Bất động sản là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất khi Ngân hàng Nhà nước siết tỉ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Ảnh: T.L
Ngày làm việc cuối cùng của năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ban hành Thông tư 19 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36.
So với trước, lộ trình siết việc dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã được Ngân hàng Nhà nước giãn ra.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh dựa trên đánh giá tác động số liệu giám sát của ngân hàng nhà nước và kinh tế vĩ mô, tình hình kinh tế các tháng đầu năm 2017, cũng như định hướng điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong những tháng cuối năm.
Trên thực tế việc này cũng giảm bớt áp lực với các đối tượng đặc thù vay tập trung vốn trung dài hạn, đặc biệt với lĩnh vực bất động sản.
Trước đó, ngày 22-12, khi Ngân hàng Nhà nước chưa quyết tỉ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 1-1-2018, Hiệp hội bất động sản TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc kiến nghị giữ nguyên quy định về tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn với mức tối đa 50% trong năm 2018 hoặc chỉ giảm xuống mức 45% thay vì 40%.
Về phía các ngân hàng cũng liên tục tăng lãi suất huy động cũng như phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao nhằm thu hút nguồn vốn dài hạn để đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài nội dung trên, tại Thông tư 19 sửa đổi Thông tư 36 vừa ban hành, Ngân hàng Nhà nước cũng bổ sung một số quy định siết hơn so với trước.
Cụ thể, liên quan đến việc xét duyệt cấp tín dụng và xét duyệt cơ cấu lại thời hạn trả nợ, Ngân hàng Nhà nước quy định phải được thực hiện theo nguyên tắc minh bạch, không xung đột lợi ích và không che giấu chất lượng tín dụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận