Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định vẫn giữ mức điều chỉnh tỉ giá như cam kết - Ảnh: T.T.D. |
Chiều 25-3, giải thích về lý do thị trường ngoại hối, tỉ giá có diễn biến tăng trở lại kể từ ngày 9-3, bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng có nguyên nhân chủ yếu từ yếu tố tâm lý trước xu hướng tăng giá mạnh của đồng USD trên thế giới.
“Các yếu tố cung cầu ngoại tệ về cơ bản không có biến động lớn và đáng quan ngại. Quan sát trên thị trường, nhìn chung mặt bằng tỉ giá còn thấp xa so với trần quy định là 21.673 đồng. Hiện tỉ giá về dưới mức 21.500 đồng/USD. NH Nhà nước đã mua vào lượng ngoại tệ lớn, nhưng từ sau Tết Nguyên đán và vừa qua khi tỉ giá tăng trở lại, NH Nhà nước vẫn chưa phải bán ngoại tệ” - bà Hồng khẳng định.
Giá USD hạ nhiệt Chiều 25-3, nhiều NH đồng loạt hạ giá bán USD. Tại Vietcombank, giá bán USD còn 21.525 đồng/USD, giảm 40 đồng/USD so với chiều 24-3. Giá mua USD cũng giảm ở mức tương ứng. Eximbank và ACB cũng giảm giá bán USD từ 21.570 đồng/USD xuống 21.530 đồng/USD. Giá bán USD tại các NH từng tăng đến mức 21.590 đồng/USD vào sáng 24-3 nhưng từ chiều 24-3 bắt đầu hạ nhiệt. So với mức đỉnh, hiện giá USD đã giảm khoảng 60 đồng/USD. Trong khi đó tại thị trường tự do, giá mua bán USD đứng ở mức 21.610-21.670 đồng/USD.A.H. |
Bà Hồng cho biết đồng USD chỉ tăng mạnh so với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới như: euro, bảng Anh, đôla Canada... nhưng tăng giá không nhiều so với các đồng tiền khác, đặc biệt là các đồng tiền ở châu Á. Chẳng hạn đồng nhân dân tệ hầu như không đổi so với USD, đôla Hong Kong giảm 0,03% so với USD...
Trước câu hỏi liệu có nên tăng tỉ giá lúc này để hỗ trợ xuất khẩu?
Bà Hồng cho rằng kiến nghị này cần phải được xem xét kỹ lưỡng nhiều góc độ của kinh tế vĩ mô, tiền tệ. Thực tế, hàng hóa xuất khẩu của VN có giá cạnh tranh so với hàng hóa của nhiều nước khác nhưng chất lượng, mẫu mã, giá trị sử dụng, độ thỏa mãn của người tiêu dùng... của hàng hóa VN còn hạn chế.
Bên cạnh đó, sản xuất trong nước phụ thuộc rất lớn vào nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu, đặc biệt là các ngành dệt may, da giày... Chính vì vậy, nếu điều chỉnh tỉ giá, chi phí sản xuất của doanh nghiệp sẽ tăng, nhất là trong bối cảnh nhập khẩu đang có xu hướng tăng trở lại.
“NH Nhà nước cho rằng không phải đồng USD tăng mạnh thì chúng ta phải điều chỉnh theo mức độ tăng của USD mà cần phải nhìn hài hòa dưới nhiều góc độ, đảm bảo đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Việc tiếp tục duy trì ổn định tỉ giá sẽ có lợi nhiều hơn việc điều chỉnh tỉ giá trong giai đoạn này” - bà Hồng nhấn mạnh.
Vẫn theo bà Hồng, NH Nhà nước vẫn đang theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, chủ động điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ cũng như thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định tỉ giá và thị trường ngoại hối.
Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia vừa họp cách đây một ngày và có đưa ra đánh giá rằng tất cả các yếu tố vừa qua tăng tỉ giá chủ yếu do tâm lý. Nhiều thành viên của hội đồng cho rằng NH Nhà nước cần kiên định thực hiện chính sách theo đúng mục tiêu đề ra.
Nợ công tăng 10.000 tỉ đồng nếu tỉ giá tăng 1% Theo ông Nguyễn Quốc Anh - vụ phó Vụ Kinh tế dịch vụ, Bộ Kế hoạch và đầu tư, vừa qua đồng USD tăng giá mạnh, một số quốc gia đã chủ động giảm giá đồng tiền. Hiện đồng VN (VND), theo ông Quốc Anh, vẫn đang được giữ giá với biên độ 1-2%, vì vậy so với một số đồng ngoại tệ khác, VND đã tăng giá. Cụ thể, VND so với đồng euro đã tăng hơn 20%... Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, ông Quốc Anh cho rằng chi tiêu trở nên đắt đỏ hơn nên người dân các nước có xu hướng giảm chi. Đặc biệt sẽ tác động trực tiếp đến ngành du lịch, du khách sẽ hạn chế đi du lịch. Ông Quốc Anh nêu thực tế nhiều người đặt vấn đề đã đến lúc tiếp tục phá giá VND chưa? Nếu phá giá theo lý thuyết có thể giúp tăng xuất khẩu, nhưng thực tế VN lại không giúp tăng xuất khẩu nhiều. “Phá giá 1% chỉ giúp tăng xuất khẩu 0,2%. Trong khi hàng nhập khẩu sẽ tăng giá, ảnh hưởng đến hiệu quả xuất khẩu (VN phải nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu để sản xuất hàng xuất khẩu - PV)” - ông Quốc Anh phân tích. Ngoài ra, ông Quốc Anh cũng cho rằng hiện các khoản vay nước ngoài của VN 80% vay bằng USD. “Nên nếu tăng 1% tỉ giá, nợ công VN tăng trên 10.000 tỉ đồng” - ông Quốc Anh nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận