Mua thơ bằng một cú click
Bà Đoàn Thị Lam Luyến (Phó Giám đốc Trung tâm) cho biết: "Việc xây dựng Ngân hàng dữ liệu đặc biệt cần thiết trong điều kiện trao đổi, hợp tác với các tổ chức tác quyền trên thế giới, vì chỉ cần một cú click chuột... rất dễ dàng. Ngân hàng sẽ cung cấp cho người sử dụng những thông tin cần thiết về tác giả, tác phẩm và... bán sách luôn trên mạng. Tất cả các khâu thương lượng, ký kết hợp đồng, trả tiền bản quyền cũng đều thực hiện trên môi trường ảo.
"Mặt khác, khi post tác phẩm lên mạng, vì Trung tâm không tốn... giấy, không tốn công in, nên giá bán sẽ "rẻ như bèo". Độc giả chỉ cần trả 2.000 đồng là có thể mua được một bài thơ hoặc truyện ngắn của các tác giả nổi tiếng! Đấy là chưa kể nếu tác giả hào phóng thì người sử dụng có thể xài miễn phí!
Hơn nữa "với việc quản lý quyền tác giả thông qua Ngân hàng tác phẩm, Trung tâm sẽ giúp các nhà văn - người sáng tác, nắm được thị hiếu độc giả" - bà Luyến nói.
Tuy nhiên, đấy mới chỉ là ý tưởng, còn hiệu quả đến đâu có lẽ phải đợi thực tế trả lời. Bởi lẽ, giám sát quyền tác giả trong lĩnh vực in ấn đã khó (vẫn còn đầy rẫy vụ việc vi phạm tác quyền mà Trung tâm không biết), huống hồ lại là môi trường kỹ thuật số! Vả lại, trong khi Trung tâm còn đang rục rịch với ý tưởng Ngân hàng tác phẩm văn học thì trên mạng bây giờ đã nhan nhản các website văn chương do các cá nhân tự động post lên mà không cần xin phép tác giả, còn độc giả thì vẫn vô tư sử dụng.
Ông Vũ Mạnh Chu (Cục trưởng Cục Bản quyền, Bộ VH-TT) cũng than phiền: "Tôi thường xuyên lên mạng, thấy website đăng truyện, đăng thơ nhiều lắm, nhưng hình như tác giả lại không biết".
Không bồi thường sẽ bị... đi
Tất nhiên trong điều kiện Trung tâm chỉ có... ba nhân viên thì cũng không thể có "ba đầu sáu tay" để giám sát thực thi bản quyền. Lực lượng đã mỏng, năng lực làm việc giới hạn, kinh nghiệm hoạt động lại hạn chế.
"Biết vậy, nhưng chúng tôi không có khả năng tuyển dụng người thực sự có năng lực, bởi kinh phí hoạt động còn quá èo uột, không thể chi trả xứng đáng với năng lực làm việc của các chuyên gia giỏi... Nhưng như thế không có nghĩa là không làm gì cả" - bà Luyến nói.
Trung tâm cũng đã tính đến giải pháp bất đắc dĩ - ra tòa, để "đánh động". Cụ thể, ra Tết Bính Tuất, Trung tâm sẽ hợp tác với Cục Quản lý thị trường, Cục Điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ đưa ra tòa ba vụ vi phạm bản quyền tiêu biểu.
Đó là các trường hợp: cuốn "Chân dung và đối thoại" (của nhà thơ Trần Đăng Khoa) bị NXB Thanh Niên tái bản mà không xin phép; NXB Văn Học lập lờ đánh lận khi in cuốn "Xuân Quỳnh - thơ và đời" (Vân Long tuyển chọn) khi bìa một đằng còn ruột thì y chang cuốn "Xuân Quỳnh - thơ và đời" đã in trước đó mà "quên" xin phép và nhà văn Võ Thị Hảo bị "chôm" truyện ngắn "Máu của lá".
Bà Trương Bích (Văn phòng Luật sư Tân Hà), cố vấn pháp lý của Trung tâm, cho biết: "Về vụ "Máu của lá" và "Xuân Quỳnh - thơ và đời", chúng tôi đã tiến hành đàm phán với phía bị đơn, yêu cầu NXB Văn học và anh Phạm Minh Phong (người bị coi là "đạo chích" "Máu của lá") phải công khai xin lỗi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, bồi thường cho nguyên đơn là nhà văn Võ Thị Hảo và nhà thơ Vân Long với mức từ 200.000 đồng - 200 triệu đồng. Nếu tính chất nghiêm trọng, có thể thủ phạm phải ngồi tù với mức án 3-4 năm!".
Không "dọa" chơi, nhưng kỳ thực cả tác giả lẫn Trung tâm đều muốn "dĩ hòa vi quý" chứ ầm ĩ lên có khi... tiền mất, tật mang!
"Rồi cũng đến lúc tôi... phải xin từ chức Phó Giám đốc Trung tâm thôi" - bà Luyến than phiền - "Bởi lẽ, ngồi ở cái ghế này, muốn làm Bao Công rất khó, vì... toàn chỗ anh em bạn bè - cả phía vi phạm lẫn bị vi phạm! Mà ném chuột lại sợ vỡ bình quý. Chứ đã ra tòa thì rất khó nhìn mặt nhau. Vả lại, khó khăn lớn nhất vẫn là nhận thức chung của xã hội về sở hữu trí tuệ còn hạn chế, thói quen sống và làm việc theo pháp luật chưa định hình. Hệ thống giám sát quyền tinh thần của các tác giả văn học cũng chưa được coi trọng đúng mức".
Thu phí bao nhiêu là hợp lý?
Theo quyết định thành lập, Trung tâm có nhiệm vụ đại diện cho tác giả ký hợp đồng với bên sử dụng bản quyền, thực hiện vai trò là đầu mối tập trung thu các khoản nhuận bút, thù lao hoặc lợi ích vật chất khác cho các tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hoặc của các tác giả khác thông qua hợp đồng chuyên giao bản quyền.
Điều này có nghĩa là nếu nhà văn tự làm lấy việc chuyển giao tác quyền thì đương nhiên họ được hưởng cả 100%, còn qua Trung tâm sẽ phải trả một khoản "hoa hồng" từ 10-20% giá bìa nhân với số bản in. Mà sách xuất bản càng nhiều thì khoản "hoa hồng" lại càng cao.
Trong khi phía Trung tâm khẳng định đây là mức phí hợp lý, kêu gọi các tác giả "không nên tham bát, bỏ mâm", vẫn có rất nhiều tác giả... ngần ngại vì sợ bị "đội giá". Cục Bản quyền (Bộ VH-TT) thì cho rằng mức thu bao nhiêu phải chờ quy định của Chính phủ và Trung tâm phải có đề án rõ ràng, minh bạch để tạo lòng tin với các tác giả đã gửi gắm tác phẩm.
Theo kế hoạch năm 2006, Trung tâm sẽ tiến hành thu tiền tác quyền trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình; xúc tiến hợp tác với các tổ chức tập thể quyền tác giả văn học của thế giới để bảo vệ quyền lợi của các tác phẩm văn học Việt Nam khi ra thế giới và các tác phẩm văn học thế giới vào Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận