Phóng to |
Tiết trời miền núi cao Mù Cang Chải mùa này đang vào cuối thu, đầu đông. Chỉ độ 3 giờ chiều, ánh nắng đã ngả màu vàng, quét dài trên các vạt núi, trơ ra loang lổ những ô ruộng bậc thang cũng màu vàng của gốc rạ - mùa lúa chín vàng vừa gặt xong.
Cái nắng vàng cuối thu - đầu đông trên vùng núi cao hùng vĩ, xinh đẹp này - không giống nơi nào trên dải đất miền Tây Bắc - bởi cảnh đẹp đến mê hồn giữa trùng điệp núi cao, ruộng bậc thang, thung sâu, khe suối ôm chặt lấy cái nắng vàng và màu vàng của hoa – cỏ – lá - cây đang độ chuyển mùa của tiết trời cuối thu, đầu đông. Tất cả như đọng lại cùng trời - đất giao hòa trong không gian tĩnh lặng của vùng núi cao huyền bí. Đã có nhiều nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ nhiếp ảnh (và cả những tay máy nghiệp dư như tôi) như bị “hớp hồn” vào trong cái khung cảnh huyền hoặc và thanh cao ấy.
Mù Cang Chải vẫn còn rất hoang sơ, chưa bị “du lịch hóa” như Sa Pa, Bắc Hà, Điện Biên Phủ… của miền Tây Bắc. Nơi đây còn lưu giữ hầu như nguyên vẹn những nét văn hóa truyền thống độc đáo của người dân tộc Mông, Dao, Sán Dìu, Thái đen… Huyện Mù Cang Chải có hơn 50.000 dân thì có đến 90% là đồng bào các dân tộc sinh sống, đã tạo nên một vùng đất đa sắc tộc, đa văn hóa, nhưng thống nhất trong một không gian hài hòa, thân thiện. Những lễ hội hàng năm như: cúng Giàng, cúng lúa mới, mừng nhà mới… được các dân tộc anh em tổ chức cùng một thời điểm với nhiều nghi thức gần giống nhau.
Đặc biệt, đến Mù Cang Chải vào dịp tháng 9 Âm lịch, đi đến đâu chúng ta cũng như được hòa vào không khí lễ hội mừng lúa mới của các dân tộc. Màu vàng của lúa chín nhuộm khắp các con ngõ, thôn bản, trên cánh đồng… của vùng núi cao Mù Cang Chải. Thào Gà Cha, cán bộ xã Púng Luông (huyện Mù Cang Chải), dẫn tôi vào bản Mi Hang Tau xem người Thái đen làm lễ đón lúa mới.
Đến nhà Thào A Sình, khoảng trống phía trước sân diện tích chỉ độ hơn 100m2 là một màu vàng rực của lúa mới. “Phải cúng Giàng trước mới đổ lúa vào bồ được” – vợ Thào A Sình nhanh nhảu đáp, sau khi mời khách đi xem lúa mới. Theo tục lệ của người Thái đen, để mùa lúa năm sau bội thu, khi gặt lúa về, nắm thóc đầu tiên sẽ được người đàn ông cao niên nhất trong gia đình làm lễ dâng lên Giàng. Còn khi đổ những bao lúa chín vàng đầu tiên vào bồ, nghi thức này lại do người phụ nữ đảm trách. Người Thái đen quan niệm chỉ có người phụ nữ mới giữ cho lúa vàng đầy bồ mãi…
Đã đến nơi đây dù chỉ một lần và vào đúng tiết thu của miền Tây Bắc, chắc hẳn bạn sẽ không bao giờ quên cái màu vàng của khung cảnh thiên nhiên - gắn chặt với đời sống văn hóa tinh thần và tình cảm tâm linh của các dân tộc suốt ngàn đời nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận