Tháng 10-2019, các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh và triển khai ưu đãi lãi suất huy động - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tại Ngân hàng Bản Việt, mức lãi suất tối đa lên đến 8,9%/năm, tăng 0,2% so với thời điểm cuối tháng 8-2019, áp dụng cho các khoản tiền gửi tái tục từ 100 triệu đồng kỳ hạn 15 tháng. Cùng mức tiền gửi tối thiểu này, lãi suất lần lượt là 8,5%/năm và 8,7%/năm đối với kỳ hạn 6 và 12 tháng.
Tuy nhiên, các mức lãi suất này nằm trong chương trình ưu đãi mừng Ngày phụ nữ VN (20-10) và chỉ kéo dài từ ngày 14 đến 18-10.
Tương tự, trong khuôn khổ chương trình ưu đãi chào thu, Ngân hàng SHB áp dụng lãi suất lần lượt 8,1%/năm, 8,2%/năm và 8,3%/năm cho khách hàng cá nhân tham gia sản phẩm tiết kiệm bậc thang theo số tiền, kỳ hạn 6, 9 và 13 tháng.
Thời điểm này, một số ngân hàng tiếp tục có động thái điều chỉnh lãi suất huy động nhiều kỳ hạn.
Chẳng hạn, Ngân hàng Bắc Á đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi đến 0,2%, trong đó kỳ hạn 6 tháng tăng từ 7,3%/năm lên 7,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng từ 7,9%/năm lên 8%/năm; kỳ hạn từ 15 tháng trở lên tăng từ 7,9%/năm lên 8,1%/năm. Lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này là 8,3%/năm đối với các khoản tiền gửi kỳ hạn trên 13 tháng.
Ngân hàng Techcombank ghi nhận mức tăng lãi suất cao nhất trong đợt điều chỉnh lãi suất huy động mới nhất của các ngân hàng. Theo đó, với sản phẩm tiết kiệm phổ biến là tiết kiệm Phát Lộc, khách hàng gửi tiền trực tuyến qua ATM kỳ hạn 12 tháng hoặc khách hàng trên 50 tuổi gửi tối thiểu 3 tỷ đồng kỳ hạn 15 tháng tại quầy được hưởng mức tăng lãi suất lên đến 0,4% đạt mức 7,1%/năm.
Hiện mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này là 7,4%/năm, áp dụng cho khách hàng ưu tiên gửi tiết kiệm online qua FMB/FIB (dịch vụ ngân hàng số) kỳ hạn 18 tháng.
Trong khi đó, cùng hình thức tiết kiệm này, lãi suất các kỳ hạn 19, 20 và 24 tháng giảm 0,3% còn 6,9%/năm.
Lãi suất huy động kỳ hạn 1 và 2 tháng của Ngân hàng BIDV cũng được điều chỉnh giảm 0,2% còn 4,3%/năm.
Các ông lớn "Big4" còn lại vẫn chưa có động thái điều chỉnh lãi suất huy động. Hiện mức lãi suất cao nhất trong nhóm là 7%/năm, niêm yết bởi ngân hàng BIDV và VietinBank đối với các khoản tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng.
Tương tự, ngân hàng SCB và Nam Á tiếp tục duy trì mức lãi suất tối đa lần lượt 8,76%/năm cho sản phẩm tiền gửi trực tuyến từ 10 tỉ đồng, kỳ hạn trên 13 tháng và 8,7%/năm cho khoản tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 36 tháng, không ràng buộc hạn mức tiền gửi.
Như vậy, tính đến thời điểm này, mức lãi suất tiền gửi cao nhất ghi nhận được vẫn là 9%/năm tại ngân hàng SHB, áp dụng cho khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng theo hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, kỳ hạn 13 tháng. Mức lãi suất này đã được SHB công bố từ hồi tháng 9/2019.
Trong khi đó, từ cuối quý 3/2019 đã có ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, tại ngân hàng ACB, lãi suất cho vay giảm từ 0,5-1% về mức 8,5-9,5%/năm đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp, 9,5-10,5%/năm đối với khách hàng cá nhân. Các ngân hàng khối ngoại cũng áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi như ngân hàng Hong Leong (7,75%/năm), ShinhanBank (8%/năm), UOB (8,49%/năm)... Một số ngân hàng lãi suất cho vay hiện ở mức hai con số như HDBank (12%/năm), SCB (12,5%/năm)...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận