một số tài xế phản ảnh rằng chưa được ngân hàng giảm lãi và cơ cấu nợ dù mấy tháng qua phải "treo xe", đại diện Grab cho hay ngắn gọn:

Ngay khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, từ tháng 4-2020, Grab đã đề xuất một số ngân hàng xem xét giãn nợ, giảm lãi suất cho đối tác GrabCar. Rất mong TP sớm khống chế được dịch, mở lại các hoạt động kinh tế, trong đó có các dịch vụ như GrabCar, GrabBike theo lộ trình đảm bảo an toàn.

Theo ghi nhận, những tháng gần đây lượng ô tô thanh lý của một số ngân hàng thương mại đã tăng lên đáng kể.

Đại diện lãnh đạo một ngân hàng thương mại ở Hà Nội cho biết hầu hết xe được ngân hàng thanh lý là tài sản đảm bảo khoản vay. Do khó khăn, khách hàng không thể trả nợ đúng hạn tiền gốc và lãi vay nên đã giao xe cho ngân hàng.

CÔNG TRUNG - A.HỒNG - L.THANH

Vì sao lãi suất cho vay giảm nhỏ giọt? Vì sao lãi suất cho vay giảm nhỏ giọt?

TTO - Nhiều doanh nghiệp, người dân muốn giảm lãi suất. Tuy nhiên, mức giảm chỉ 0,1, thậm chí 1%/năm không thấm tháp vào đâu, vì số tiền phải trả hằng tháng quá lớn mà dòng tiền, thu nhập giảm mạnh vì dịch.

LÊ THANH - ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp