26/08/2024 14:45 GMT+7

Ngân hàng Thế giới nâng dự báo tăng trưởng, khuyến nghị Việt Nam tăng đầu tư công

Con số 6,1% cho năm 2024 cao hơn mức dự báo trước đó của Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng 4 vừa qua, dự kiến tăng lên 6,5% trong năm 2025 và 2026 nếu Việt Nam đẩy mạnh đầu tư công.

WB nâng dự báo tăng trưởng, khuyến nghị Việt Nam tăng đầu tư công - Ảnh 1.

Các chuyên gia WB tại cuộc họp báo ngày 26-8 - Ảnh: DUY LINH

Trong cuộc họp báo sáng 26-8 tại Hà Nội, các chuyên gia WB tại Việt Nam nhận định những con số được nêu trong báo cáo Điểm lại công bố cuối tuần trước đã cho thấy "khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thách thức ngày càng gia tăng trên toàn cầu".

Tăng đầu tư công để duy trì đà tăng trưởng cao

Cụ thể, tăng trưởng GDP của Việt Nam ước đạt 6,1% trong năm 2024 và sẽ lên tới 6,5% trong năm 2025, 2026. Trước đó trong báo cáo công bố vào tháng 4-2024, WB dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam chỉ đạt 5,5% trong năm 2024 và tăng lên 6% vào năm 2025.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia của WB, hiện nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa quay lại lộ trình tăng trưởng như trước đại dịch COVID-19.

Do đó, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công để vừa kích cầu ngắn hạn vừa góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt hạ tầng trong các lĩnh vực như năng lượng, giao thông và logistics.

"Để duy trì đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm và các năm tới, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục cải cách thể chế, đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời quản lý, giám sát các rủi ro trong thị trường tài chính" - ông Sebastian Eckardt, trưởng ban kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của WB, nêu khuyến nghị.

Việc WB nâng dự báo tăng trưởng phản ánh sự đánh giá cao của tổ chức này trước những nỗ lực ổn định nền kinh tế của Chính phủ Việt Nam thời gian qua. Đó còn là nỗ lực làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

WB nâng dự báo tăng trưởng, khuyến nghị Việt Nam tăng đầu tư công - Ảnh 2.

Bà Dorsati Madani trình bày về các triển vọng tích cực đối với nền kinh tế Việt Namm - Ảnh: DUY LINH

Trả lời câu hỏi Tuổi Trẻ Online gửi trước họp báo về hiệu quả đầu tư công tại Việt Nam và các khuyến nghị để tăng tốc độ giải ngân, các chuyên gia WB đánh giá cao các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam thời gian qua.

Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB tại Việt Nam, cho biết năm ngoái WB đã đưa ra một báo cáo, trong đó chỉ ra những bất cập trong quản lý đầu tư công và cách khắc phục.

Hiện WB đang tích cực tham gia với các đối tác Việt Nam trong việc hỗ trợ quản lý đầu tư công hiệu quả.

"Để cải thiện hệ thống quản lý đầu tư công, trước hết cần bắt đầu từ công tác lập kế hoạch. Đó là cả một chu trình, từ lập kế hoạch đến đánh giá, lựa chọn và cân nhắc những yếu tố xanh của các dự án - một điểm rất quan trọng", bà Dorsati Madani nêu vấn đề.

Vị chuyên gia của WB giải thích trong bối cảnh đang có sự dịch chuyển FDI, để có thể tiếp tục giữ được sự hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, Việt Nam cần tạo môi trường thuận lợi hơn nữa và "xanh hơn nữa". Với đầu tư công, để tạo ra sự khác biệt lớn, Việt Nam cần phải sắp xếp thứ tự ưu tiên của các dự án, từ cấp quốc gia đến cấp vùng.

Về vấn đề triển khai đầu tư công, theo bà Dorsati Madani, có rất nhiều vấn đề hoàn toàn có thể được giải quyết thông qua việc đưa ra những quy định mới. Ví dụ, Chính phủ đang xem xét sửa đổi Luật Đầu tư công để hỗ trợ và tạo thuận lợi dễ dàng về mặt thủ tục để thúc đẩy triển khai đầu tư công.

Tạo nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế

Ngân hàng Thế giới nâng dự báo tăng trưởng, khuyến nghị Việt Nam tăng đầu tư công - Ảnh 3.

Ông Andrea Coppola, chuyên gia của WB tại Việt Nam, khuyến nghị Việt Nam nên đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu để tránh các cú sốc suy giảm từ những thị trường lớn truyền thống - Ảnh: DUY LINH

Cũng tại cuộc họp báo sáng 26-8, các chuyên gia đã thảo luận về những cách có thể giúp Việt Nam có được thị trường vốn mạnh mẽ. WB nhấn mạnh việc phát triển thị trường vốn sẽ tạo ra nguồn vốn dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, từ đó giúp Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Để Việt Nam khai mở tiềm năng của thị trường vốn, cần phải vượt qua một số rào cản cụ thể nhằm đảm bảo tăng trưởng lành mạnh và bền vững. Trong đó cần tận dụng được quỹ của Bảo hiểm xã hội, xem đây là một nguồn lực chủ đạo tiềm năng trong việc thúc đẩy phát triển thị trường vốn, theo WB.

Do sự thiếu vắng tỉ trọng lớn của các nhà đầu tư tổ chức trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư cá nhân trở nên chi phối, qua đó tạo ra nhiều biến động do hành vi mua bán mang tính bầy đàn. Điều này cũng góp phần làm tích tụ rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và hạn chế việc thị trường cổ phiếu trở thành kênh huy động vốn cho khu vực doanh nghiệp.

Quản lý một danh mục tương đương 10% GDP, Bảo hiểm xã hội là nhà đầu tư tổ chức lớn nhất ở Việt Nam, lớn hơn toàn bộ các nhà đầu tư tổ chức trong nước khác cộng lại. Song do các quy định pháp lý, tài sản của Bảo hiểm xã hội đang tập trung chủ yếu vào trái phiếu chính phủ.

Nếu Bảo hiểm xã hội đa dạng hóa đầu tư sang các thị trường chứng khoán doanh nghiệp như cổ phiếu và trái phiếu, sự đầu tư của Bảo hiểm xã hội sẽ hỗ trợ sự phát triển của các thị trường đó qua đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư và tạo ra tình trạng ổn định tương đối với tư cách là nhà đầu tư dài hạn.

"Nếu được triển khai hợp lý theo từng bước nhỏ, đa dạng hóa đầu tư sẽ làm tăng lợi nhuận đầu tư cho Bảo hiểm xã hội về lâu dài", WB khuyến nghị và cho rằng cần có khung chính sách mạnh mẽ hơn để Bảo hiểm xã hội trở thành nhân tố chính thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn.

Ngân hàng Thế giới nâng dự báo tăng trưởng, khuyến nghị Việt Nam tăng đầu tư công - Ảnh 4.

Chuyên gia Ketut Ariadi Kusuma (giữa) trình bày chi tiết những khuyến nghị để Bảo hiểm xã hội trở thành nhân tố chính thúc đẩy thị trường vốn, tạo nguồn lực cho nền kinh tế dài hạn - Ảnh: DUY LINH

Theo ông Andrea Coppola - chuyên gia kinh tế trưởng và quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, tài chính và thể chế của WB tại Việt Nam, qua các sự vụ vừa rồi liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, đã tới lúc Việt Nam cần có một cơ quan mang tính sàng lọc và giám sát các nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Có thể hiểu nôm na là cần phải có một bảng xếp hạng tín nhiệm các nhà phát hành trái phiếu. Thứ hai, từ phía các nhà đầu tư, cần đảm bảo có được đầy đủ thông tin qua một bên thứ ba có uy tín, giúp họ có được quyết định sáng suốt.

"Hàng tỉ USD của các quỹ đầu tư toàn cầu sẽ được rót vào các thị trường vốn nếu Việt Nam được nâng cấp thành thị trường mới nổi - ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp về khu vực tài chính của WB, nói - Đồng thời cần từng bước đa dạng hóa kênh đầu tư quỹ của Bảo hiểm xã hội để cải thiện lợi nhuận dài hạn, tăng nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư vào khu vực doanh nghiệp".

WB nâng dự báo tăng trưởng, khuyến nghị Việt Nam tăng đầu tư công - Ảnh 5.Đầu tư công ở TP.HCM: Chia rõ việc để 'chạy' nhanh hơn

Những năm gần đây, tỉ lệ giải ngân đầu tư công luôn là "nỗi lo" của TP.HCM và năm nay cũng vậy. Chính vì thế, trong nhiều biện pháp để thay đổi tình hình, TP.HCM đã thực hiện việc tập trung phân cấp, ủy quyền đầu tư công để việc "chạy" nhanh hơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp