Khu vực lồng bè nuôi hải sản trên biển tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã bị bão số 12 "xóa sổ" - Ảnh: THÁI THỊNH
Đây là một trong những nội dung tại buổi làm việc của đại diện Ngân hàng Nhà nước với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và các ngân hàng trên địa bàn về những giải pháp khắc phục hậu quả bão số 12 và mưa lũ tại địa phương này.
Tại buổi làm việc, ông Trần Sơn Hải - Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho rằng theo quy định, các đối tượng vay vốn theo "chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông thôn" (Nghị định 55) bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng sẽ được hỗ trợ cơ cấu lại nợ vay (miễn, giảm lãi vay, khoanh nợ, xóa nợ...) và cho vay tiếp để khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương phải xác nhận thiệt hại cũng như phương án sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Hải, chỉ cần 20% trong tổng số 10.000 doanh nghiệp và các tổ chức nộp thuế trên địa bàn bị thiệt hại và cần vay vốn, chính quyền địa phương không thể đủ nhân lực để thực hiện việc xác nhận này, chưa kể các tổ chức và các cá nhân khác cũng bị thiệt hại cần xác nhận.
Do đó, ông Hải đề nghị cần rút ngắn thủ tục để làm nhanh, sớm đưa vốn đến tay doanh nghiệp, người dân để khôi phục sản xuất kinh doanh, khắc phục thiệt hại sau bão.
Ông Lê Trực - Phó văn phòng đại diện Agribank miền Trung (tại Đà Nẵng) - cũng cho rằng để các ngân hàng sớm đưa vốn đến tay người dân và doanh nghiệp, cần sớm có chính sách cụ thể, rõ ràng, hạn chế rủi ro cho các ngân hàng.
Cũng tại buổi làm việc, ông Trần Văn Tần - Vụ phó Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước - đã yêu cầu các ngân hàng rà soát, thỏa thuận với khách hàng và phối hợp với địa phương xác nhận thiệt hại để người dân và doanh nghiệp sớm được vay vốn.
"Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và xem xét cho vay mới thuộc thẩm quyền của các ngân hàng và chi nhánh ngân hàng. Chỉ những trường hợp phải khoanh nợ, xóa nợ hay giải quyết các khoản nợ lớn vượt thẩm quyền, các ngân hàng cùng chính quyền cấp tỉnh cần hoàn thiện hồ sơ, tổng hợp báo cáo lên cấp trên để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét" - ông Tần nói.
"Việc sửa đổi, bổ sung các quy định còn phải chờ đợi lâu trong khi các NH không dám "vượt qua" các quy định hiện hành" - ông Nguyễn Hoài Chiểu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa, nói.
Thiệt hại hơn 13.500 tỉ đồng
Ngoài thiệt hại về người, tổng giá trị thiệt hại về tài sản, phương tiện và cơ sở sản xuất kinh doanh... trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa do bão vừa qua lên tới hơn 13.500 tỉ đồng. Trong đó, có hơn 133.000ha nuôi trồng thủy sản và 68.864 lồng bè thủy sản bị hư hại; 1.141 tàu thuyền bị vỡ, chìm cùng nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh của dân, doanh nghiệp bị hư hại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận