Lực lượng chức năng kiểm tra “xe độ” trong đợt kiểm tra chiều 16-7 - Ảnh: PC08
Ngày 16-7, Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM chủ công phối hợp cùng Phòng tham mưu, Phòng cảnh sát hình sự (Công an TP.HCM), công an các quận, huyện "đột kích" và xử lý 11 lò "độ xe" có tiếng trên nhiều địa bàn.
Trước đó cuối tháng 5-2022, báo Tuổi Trẻ cũng từng thông tin việc 5 lò "độ xe" có tiếng trên địa bàn Gò Vấp, Tân Bình, huyện Hóc Môn, Củ Chi đồng loạt bị kiểm tra.
Đây là hoạt động kiểm tra chuyên đề, thường xuyên của Công an TP nhằm siết các cơ sở chuyên lén lút thay đổi kết cấu xe máy cho các "quái xế" ưa thích tốc độ cao hoặc chuyên đi cướp giật.
Chung quy chỉ là tiền
Anh N.T.T., chủ cửa hàng sửa xe nổi tiếng tại quận Bình Thạnh, cho hay hoạt động "độ xe" hợp pháp chủ yếu là làm cho các xe tham gia các sân, trường đua do các tỉnh thành tổ chức. Các xe này thường không mang ra ngoài đường để đi lại.
Anh N.T.T. cho rằng anh rất hợp tác với công an địa phương, bảo đảm cam kết đã ký. Cửa hàng của anh kinh doanh sửa chữa, mua bán phụ tùng có giấy phép rõ ràng, được kế toán, đóng thuế đầy đủ...
Anh cũng nhìn nhận: "Khách đến sửa xe mình khó có thể yêu cầu họ cung cấp tên họ, giấy tờ chính chủ hay ghi lại số khung, số sườn, "độ" món gì... Nhiều khi người sửa xe và chủ xe là khác, rồi em út, bạn bè chủ xe lấy xe "độ" đi gây rối chứ cũng chưa hẳn chủ xe sử dụng chiếc xe đã sửa đổi đó. Mà những đối tượng độ xe để đua trái phép hay phạm tội đều có "dây", có lò riêng và lực lượng chức năng đều nắm được hết...".
Còn anh V.Q.P., chủ tiệm sửa xe ở TP Thủ Đức, nhìn nhận do anh mê xe nên thường chỉ "độ" xe cho chính mình để tham gia các giải đua 150 phân khối.
"Khi tham gia giải, mình có giấy đi đường của bên cơ quan quản lý thể dục thể thao, xe "đua" mình bỏ lên xe tải chở đến trường đua chứ không được tự tiện chạy ra đường. Mình từng tham gia đua ở các sân Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp hay sân Hải Phòng, Trà Vinh, Long Xuyên trước đây. Nguyên tắc của mình là không nhận "độ xe" cho khách. Mỗi 3 tháng 1 lần là có cán bộ công an đến kiểm tra, viết cam kết không "độ xe", không tiêu thụ đồ gian...".
Nhưng trên thực tế vẫn có những lò "độ xe" mà dân mê tốc độ đều biết cả. Đương nhiên biết là việc làm sai trái nhưng họ vẫn lén lút làm là vì lợi nhuận. Anh N.T.T. chỉ ra thực tế: "Nguồn phụ tùng để làm xe có nguồn gốc từ Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc nhưng kê khai lậu để né thuế. Vì vậy mà phụ tùng giá nào cũng có như bố nồi xe Air Blade có giá từ hơn 100.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng...".
Chỉ cần địa phương thường xuyên đến nhắc nhở, kiểm tra, xử phạt là các lò "độ" không còn đất sống. Công an cơ sở buông lỏng thì nạn "độ xe" mới nở rộ. Bên cạnh đó cũng nên nghiên cứu tăng chế tài đối với các hoạt động "độ" xe, sử dụng xe "độ".
Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM)
Quản lò "độ" không khó
Dù cơ quan chức năng liên tục kiểm tra, xử phạt song vì lợi nhuận lớn từ việc kinh doanh, mua bán xe "độ", phụ tùng "độ" xe khiến giới chủ lò bất chấp. Nhưng những người có hiểu biết trong nghề đều cho rằng không khó để quản lý, ngăn chặn nạn chỉnh sửa xe cho nâng tốc độ lên.
Theo anh N.A.Q. - chủ tiệm sửa xe ở phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), các chủ tiệm sửa xe, mua bán phụ tùng xe máy đều được cảnh sát khu vực thường xuyên đến yêu cầu cam kết không "độ" xe, không mua đồ gian...
Tuy nhiên, đa số các lò "độ" muốn thu hút lượng khách đến "độ" thì sẽ xây dựng thương hiệu, chứng minh thực lực bằng cách đưa các xe "cọp" của lò mình tham gia các cuộc đua đường phố trái phép.
Theo anh N.A.Q., do không có quy định kiểm định với xe máy, môtô nên để dẹp các xe "độ" thì cần thông qua hoạt động tuần tra kiểm soát của cảnh sát giao thông, khi phát hiện xe "độ" thì xử lý và tăng chế tài tịch thu xe.
Trong khi đó, một cán bộ cảnh sát giao thông Công an TP.HCM cho rằng chủ trương của lực lượng chức năng hiện nay là tập trung nhắm vào xử lý các lò "độ" xe.
Bên cạnh công tác nắm tình hình, tổ chức kiểm tra, xử lý theo chuyên đề, cao điểm đối với các cơ sở "độ" xe thì công tác quản lý thường xuyên của địa phương là quan trọng nhất. Gắn chặt trách nhiệm kiểm tra của công an cơ sở đối với các lò "độ" thì sẽ hạn chế bớt những hoạt động tiêu cực.
Về chế tài thì cũng cần tăng mức chế tài (tịch thu) đối với xe "độ". Còn đối với lò "độ" hiện nay cơ quan chức năng xử lý về các lỗi như phụ tùng không hóa đơn, xuất xứ, vi phạm môi trường, phòng cháy chữa cháy... "Để các lò sợ, cần thường xuyên kiểm tra và tăng chế tài phạt nặng thì sẽ ngăn chặn được hiệu quả...", vị cán bộ cảnh sát giao thông nhận định.
Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng vai trò quản lý các lò "độ" của công an cơ sở là rất quan trọng. "Đâu phải như tội phạm bán ma túy thì tinh vi, kín đáo. Lò "độ xe" thì mặt bằng thường to lớn, công khai, khách lui tới thường xuyên, tiếng thử máy nổ đinh tai nhức óc thì địa phương dễ phát hiện, theo dõi mà..." - luật sư Đức dẫn chứng.
Chiều 16-7, cơ quan chức năng phối hợp "đột kích" 11 lò "độ xe", chuyên nhận gia công chi tiết máy, buôn bán phụ tùng và "độ xe" cho các dân chơi.
Các lò này được giới chơi xe "ngầm" tin tưởng khả năng cho ra lò những chiếc "ngựa sắt" có thể đạt vận tốc xé gió như: Quý Chia (quận Tân Phú), A Sáng (quận 10), 127 Racing (quận 12), D.P Racing, Tân Heine shop, tiệm sửa xe Trắng, tiệm tiện Phi Nguyễn Xí (TP Thủ Đức), Hiệp 303 (quận 11), tiệm tiện Châu Lê - Đặng Văn Quý III (quận Gò Vấp)...
Những lò "độ" này đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện có dấu hiệu "thay đổi đặc tính xe", tạm giữ hàng trăm linh kiện, phụ tùng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ...
Nhiều nước buộc xe "độ" phải đăng ký
Ấn Độ cấm các hành vi làm thay đổi hoàn toàn thông số kỹ thuật như nhà sản xuất công bố.
Tuy nhiên nếu muốn đổi động cơ để sử dụng nhiên liệu khác, chủ xe vẫn có thể thực hiện song phải tiến hành đăng ký lại giấy phép sở hữu. Ngay cả việc thay đổi màu xe cũng sẽ phải đăng ký lại. Với mỗi sự thay đổi bất hợp pháp, chủ xe có thể bị phạt tới 6 tháng tù.
Nhà chức trách không cấm các nơi chuyên "độ xe" cho các dự án, tức là cho phép họ nâng cấp xe cao hơn thông số kỹ thuật của nhà sản xuất. Tuy nhiên xe chỉ được sử dụng trong các khu vực giới hạn ví dụ như nhà riêng hoặc sự kiện, nếu lăn bánh nơi công cộng cũng sẽ bị bắt như xe "độ" bất hợp pháp.
Tại Anh, từ năm ngoái Bộ Giao thông vận tải nước này đã đề xuất cấm "độ" pô xe máy để giảm bớt việc phát khí thải gây ô nhiễm môi trường. Trước đó quy định này đã được áp dụng với ôtô và các phương tiện hai bánh khác nhưng chưa bao gồm xe máy.
Theo dự luật của Anh, xe máy chỉ có thể dùng pô đi kèm lúc xuất xưởng, kể cả lắp pô của bên thứ ba có tính năng tương tự cũng bị cấm.
BẢO DUY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận