Người dân đeo khẩu trang đi mua sắm ở siêu thị tại Hong Kong - nơi đã có 1 trường hợp tử vong do virus corona gây ra - Ảnh: AFP
WB khẳng định có thể điều động nguồn lực của mình hỗ trợ quá trình này. Cụ thể, WB sẽ xem lại các nguồn lực tài chính và kỹ thuật có thể huy động nhanh chóng để hỗ trợ cho các nước bị ảnh hưởng và phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế để tăng cường các phản ứng quốc tế.
Ngoài ra, tổ chức tài chính này khẳng định vẫn giám sát "các tác động kinh tế xã hội rộng lớn của cuộc khủng hoảng này" và sẽ hỗ trợ "các nỗ lực của Trung Quốc".
Tính tới trưa 2-2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đã nhận được sự hỗ trợ dưới dạng các hàng hóa để phòng và kiểm soát dịch bệnh từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Kazakhstan, Hungary, Iran, Belarus, Indonesia và từ UNICEF và cho phép nhóm chuyên gia của Mỹ đến Trung Quốc phối hợp phòng chống dịch.
Nhiều nước khác cũng công bố gửi nhiều thiết bị y tế cho Trung Quốc hoặc tài trợ tiền mặt. Đức đã chuyển 10.000 bộ trang phục bảo hộ y tế tới thành phố Vũ Hán. Ai Cập cho biết sẽ cung cấp cho Trung Quốc 10 tấn thiết bị, vật tư và dụng cụ y tế dự phòng. Việt Nam gửi nửa triệu USD dưới dạng hàng hóa cho Trung Quốc.
Hãng Toyota hỗ trợ 10 triệu nhân dân tệ (hơn 1,4 triệu USD) thông qua Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc để mua các vật dụng y tế. Hãng dược phẩm Sumimoto toàn Nhật Bản hỗ trợ 1 triệu nhân dân tệ (hơn 142.000 USD) để mua thuốc điều trị cho những bệnh nhân nhiễm nCoV.
Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) đã gửi 6 tấn hàng gồm khẩu trang, quần áo bảo hộ nhân viên y tế đến Thượng Hải, Trung Quốc. UNICEF cho biết sẽ tiếp tục chuyển thêm hàng hỗ trợ Trung Quốc trong thời gian tới và phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác để điều phối hoạt động ứng phó liên ngành ở Trung Quốc và các quốc gia bị ảnh hưởng.
Quỹ Bill và Melinda Gates tặng 10 triệu USD để giúp đỡ hoạt động phòng chống dịch bệnh do virus corona gây ra ở Trung Quốc và chuẩn bị sẵn sàng cho châu Phi trong tình huống có dịch bệnh.
Sau khi Bắc Kinh đề nghị hỗ trợ, Trung tâm Điều phối trong tình huống khẩn cấp thuộc Ủy ban châu Âu đã thông báo tới các nước thành viên EU, sau đó tiếp nhận tổng cộng 12 tấn đồ bảo hộ y tế. Số hàng này đã được vận chuyển tới Trung Quốc.
Ở khía cạnh nghiên cứu khoa học, theo báo Nature, từ khi xuất hiện dịch, đặc biệt là sau khi công bố chuỗi gen đầu tiên của virus vào đầu tháng 1-2020, các nhà khoa học trên thế giới đã bắt tay ngay vào nghiên cứu nhiều khía cạnh liên quan và căn bệnh do loại virus này gây ra như nguồn gốc, cơ chế lan truyền, đặc điểm sinh học của virus, phương pháp xét nghiệm, thuốc điều trị, chế tạo văcxin…
Cộng đồng khoa học chia sẻ dữ liệu miễn phí, công khai cho nhau vì mục đích chung là khống chế dịch bệnh.
Kết quả về khoa học là rõ ràng trong bối cảnh diễn biến của dịch còn phức tạp: So với dịch SARS xảy ra vào cuối năm 2002, các nhà khoa học chỉ cần 1 tháng để giải mã chuỗi gen của nCoV trong khi 18 năm trước đây, mất vài tháng (đến tháng 4-2013) họ mới làm được điều này.
Để đối phó với vấn đề tin giả liên quan đến dịch bệnh gieo rắc hoang mang và sự hoảng loạn cho nhiều người, ngày 3-2 WHO cho biết đang làm việc với Google để đảm bảo người dùng Internet đọc được những thông tin chính xác từ WHO trước khi họ đọc về nCoV tại Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận