Các doanh nghiệp sản xuất tại TP.HCM mong muốn cần có các chính sách để giảm lãi suất, khơi thông dòng tiền để doanh nghiệp mạnh dạn đi vay.
Gỡ rào cản lãi suất
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Lý Kim Chi - chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM - cho biết tình hình chung là hiện lãi suất các ngân hàng vẫn cao, ngân hàng giảm tối đa chỉ 0,5% đến 1%.
Theo bà Chi, lãi suất trước đây 9%, hiện còn khoảng 8%/năm.
"Lãi suất đi vay 8% thì doanh nghiệp đâu có sản xuất, kinh doanh gì được, nhất là đối với ngành lương thực, thực phẩm như chúng tôi", bà Chi nói.
Do đó, bà Chi lý giải doanh nghiệp hiện chia thành hai nhóm, một nhóm là thị trường đang chững lại, sức mua yếu, đơn hàng toàn cầu cũng hụt nhiều nên doanh nghiệp cũng chẳng muốn vay, trong khi nhóm còn lại bị vướng vào lãi suất cao nên cũng chẳng muốn kích cầu, sản xuất trong thời điểm này.
"Thậm chí, nếu vay với lãi suất trên, đâu có lãi đủ để tái đầu tư được. Vì vậy, doanh nghiệp rất ngại đi vay. Giải pháp bây giờ là cần tiếp tục hạ lãi suất cho mềm hơn để doanh nghiệp tiếp cận được vốn, ít nhất phải 7%, cho doanh nghiệp dễ thở", bà Chi đặt vấn đề.
Bà cho rằng Nhà nước đã đưa ra các chính sách giảm VAT, giãn, hoãn nợ… cũng đã là các chính sách hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp, vấn đề còn lại là làm sao để doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay.
Khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp
Theo bà Chi, hiện các ngân hàng đều lãi lớn, hàng ngàn đến chục ngàn tỉ đồng, không ai báo lỗ, trong khi doanh nghiệp sản xuất lại đang gặp khó, ngại đi vay.
Do đó, bà Chi đề xuất thay vì để ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro, cần đẩy mạnh giảm lợi nhuận, chia sẻ với doanh nghiệp.
"Nếu tình hình này kéo dài, doanh nghiệp đang làm ăn được không muốn mở rộng sản xuất kinh doanh. Còn doanh nghiệp khó khăn khó tiếp cận vốn, bởi lãi suất chính là rào cản lớn nhất", bà Chi nhận định.
Trong khi đó, ông Đinh Hồng Kỳ - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Secoin, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM - cho rằng doanh nghiệp ở hầu hết ngành nghề đều có khó khăn.
Nhìn chung, các doanh nghiệp gặp khó bởi đơn hàng suy giảm, sức tiêu thụ giảm. Do đó, vấn đề mà doanh nghiệp cần hàng đầu hiện nay là các biện pháp tăng sức mua, kích cầu thị trường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp hiện gặp khó về dòng tiền. Còn dòng tiền bị "tắc", bởi các ngân hàng không giải ngân được, doanh nghiệp bất động sản không vay được, tiền rơi vào các dự án bất động sản không hiệu quả quá lớn.
Theo ông Kỳ, cần phải có biện pháp khơi thông dòng tiền trên thị trường để kích thích các ngành nghề cùng phát triển. Thực tế hiện nay người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, ảnh hưởng tiêu cực đến lưu thông dòng tiền đối với cả nền kinh tế.
Còn ông Trần Như Tùng - phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - đề xuất cần nghiên cứu đến gói hỗ trợ tương tự gói của Ngân hàng Chính sách xã hội thời COVID-19, tức là cho vay trong một khoảng thời gian nhất định với lãi suất 0% để trả lương.
Theo ông Tùng, đây là chính sách rất thiết thực. Ra được chính sách này sẽ giúp doanh nghiệp rất lớn. Doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí tài chính, duy trì lương cho lao động, giữ nhân công, giảm áp lực lên an sinh xã hội.
Cần tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế
Tại hội nghị Giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế do Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì vào ngày 19-6, phó thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Trong đó, cần tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành sản xuất chủ lực. Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Phó thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có giải pháp điều hành giảm lãi suất, các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đồng thời, nghiên cứu giải pháp có các chương trình tín dụng ưu đãi đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, sản xuất chủ lực trong nước và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận