07/09/2017 15:23 GMT+7

Ngân hàng bắt tay bảo hiểm

Minh Thành
Minh Thành

TTO - Liên tục nhiều ngân hàng lớn bắt tay với công ty bảo hiểm để bán chéo sản phẩm. Mới nhất, sáng 6-9, Sacombank đã ký kết hợp đồng đại lý bảo hiểm độc quyền thời hạn 20 năm với Dai-ichi Life VN.

Ngân hàng bắt tay bảo hiểm - Ảnh 1.

Chuyên viên một ngân hàng (bìa phải) tư vấn bảo hiểm cho khách hàng (ảnh chụp chiều 6-9) - Ảnh: TỰ TRUNG

Bảo hiểm đang là nguồn thu mới nhiều hứa hẹn cho các ngân hàng, nhằm bù đắp cho hoạt động cho vay truyền thống vốn đang chịu áp lực do chênh lệch lãi suất ngày càng ít.

Nguồn thu ngàn tỉ

Theo hợp đồng ký kết giữa Sacombank và Dai-ichi Life VN, qua mạng lưới 552 điểm giao dịch trên toàn quốc cùng với các kênh tư vấn, bán hàng (tại quầy, giao dịch trực tuyến, ATM…) của Sacombank, khách hàng sẽ được giới thiệu về các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và các quyền lợi bổ trợ được Dai-ichi Life VN phân phối độc quyền cho Sacombank như bảo hiểm nhân thọ phổ thông, bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm tử kỳ cho khách hàng vay vốn/gửi tiết kiệm, bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe… 

Từ đó, khách hàng của Sacombank có thêm lựa chọn. Trước Sacombank, nhiều ngân hàng đã bắt tay với các công ty bảo hiểm ký kết các hợp đồng bán chéo sản phẩm, như bảo hiểm AIA VN ký với Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng An Bình ký hợp tác triển khai mô hình kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng thời hạn 15 năm với Công ty bảo hiểm nhân thọ FWD... 

Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào ký kết thời hạn dài, lên đến 20 năm như Sacombank - Dai-ichi Life VN.

Lý giải về việc này, ông Nguyễn Miên Tuấn, thành viên HĐQT Sacombank, cho biết ngoài việc tạo an tâm cho hai bên khi đầu tư vào mối quan hệ lâu dài, việc hợp tác này còn đem lại hiệu quả kinh doanh cho Sacombank, đặc biệt khi ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc sau sáp nhập. 

"Ước tính nguồn thu từ phí độc quyền và hoa hồng có thể đem lại cho Sacombank 3.000 tỉ đồng trong 5 năm đầu tiên, chiếm 15-20% nguồn thu phí dịch vụ của ngân hàng. Trong các năm tiếp theo, nguồn thu này sẽ chiếm 25-30% tổng nguồn thu từ dịch vụ" - ông Tuấn ước tính.

Cũng theo ông Tuấn, liên kết kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) tuy không phải là dịch vụ mới nhưng vẫn là dịch vụ được đánh giá sẽ có tăng trưởng cao trong thời gian tới, bởi thị phần chưa khai thác còn lớn. 

Hiện mới có 0,7% dân số VN sử dụng bảo hiểm nhân thọ và doanh thu của phí bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng mới chỉ chiếm khoảng 6% tổng doanh thu của phí bảo hiểm nhân thọ, trong khi trên thế giới tỉ lệ này lên tới gần 70%. 

Ngoài ra, mức sống, thu nhập, trình độ của người dân VN cũng gia tăng, nên nhu cầu đối với sản phẩm bảo hiểm cá nhân dự đoán sẽ gia tăng.

"Việc này cũng nằm trong chiến lược phát triển của ngân hàng. Hiện nay, thu nhập chính của ngân hàng đều từ dịch vụ tín dụng, trong khi xu hướng nguồn thu từ dịch vụ sẽ phải gia tăng. Trong đó việc bán chéo sản phẩm, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, sẽ góp phần tăng nguồn thu từ dịch vụ" - ông Tuấn nhấn mạnh.

Người vay có được lợi?

Vậy người vay hưởng lợi gì từ sự bắt tay này? Thực tế, một số ngân hàng thời gian qua đã đề nghị khách vay tiền của mình cần mua bảo hiểm, như vay mua ôtô phải mua bảo hiểm tai nạn, vay với thế chấp là tài sản hình thành trong tương lai như nhà chung cư phải mua bảo hiểm cháy nổ... Liệu có lo ngại về việc người dân sẽ phải mua bảo hiểm nhiều hơn?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Miên Tuấn cho rằng với khách hàng của Sacombank không bị bắt buộc mua bảo hiểm, mà nhân viên sẽ tư vấn để khách hàng tự quyết định theo nhu cầu của mình. 

"Bảo hiểm đối với khoản vay thực ra rất cần thiết vì không quá tốn chi phí, nhưng bảo đảm khi có sự cố xảy ra sẽ có công ty bảo hiểm thay khách hàng thực hiện nghĩa vụ trả nợ, giúp họ không trở thành gánh nặng của gia đình. Thực tế đã có nhiều trường hợp đang có khoản vay tại ngân hàng thì người vay gặp phải sự việc ngoài ý muốn, nhưng do có bảo hiểm trả thay nên họ đã thoát khỏi giai đoạn khó khăn" - ông Tuấn nói.

Tận dụng khách hàng của nhau

Việc bắt tay giữa ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Với ngân hàng có thể tìm kiếm thêm lợi nhuận từ việc triển khai bán chéo sản phẩm, khai thác thêm một mảng thị trường dịch vụ tiềm năng, đặc biệt là tận dụng những khách hàng tham gia bảo hiểm để khai thác các dịch vụ như gửi tiết kiệm, cho vay qua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ...

Các công ty bảo hiểm nhân thọ cũng sẽ tận dụng được hệ thống phân phối dày đặc của ngân hàng, giúp giảm thiểu chi phí để mở rộng và duy trì chi nhánh kinh doanh.

Đặc biệt, những khách hàng của kênh ngân hàng cũng là những đối tượng phù hợp để công ty bảo hiểm khai thác, vì đây thường là những khách hàng có thu nhập khá.

Minh Thành
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp