Sông Sài Gòn, TP.HCM - Ảnh: AFP
Trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết kinh tế khu vực trong năm nay dự báo giảm tốc so với mức tăng trưởng 7,2% năm 2021, trước khi tăng tốc lên mức 4,6% vào năm tới.
Nhìn chung, tăng trưởng ở hầu kết các quốc gia trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đã phục hồi trong nửa đầu năm 2022. Hầu hết các quốc gia trong khu vực được dự báo đạt tăng trưởng cao hơn và lạm phát thấp hơn so với các khu vực khác trong năm 2022.
Việt Nam được dự báo dẫn đầu khu vực với mức tăng trưởng 7,2%, tăng từ mức 5,3% trong dự báo hồi tháng 4.
Bị lỡ đà tăng trưởng do những biện pháp phòng dịch COVID-19 nghiêm ngặt đang làm cản trở tiêu dùng, trong dự báo mới nhất, WB hạ mạnh dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ mức 5% hồi tháng 4 xuống còn 2,8%.
Hầu hết các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương đạt tốc độ tăng trưởng tương đối cao trong hầu hết năm 2022 nhờ ba nguyên nhân: tiêu dùng tư nhân phục hồi mạnh hơn dự kiến trong nửa đầu năm, nhu cầu trên toàn cầu về hàng hóa và sản phẩm chế tạo xuất khẩu vẫn bền vững và chính sách tiền tệ và tài khóa đến nay mới thắt chặt ở mức hạn chế.
Sau khi kết thúc năm 2022, có ba yếu tố dự kiến ảnh hưởng đến tăng trưởng: suy giảm tăng trưởng toàn cầu, nợ gia tăng và méo mó chính sách.
Các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát và nợ hiện nay càng làm gia tăng méo mó trên thị trường lương thực thực phẩm, nhiên liệu và tài chính theo hướng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Ông Aaditya Mattoo, chuyên gia kinh tế trưởng của WB khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, cho rằng phản ứng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhằm đối phó lạm phát leo thang trong điều kiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhanh hơn dự kiến chắc chắn gây áp lực lên tất cả các nước đang phát triển, bao gồm cả các nước ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận