13/03/2023 13:52 GMT+7

Ngân hàng Silicon Valley và vụ sụp đổ rúng động nước Mỹ

Được thành lập vào năm 1983 sau một ván bài poker, Ngân hàng Silicon Valley (SVB) là nơi những công ty khởi nghiệp (start-up) “đặt cược” vào cuộc chơi trên thương trường. Nhưng mọi thứ sụp đổ chỉ trong 48 tiếng.

Ngân hàng Silicon Valley và vụ sụp đổ rúng động nước Mỹ - Ảnh 1.

Phía trước Ngân hàng Silicon Valley ở Santa Clara, California (Mỹ) ngày 10-3 - Ảnh: REUTERS

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có phát biểu về Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và hệ thống tài chính Mỹ ngày 13-3. Trước đó, ông tuyên bố sẽ bắt những người liên quan tới vụ sụp đổ ngân hàng này chịu trách nhiệm "đầy đủ".

Chính phủ Mỹ đang tìm cách giải quyết vấn đề trong hệ thống ngân hàng, ngăn cuộc khủng hoảng lan rộng trong thị trường tài chính, và đảm bảo quyền lợi của người dân, cả người gửi lẫn người nộp thuế.

Tuổi Trẻ Online điểm lại những câu hỏi cơ bản về SVB và vụ sụp đổ này.

Ngân hàng Silicon Valley là gì, do ai sáng lập?

SVB được thành lập năm 1983 tại Santa Clara (bang California, Mỹ). Trên website, SVB kể rằng ngân hàng này được thành lập sau một ván bài poker giữa hai nhà sáng lập Bill Biggerstaff và Robert Medearis.

Biggerstaff và Medearis thực chất đã hội ý và quyết định nắm bắt thời cơ ở Thung lũng Silicon. Họ muốn ra đời một tổ chức tài chính chuyên cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các start-up công nghệ, vốn đã xuất hiện ngày càng nhiều tại khu vực này.

Theo CNN, dù ít được biết tới bên ngoài Thung lũng Silicon nhưng SVB nằm trong top 20 ngân hàng thương mại ở Mỹ. Tính tới hết năm 2022, tổng tài sản của SVB là trên 200 tỉ USD.

Ngân hàng Silicon Valley: "vựa tiền" cho những giấc mơ điên rồ

Biggerstaff và Medearis muốn khỏa lấp khoảng trống trong hệ thống ngân hàng Mỹ. Thường các công ty non trẻ sẽ khó tiếp cận nguồn vốn. Họ phải chứng minh tài sản và lợi nhuận nhằm đạt tiêu chuẩn tín dụng.

Do đó SVB hỗ trợ các start-up bằng cách đặt cược vào thành công của họ, giúp những doanh nghiệp non trẻ này vay vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Bản thân SVB từng tuyên bố đã cho vay gần một nửa trên tổng số các công ty dùng vốn đầu tư mạo hiểm tính tới năm 2021. Đây cũng là đối tác ngân hàng của nhiều công ty vốn đầu tư mạo hiểm tài trợ cho các dự án start-up.

Thực tế, SVB không chỉ cho start-up vay tiền. Tổ chức tài chính này còn có các dịch vụ khác liên quan tới start-up. SVB không chỉ lấy tiền mặt từ các start-up, mà còn cấp vốn cho start-up bằng các khoản vay và nợ từ quỹ đầu tư mạo hiểm, đồng thời cung cấp dịch vụ tài chính và khoản vay cho công ty đầu tư mạo hiểm.

Theo Axios, dù được đánh giá là "ngân hàng cho start-up", có 56% các khoản vay của SVB thực chất dành cho công ty đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân.

Vì sao Ngân hàng Silicon Valley sụp đổ?

Tổng thống Biden nói sẽ truy cứu những người chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của ngân hàng. Nhưng câu chuyện của SVB thực sự là trường hợp điển hình, đặt dấu hỏi về cách nền tài chính Mỹ hoạt động hiện nay.

Về cơ bản, SVB hoạt động bằng cách nhận tiền gửi từ khách hàng, sau đó đầu tư vào các cổ phiếu an toàn, bao gồm trái phiếu.

Khi Cục Dự trữ liên bang (Fed) tăng lãi suất, các trái phiếu này sụt giảm giá trị. Thông thường việc này không quá ảnh hưởng vì SVB có thể đợi số trái phiếu này đáo hạn sau đó.

Tuy nhiên, theo tạp chí Vox, tình hình hiện nay lại khá đặc biệt. Vốn đầu tư mạo hiểm và công nghệ nhìn chung đều chững lại hoặc giảm sút khiến dòng tiền gửi chậm lại, và khách hàng bắt đầu rút tiền.

Công ty mẹ của SVB là SVB Financial Group buộc phải bán lỗ cổ phiếu để cân đối sổ sách. Việc này dẫn tới hiệu ứng xấu khi thị trường hoảng sợ và lại rút tiền.

Điều gì xảy ra tiếp theo sau khi Ngân hàng Silicon Valley đóng cửa?

Trước mắt, người gửi tiền vào SVB đang lo mất quyền lợi. Chính phủ Mỹ đang có chương trình hỗ trợ nhằm đảm bảo lợi ích của người gửi, trong khi không sử dụng ngân sách để "cứu" SVB.

Theo đó, Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) sẽ chịu trách nhiệm chi trả cho người gửi.

Tuy vậy giới hạn bảo hiểm chỉ là 250.000 USD, đồng nghĩa những người gửi nhiều tiền hơn sẽ gặp thiệt hại. Có thể 250.000 USD là khoản tiền lớn với các cá nhân, nhưng gần như chắc chắn các công ty gửi vào SVB sẽ khó tránh hậu quả.

Theo giới chuyên gia, hiện nay vụ sụp đổ của SVB ít khả năng tạo hiệu ứng domino để biến thành "đại khủng hoảng" như trước. Dù vậy chuyện SVB đang như hồi chuông cảnh báo các ngành thường xuyên thiếu tiền mặt như công nghệ hay tiền mã hóa.

CNN dẫn lời ông Ed Moya, chuyên viên phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận xét: "Ai ở Phố Wall cũng hiểu chiến dịch tăng lãi suất của Fed sau cùng sẽ phá vỡ một thứ gì đó, và ngay lúc này là việc hạ gục các ngân hàng nhỏ".

Ông Biden tuyên bố truy cứu người chịu trách nhiệm vụ sụp đổ ngân hàngÔng Biden tuyên bố truy cứu người chịu trách nhiệm vụ sụp đổ ngân hàng

Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp có tuyên bố liên quan tới việc đảm bảo lợi ích của người dân sau vụ sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB), khẳng định những ai chịu trách nhiệm liên quan sẽ bị truy cứu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp