08/10/2014 06:23 GMT+7

Vụ kê toa thuốc “khủng”: Ngăn được, nếu bệnh viện quyết liệt

PGS.TS NGUYỄN HOÀI NAM
PGS.TS NGUYỄN HOÀI NAM

TT - Nhiều bạn đọc tiếp tục quan tâm việc “Bác sĩ kê toa thuốc “khủng”” (Tuổi Trẻ ngày 6-10) với câu hỏi làm gì để ngăn chặn kiểu kê toa thuốc “móc túi” người bệnh này.

Chúng tôi giới thiệu ý kiến của những người trong ngành y.

Nói thật lòng là hiện tượng kê đơn thuốc như báo chí phản ánh không chỉ xảy ra ở một bệnh viện (BV) mà ở nhiều BV, kể cả BV công lẫn BV tư. Nguyên nhân chính của hiện tượng này chính là tỉ lệ hoa hồng hấp dẫn khi kê toa thuốc mà các hãng dược đưa ra.

Các toa thuốc trong đó bác sĩ kê toa thực phẩm chức năng  tăng cường sinh lý cho bệnh nhân bị bệnh tiêu hóa - Ảnh: L.T.H.
Các toa thuốc trong đó bác sĩ kê toa thực phẩm chức năng tăng cường sinh lý cho bệnh nhân bị bệnh tiêu hóa - Ảnh: L.T.H.

Trước đây thuốc vào BV là của các hãng dược lớn có uy tín, họ không đưa ra tỉ lệ hoa hồng, ngược lại họ sẵn sàng tặng các chuyến du lịch với danh nghĩa hội thảo, hội nghị và đi nước ngoài... cho các bác sĩ.

Ðến nay, hình thức hoa hồng này bị hạn chế và các công ty dược lớn cũng không tham gia đưa thuốc trực tiếp nữa mà thông qua các công ty trách nhiệm hữu hạn nhỏ. Các công ty này thường không có đủ năng lực để tổ chức đưa bác sĩ đi hội thảo hay hội nghị... nên thường dùng hình thức chi hoa hồng trực tiếp.

Cũng đừng đổ lỗi hết cho bác sĩ khám bệnh, không phải bác sĩ nào cũng nhận hoa hồng đâu. Nói cho cùng bác sĩ khám bệnh cũng chỉ là công đoạn cuối cùng mà thôi.

Trước khi viên thuốc đến tay người bệnh thì vai trò của các nhà quản lý như giám đốc BV, trưởng khoa dược cũng rất quan trọng. Dột thường từ nóc dột xuống mà. Theo dư luận trong giới thầy thuốc thì cấp quản lý sẽ nhận phần hoa hồng nhiều hơn bác sĩ rất nhiều. Nhưng buồn thay từ trước đến giờ không thấy báo chí hay dư luận động chạm gì đến họ.

Như vậy để tránh hiện tượng lạm dụng cho toa thuốc với ý đồ xấu, việc đầu tiên phải nói đến bản thân bệnh nhân. Khi đi khám bệnh, nhiều bệnh nhân thường có khuynh hướng khai rất nhiều loại bệnh, và như thế phải uống nhiều loại thuốc, có khi đến 10-11 loại, giá thành toa thuốc sẽ tăng lên.

Theo suy nghĩ của chúng tôi, bệnh nhân - nhất là bệnh nhân lớn tuổi và bị bệnh mãn tính - chỉ nên tập trung vào những bệnh nào bị nặng và gây khó chịu nhiều nhất để điều trị trước thì tốt hơn. Sau khi kê toa xong, bệnh nhân có quyền và nên hỏi tổng chi phí của toa thuốc, đề nghị bác sĩ xem lại toa thuốc có hợp lý về mặt tài chính đối với mình hay không.

Phía các BV, nếu muốn ngăn chặn tình trạng này cũng có nhiều biện pháp, vấn đề là lãnh đạo các BV có muốn làm và quyết liệt làm hay không. Như không nên đưa các loại thực phẩm chức năng vào khoa dược, khi đó việc kê toa thuốc sẽ không thể có thực phẩm chức năng.

Những nhà quản lý, viết phần mềm và các dược sĩ BV chịu khó xem lại liều lượng của mỗi loại thuốc và quy định nếu vượt quá liều lượng đó toa thuốc sẽ không cho in. Ví dụ như thuốc Omeprazole 40mg dùng điều trị viêm loét dạ dày thì liều tối đa kê toa ngoại trú là 2 viên một ngày. Nếu bác sĩ kê đến 3 viên thì máy tính không cho in, hay sẽ hỏi lại bác sĩ xem có hợp lý và cần thiết hay không. Nói tóm lại, mọi việc cần phải minh bạch hóa, hoa hồng, tham nhũng sẽ không còn đất sống.

Sở Y tế TP.HCM lập tổ xác minh, kiểm tra

Ngày 7-10, TS.BS Bùi Minh Trạng - chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM - ký quyết định thành lập tổ xác minh để kiểm tra làm rõ các nội dung liên quan đến bài báo “Bác sĩ kê toa thuốc “khủng”” theo chỉ đạo quyết liệt của giám đốc Sở Y tế TP.HCM.

Theo quyết định này, tổ xác minh gồm sáu thành viên thuộc thanh tra Sở Y tế, phòng nghiệp vụ y và phòng quản lý dược của Sở Y tế TP. Ngoài kiểm tra vụ việc báo phản ánh, tổ xác minh còn làm rõ việc chấp hành quy định trong chẩn đoán, kê toa thuốc của các bác sĩ tại khu điều trị kỹ thuật cao BV Bình Dân; kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn về dược, giá thuốc tại nhà thuốc BV Bình Dân và các đơn vị có liên quan trong quá trình xác minh.

Theo ông Trạng, khi tổ xác minh có báo cáo kết quả xác minh sẽ thông tin rõ ràng cho báo Tuổi Trẻ biết.

Đồng thời, qua vụ việc này ban giám đốc Sở Y tế TP sẽ có quy định, biện pháp chấn chỉnh quyết liệt việc kê toa thuốc ngoại trú cho bệnh nhân ở tất cả các khoa khám bệnh BV thuộc Sở Y tế.

Ông Trạng cũng nhìn nhận vừa qua các BV thuộc sở mới thực hiện giám sát tốt việc sử dụng thuốc cho bệnh nhân nội trú, khu vực ngoại trú vẫn còn có BV làm chưa tốt.

L.TH.H.

* Ts.Bs NGÔ NGỌC QUANG MINH (quyền trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM):

Ngày nào cũng giám sát toa thuốc

Công tác quản lý, kiểm tra việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý tại khoa khám bệnh BV Nhi Đồng 1 đã được BV giám sát từ nhiều năm nay.

Đầu tiên, BV sẽ đưa ra những phác đồ điều trị cho hầu hết các bệnh thông thường ở phòng khám. Hiện nay phác đồ điều trị của BV Nhi Đồng 1 đã bao phủ khoảng 70% các bệnh lý. BV quy định các bác sĩ chỉ được kê toa trong phác đồ điều trị của BV, không được cho loại thuốc khác.

Thuốc có trong phác đồ điều trị của BV mới được cung ứng trong danh mục thuốc của BV. BV nghiêm cấm bác sĩ ghi toa thuốc ngoài danh mục của BV. Tất cả các loại thuốc muốn vào nhà thuốc của BV phải thông qua hội đồng thuốc của BV.

Hội đồng thuốc duyệt thuốc dựa vào phác đồ, chi phí và hiệu quả của loại thuốc đó. Khi một hoạt chất có nhiều biệt dược thì BV chỉ chọn hai biệt dược, một biệt dược chính hãng, một biệt dược do Việt Nam sản xuất để bác sĩ kê toa phù hợp với từng hoàn cảnh người bệnh.

Từ những quy định trên, BV có chương trình giám sát toa thuốc trên hệ thống máy vi tính của BV. Ngày nào BV cũng phân công bác sĩ của phòng kế hoạch tổng hợp phối hợp với dược sĩ của đơn vị dược lâm sàng giám sát các toa thuốc trong toàn BV.

Những toa có giá tiền cao (trên 250.000 đồng cho 2-3 ngày điều trị) hoặc những toa có nhiều thuốc (từ năm loại thuốc trở lên) sẽ được giám sát đầu tiên.

Những bác sĩ kê toa thuốc “bất thường” như kê toa không đúng như phác đồ, cho thuốc không hợp lý sẽ được mời làm việc với ban giám đốc BV ngay trong hôm đó.

Từ nhiều năm nay, khi giám sát các toa thuốc thỉnh thoảng mới có toa thuốc gần 1 triệu đồng cho những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính điều trị thuốc trong một tháng.

Ngoài giám sát trực tiếp các bác sĩ kê toa, BV Nhi Đồng 1 thường xuyên giám sát những loại thuốc có số lượng hoặc chi phí sử dụng nhiều trong BV.

Những thuốc sử dụng nhiều sẽ được lựa chọn giám sát và đưa vào chương trình bình đơn thuốc hằng tháng trong BV.

THÙY DƯƠNG ghi

PGS.TS NGUYỄN HOÀI NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp