Phóng to |
Bà Tạ Thị Thu Thảo và di ảnh liệt sĩ Tạ Văn Tín - Ảnh: Nguyên Linh |
Đại tá Trần Minh Thanh, chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, là người chứng kiến toàn bộ cuộc khai quật tìm mộ liệt sĩ của Ngân hàng Chính sách xã hội VN (CSXH VN) tại thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai, huyện Gio Linh (Quảng Trị) chiều tối 25-7.
Ông Thanh rất bất bình khi vị đại diện Ngân hàng CSXH VN Nguyễn Hoàng Phương - phó chủ tịch ban chấp hành công đoàn của ngân hàng này - trả lời báo Tuổi Trẻ rằng cuộc khai quật tại Quảng Trị diễn ra bình thường và “sau này mới có những phát biểu, nhận định là hài cốt giả”.
Làm việc đầy mờ ám
Chiều 30-10, ông Thanh khẳng định vào thời điểm diễn ra cuộc khai quật, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị đã lập biên bản hiện trường và ghi rõ những điểm bất thường của cuộc khai quật, với sự chứng kiến của đoàn công tác Ngân hàng CSXH (có cả ông Nguyễn Hoàng Phương và ông Dương Quyết Thắng, tổng giám đốc Ngân hàng CSXH VN - PV), “cậu Thủy” cũng như đại diện Sở LĐ-TB&XH Quảng Trị. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị khẳng định ngay tại hiện trường bằng văn bản rằng hố chôn hài cốt này đã được dàn dựng từ trước. Vì vậy, ông Thanh cho biết Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị đã từ chối thẳng thừng việc Ngân hàng CSXH VN đề nghị công nhận đó là hài cốt liệt sĩ. “Chúng tôi thấy Ngân hàng CSXH VN tỏ ra “nhiệt tình quá mức” trong việc cố thuyết phục Bộ chỉ huy quân sự tỉnh công nhận chín hài cốt này là hài cốt liệt sĩ” - ông Thanh nói.
Phản ứng với việc Ngân hàng CSXH nói khi khai quật ở Bình Phước không ai có ý kiến, thượng tá Trương Văn Giá (phó chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy quân sự Bình Phước) nói: “Đấy là cách nói của họ và họ phải chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình. Ngoài ra, nếu nói các cơ quan chức năng mà cụ thể là Đội K72 đồng tình với việc làm của Ngân hàng CSXH VN thì làm gì có chuyện chúng tôi đề nghị khai quật hài cốt đã an táng để giám định”.
Khẳng định ngay khi thấy các cán bộ Ngân hàng CSXH VN cùng “cậu Thủy” làm công việc cực kỳ quan trọng nhưng đầy mờ ám, Đội K72 thuộc Bộ chỉ huy quân sự Bình Phước đã làm ngay báo cáo đề nghị các cơ quan chức năng cho khai quật lại toàn bộ số hài cốt vừa an táng đem đi giám định ADN và kết quả cho thấy sai sự thật. Đại tá Nguyễn Văn Bình, đội trưởng Đội K72, cho hay: “Ngay khi khai quật chúng tôi đã có nhiều nghi vấn về việc làm của Ngân hàng CSXH VN và “cậu Thủy” có gì đó không minh bạch và rất mờ ám. Sao không thực hiện khai quật vào ban ngày mà cứ phải tối đến mới làm? Khai quật xong thì phía Ngân hàng CSXH VN đề nghị an táng ngay trong nghĩa trang liệt sĩ bất chấp có chính xác hay không”.
Phóng to |
“Cậu Thủy” (đeo kính) cho một phụ nữ áp vong nhập hồn tìm mộ liệt sĩ tại huyện Ea H'Leo, Đắk Lắk tháng 3-2013 - Ảnh: N.Đ.Kiều |
Thân nhân liệt sĩ: vì tin vào cơ quan nhà nước
Qua báo chí, bà Tạ Thị Thu Thảo (76 tuổi, trú phường An Tây, TP Huế) bàng hoàng khi biết tin “cậu Thủy” đã bị bắt vì nghi vấn làm giả hài cốt liệt sĩ tại Quảng Trị, trong đó có em trai của bà là liệt sĩ Tạ Văn Tín. Bà Thảo cho biết đầu tháng 7-2013, bà nhận được thông tin từ Quảng Trị cho biết đoàn tìm mộ liệt sĩ của Ngân hàng CSXH VN đã tìm thấy phần mộ của em trai bà, chỉ còn chờ ngày cất bốc. Ngày 25-7, gia đình bà Thảo đã có mặt tại thôn Lâm Xuân, chứng kiến đoàn công tác trên cất bốc chín hài cốt liệt sĩ, trong đó có hài cốt họ khẳng định là của em trai bà. Bà Thảo nói: “Tôi chẳng biết “cậu Thủy” là ai, nhưng khi biết Ngân hàng CSXH VN đứng ra lo việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, là ngân hàng của Nhà nước, nên chúng tôi mới tin tưởng”.
Vào chiều tối 25-7-2013, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị đã đối chiếu với trích lục hồ sơ liệt sĩ do Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) cung cấp và thấy liệt sĩ Tạ Văn Tín hi sinh tại cao điểm 420 thuộc huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), chứ không phải là huyện Gio Linh. Thế nhưng đoàn tìm kiếm vẫn khẳng định đúng là liệt sĩ Tín vì dưới hố đào còn tìm thấy chiếc biđông khắc tên liệt sĩ này. Tuy nhiên, sau đó phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Trị đã xác định nét chữ khắc trên biđông còn mới.
Từ chối trả lời về giám định hài cốt liệt sĩ
Ngày 30-10, Tuổi Trẻ đã đưa ra một số câu hỏi như có bao nhiêu hài cốt trong số 97 hài cốt mà Ngân hàng CSXH đã thuê “cậu Thủy” tìm được đã giám định ADN, có phải Ngân hàng CSXH sốt sắng đề nghị công nhận là hài cốt liệt sĩ mà không giám định ADN...? Tuy nhiên, các thành viên trong ban chỉ đạo chương trình quy tập hài cốt liệt sĩ của Ngân hàng CSXH là ông Nguyễn Văn Lý, phó tổng giám đốc, và ông Nguyễn Hoàng Phương đều từ chối trả lời.
Riêng về nguồn hình thành quỹ an sinh xã hội (đã chi một phần cho bốn đợt thuê “cậu Thủy” đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ), ông Nguyễn Hoàng Phương giải thích là được cán bộ, nhân viên Ngân hàng CSXH đóng góp mỗi người bốn ngày lương/năm. Cụ thể: một ngày lương được để lại phòng giao dịch cấp huyện nhằm hỗ trợ các hoạt động từ thiện ở địa phương. Một ngày lương giao về phòng giao dịch cấp tỉnh để thực hiện các chương trình hỗ trợ an sinh xã hội của tỉnh và chương trình ở huyện nếu cấp huyện thiếu nguồn. Còn phần được đóng góp từ hai ngày lương chuyển về Ngân hàng CSXH trung ương quản lý. Sau 11 năm qua, quỹ có khoảng 70 tỉ đồng.
Đại tá Trần Minh Thanh đặt vấn đề ông không tin cách giải thích số tiền gần 8 tỉ đồng chi cho nhà ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ là từ đóng góp của nhân viên ngân hàng, bởi đó là một số tiền quá lớn. “Cần phải làm một cuộc tổng thanh tra toàn diện thu chi của Ngân hàng CSXH VN mới rõ được số tiền lớn nói trên từ đâu ra” - ông Thanh đề nghị.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Bắt “nhà ngoại cảm” nghi làm giả hài cốt liệt sĩBắt “nhà ngoại cảm” Nguyễn Thanh Thúy
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận