Chúng tôi giới thiệu hai ý kiến về vấn đề này.
Vụ tai nạn do xe container gây ra trước Khu chế xuất Linh Trung (TP.HCM) làm 5 người chết - Ảnh: Hải Hiếu |
Tôi đang đưa khách đi tour mới ở Campuchia. Internet chập chờn nên hai ngày chưa lên mạng. Tối 12-6, đang ngon giấc thì điện thoại reo ầm ĩ. Steven Nguyễn từ Cali (Mỹ) gọi về giọng gấp gáp: “Anh đọc báo Tuổi Trẻ chưa? Ðọc đi, rồi sẽ biết”.
Không chờ tôi đọc, cậu em bức xúc trút bầu tâm sự: “Chuyện không thể tin được. Nếu báo khác đăng chắc nhiều người nghi ngờ. Hèn gì mấy lần về Sài Gòn em hơi ngờ ngợ...
Tài xế xe container, xe ben, xe tải nặng... chạy không được bình thường, cứ như bị tâm thần. Giờ đọc báo mới phát hoảng. Ai đời tài xế mà không có bằng lái, lại còn vừa lái xe vừa phê ma túy đúng là chuyện động trời. Anh chị nhớ dặn người nhà khi ra đường phải tránh xa mấy hung thần đó...”.
Sáng 13-6, tôi dậy sớm, lên mạng đọc Tuổi Trẻ Online mới tá hỏa khi báo phản ánh tài xế container hút ma túy ngay trên buồng lái, tài xế xe container sử dụng bằng lái xe giả và chủ xe container tráo phụ tùng xe trước khi đăng kiểm để qua mặt đăng kiểm. Thật đáng sợ!
Thật ra từ trước đến nay tôi và người thân cùng bạn bè, đồng nghiệp khi nói chuyện với nhau về tình hình giao thông trên đường, chúng tôi đều thống nhất là phải tránh xa các “hung thần” trên đường là xe container, xe tải chở đất đá... vì những vụ tai nạn giao thông do các “hung thần” này gây ra hậu quả thường rất khủng khiếp.
Mặc dù vậy, chúng tôi không nghĩ người ta có thể xem thường mạng sống người đi đường đến độ giao xe container cho người nghiện ngập và người xài bằng lái giả!
Ðọc loạt bài nói về “hung thần” xe container trên Tuổi Trẻ, người Việt mình còn hoảng huống gì người nước ngoài. Ông Chun - người Ðài Loan - là giám đốc một nhà máy giày da, ở Việt Nam 21 năm, lấy vợ Việt, nói tiếng Việt khá chuẩn. Nghe tôi kể về sự thật rùng rợn nói trên, ông Chun há hốc miệng: “Vậy sao? Kinh khủng quá!”.
Ông Chun cho biết ở Việt Nam ông sợ nhất là giao thông nên giờ biết sự thật nói trên ông càng sợ. “Hèn gì vợ tôi cứ dặn ra đường nhớ tránh xa mấy xe to và chạy ẩu” - ông Chun nói.
Ông Chun còn kể ở Ðài Loan toàn đường cao tốc, tối thiểu mỗi bên bốn làn với những quy định tốc độ cụ thể. Tài xế nào cũng vậy, không riêng gì xe container, vi phạm là bị xử phạt rất nghiêm, lơ mơ là thất nghiệp nên chẳng ai dại gì chuốc họa vào thân.
“Lái xe nắm giữ sinh mạng bao nhiêu người nên đó là nghề khó, phải rất cẩn trọng. Ở Ðài Loan chúng tôi gọi lái xe là sư phụ là vì vậy” - ông Chun nói.
Còn Jack, một tay phượt biết tiếng Việt kha khá, từng đến Việt Nam mấy lần và rất khoái món ăn Việt. Khi nghe tôi kể về sự thật nói trên, qua email Jack viết: “Khủng khiếp!” . Jack còn hối thúc tôi: “Anh phải làm gì đi chứ. Sao lại như thế được! Sao lại để người nghiện ma túy lái xe container? Sao Nhà nước không xử lý mấy chủ xe giao xe cho người nghiện?”.
“Phải làm gì đi chứ” - tôi xin mượn lời hối thúc này của Jack để nói với các cơ quan có trách nhiệm trước sự thật về “hung thần” xe container mà Tuổi Trẻ đã phản ánh.
Cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm Mấy ngày nay, độc giả Tuổi Trẻ ngỡ ngàng với thông tin báo phản ánh về những chiếc xe container lưu hành trên đường. Nhiều người thảng thốt nhận ra sinh mạng mình khi tham gia giao thông sao mà mong manh quá... Câu hỏi đặt ra cho những người có thẩm quyền, những tài xế và chủ xe là: Hãy thử đặt người thân mình vào hoàn cảnh những nạn nhân ngồi trên chiếc ôtô đang dừng đèn đỏ (rạng sáng 31-5 trên quốc lộ 1, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM) bị xe container đằng sau lao tới tông vào cướp đi sinh mạng thì nỗi đau mất mát ấy với mình như thế nào? Chắc ai cũng hãi hùng với ý nghĩ này. Ở đây tôi không nói điềm gở mà rõ ràng với tình trạng mất kiểm soát độ an toàn của xe container như Tuổi Trẻ phản ánh, thì những hiểm họa tương tự vụ tai nạn đau lòng nói trên lúc nào cũng có thể xảy ra. Là một tài xế thâm niên, từng lái xe tải đường dài và xe đầu kéo, tôi hiểu mức độ nguy hiểm của các loại xe tăng dần theo độ dài và tải trọng của nó. Tiêu chí để đảm bảo cho một chuyến xe an toàn là kỹ năng tài xế, sự an toàn của xe, tình trạng đường sá và trọng tải hàng hóa. Đọc bài “Chấp nhận tài xế xe container xài bằng giả?”, tôi vô cùng ngạc nhiên khi biết lâu nay chỉ vì lợi nhuận mà một số doanh nghiệp vận tải đã sử dụng tài xế dùng bằng giả! Luật quy định tài xế bằng C muốn thi lấy bằng FC phải có trên ba năm kinh nghiệm đã là thoáng. Vậy mà một chủ doanh nghiệp lại nại rằng quy định này bất hợp lý? (Bản thân tôi trước khi lái xe đầu kéo, dù đã là tài xế xe tải thâm niên bậc 2/3, cũng phải theo phụ việc cho tài xế xe đầu kéo gần ba tháng trời mới được cầm lái). Đọc bài “Theo tài xế nghiện lái xe container” tôi thắc mắc doanh nghiệp tuyển tài xế, quản lý tài xế thế nào mà để những tài xế phê thuốc như “Đầu Hư” cầm lái, phóng xe trên đường bất chấp mạng người? Xe là một nguồn nguy hiểm cao độ. Một chiếc xe container to đùng lưu thông trên đường, chỉ cần sơ sẩy một li là đã gây họa cho người khác. Vậy mà không ít xe container thiếu an toàn với những tài xế dùng bằng giả vẫn lưu hành trên đường, để rồi đến khi gây tai nạn chết người cơ quan chức năng mới phát hiện. Là một tài xế, tôi cho rằng các cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm của mình. Tại sao tôi dám nói vậy? Bởi tôi thường đi kiểm định xe của mình và dù trước đó tôi đã đem xe đến gara kiểm tra trước, nhưng nhân viên kiểm định vẫn vạch ra được những lỗi của các thiết bị trên xe. Và khi lái xe ra đường, tôi chỉ cần chạy lấn đường một tí là đã “ăn” biên bản của cảnh sát giao thông. Vậy tại sao những chiếc xe container to đùng với tài xế đang “phê” thuốc, tài xế dùng bằng lái xe giả vẫn chạy bạt mạng trên đường mà không ai ngăn chặn trước khi nó gây ra tai họa? Câu hỏi này xin các cơ quan chức năng suy ngẫm và trả lời cho người dân rõ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận