Phóng to |
Thủ tướng Yingluck phát biểu trước giới truyền thông Ảnh: Reuters |
Theo hãng tin Reuters, chính quyền Thái Lan cho biết sắc lệnh khẩn cấp được áp dụng tại thủ đô Bangkok và các vùng lân cận. Theo đó, các cơ quan an ninh sẽ có quyền ban bố lệnh giới nghiêm, bắt giữ nghi can không cần trát tòa, kiểm duyệt truyền thông, cấm tụ tập chính trị (biểu tình) hơn 5 người…
Bước đi “mạnh tay” của chính phủ bà Yingluck là kết quả của phiên họp nội các diễn ra căng thẳng từ trưa nay.
Phó Thủ tướng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul nhấn mạnh: “Chính phủ lâm thời đã quyết định áp đặt tình trạng khẩn cấp nhằm giám sát tình hình và thực thi luật pháp”.
Dù vậy, thủ tướng Yingluck Shinawatra tuyên bố chính phủ không có ý định đối đầu với lực lượng biểu tình. “Chúng tôi sẽ đàm phán hòa bình với người biểu tình theo các tiêu chuẩn quốc tế - bà Yingluck khẳng định - Chúng tôi đã yêu cầu cảnh sát kiên nhẫn với người biểu tình”.
Bà Yingluck giải thích chính phủ cần tình trạng khẩn cấp do người biểu tình đã đóng cửa nhiều tòa nhà công quyền, ngân hàng, leo thang căng thẳng, dẫn tới đụng độ gây chấn thương và thiệt mạng. “Chính phủ cần phải kiểm soát tình hình” - bà Yingluck nhấn mạnh.
Kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra hồi tháng 11-2013 đến nay đã có 9 người thiệt mạng. Trong các vụ ném lựu đạn vào đám đông biểu tình những ngày qua, hàng chục người đã bị thương.
Chính phủ Thái Lan vẫn cương quyết tổ chức bầu cử vào ngày 2-2 tới. Tuy nhiên mới đây Ủy ban Bầu cử (EC) tuyên bố sẽ đề nghị Tòa án Hiến pháp ra phán quyết xem có thể dời ngày bầu cử lại không.
Cộng đồng quốc tế đang hồi hộp chờ xem sắc lệnh khẩn cấp sẽ tác động đến chiến dịch “ đóng cửa Bangkok” thế nào vào ngày mai 22-1.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận