Khách hàng mua gạo ST25 tại siêu thị ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết của luật sư Phạm Duy Khương, một chuyên gia về tư vấn kinh doanh và sở hữu trí tuệ.
Việc các doanh nghiệp tại Mỹ đã đăng ký trước vẫn thể hiện một mối lo nào đó có hoặc không, trên cơ sở phân tích các tình huống khác nhau.
Mức độ rủi ro hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm của cơ quan sở hữu trí tuệ Mỹ USPTO có coi ST25 là một nhãn hiệu hay là một chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng; hoặc cơ quan sở hữu trí tuệ tại Mỹ có đủ thông tin để kết luận rằng đây là một chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng khi xem xét khả năng cấp nhãn hiệu độc quyền hay không.
Mức độ rủi ro sẽ được đánh giá qua 2 trường hợp sau.
Trường hợp một: tra cứu dữ liệu của cơ quan sở hữu trí tuệ Mỹ USPTO, ta phát hiện ra rằng một đơn vị tại Mỹ đã đăng ký nhãn hiệu ST25 đặc sản Sóc Trăng.
Theo đó, nhãn hiệu này đang bị tạm thời từ chối bởi chứa nhiều yếu tố mang chỉ dẫn địa lý hoặc gây nhầm lẫn địa chỉ chỉ dẫn địa lý, mô tả sản phẩm và gắn với tên giống cây trồng.
Chính vì nhận thấy những vấn đề nêu trên nên cơ quan sở hữu trí tuệ của Mỹ đang yêu cầu chủ sở hữu phải phản hồi lại những từ chối này, trong đó đặc biệt lưu ý đến dấu hiệu quan trọng nhất mà USPTO nhấn mạnh đó là dấu hiệu ST25 có được coi là tên giống cây trồng hay không.
Nghiên cứu hồ sơ có thể thấy USPTO bước đầu khẳng định dấu hiệu ST25 là tên một giống cây trồng, do đó sẽ không được cấp độc quyền cho bên nào riêng.
Trên cơ sở đó, cơ quan sở hữu trí tuệ Mỹ USPTO khuyến nghị người đăng ký phải loại trừ khả năng bảo hộ độc quyền đối với dấu hiệu này khi họ làm công văn trả lời đối với dự định từ chối.
Đánh giá về khả năng ngăn cản doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu gạo vào thị trường Mỹ có mang dấu hiệu ST25, có bị cản trở bởi nếu như nhãn hiệu nêu trên đăng ký thành công hay không, thì có thể khẳng định rằng nhãn hiệu này không đủ sức để ngăn cản. Chính vì vậy, khả năng cản trở doanh nghiệp Việt dùng dấu hiệu ST25 sẽ phụ thuộc vào trường hợp tiếp theo dưới đây.
Trường hợp hai: cũng có những nhãn hiệu thay vì bao gồm một tập hợp các dấu hiệu khác nhau như nhãn hiệu nêu trên thì chỉ bao gồm duy nhất hai chữ ST25 đã được nộp tại cơ quan sở hữu trí tuệ Mỹ.
Nhãn hiệu trong trường hợp một có thể dễ dàng bị cơ quan sở hữu trí tuệ Mỹ nhận ra là có liên quan đến địa danh, giống cây trồng bởi tự bản thân bao gồm rất nhiều thông tin tường minh, chỉ trực tiếp đó là nhãn hiệu liên quan đến chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng.
Nhà máy chế biến gạo của ông Hồ Quang Cua, cha đẻ của gạo ST25, ở thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng - Ảnh: CHÍ QUỐC
Tuy nhiên, đối với trường hợp hai này chỉ bao gồm duy nhất những dấu hiệu đơn thuần ST25, mà không có từ nào chỉ trực tiếp, gợi ý liên quan đến chỉ dẫn địa lý hay tên giống cây trồng.
Chính vì vậy, khả năng bảo hộ thành công của nhãn hiệu này hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan sở hữu trí tuệ Mỹ USPTO có đủ thông tin hoặc nhận định được rằng đây là giống cây trồng hay không.
Nếu USPTO có đủ thông tin để kết luận đây là giống cây trồng thì họ sẽ từ chối, tuy nhiên nếu như không có đủ thông tin thì sẽ được cấp nhãn hiệu và khi đã cấp nhãn hiệu thì đó sẽ là một cản trở rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, khi đăng ký tại thị trường Mỹ hoặc đưa sản phẩm vào Mỹ.
Ở Mỹ, việc đăng ký thành công nhãn hiệu hay không phụ thuộc vào một yếu tố lớn đó là nhãn hiệu đấy có bị phản đối sau khi được công bố hay không.
Và bên phản đối hay chính là những bên có quyền lợi liên quan đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin cũng như là yêu cầu USPTO từ chối hoặc yêu cầu người nộp đơn trước trả lời phản đối.
Chính vì thế trong trường hợp này, nếu muốn ngăn cản việc đăng ký nhãn hiệu nêu trên thành công thì doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể là chủ của giống cây trồng lúa ST25, nên ngay lập tức làm phản đối đơn tại Mỹ.
Theo thông tin tìm hiểu được, đơn này được công bố vào ngày 4-5-2021 và sau đó các bên muốn chống lại nhãn hiệu này sẽ có 30 ngày để lên tiếng. Vì vậy doanh nghiệp Việt nếu thực sự muốn bảo vệ quyền lợi của mình thì cần phải nộp phản đối càng sớm càng tốt.
Nếu phản đối thành công (cơ sở thành công lớn) thì doanh nghiệp Việt không phải lo sợ về việc bị chặn kinh doanh dưới tên ST25 tại Mỹ.
Ngoài ra, chủ sở hữu giống cây trồng ST 25 cũng nên xem xét tiến hành bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng của họ tại Mỹ càng sớm càng tốt.
Thời gian đang đếm ngược khi tính đến thời điểm này thì doanh nghiệp Việt còn 27 ngày để tiến hành các biện pháp lý cần thiết.
Chuyên mục Nhịp sống thương trường với sự đồng hành của One IBC, công ty cung cấp các dịch vụ tài chính, thuế, đăng ký kinh doanh, đầu tư trong nước và quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận