21/11/2022 15:06 GMT+7

Ngắm nhìn ‘một mối xa thư’

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Hơn 100 bức thư pháp Hán Nôm, Quốc ngữ lớn, nhỏ viết những áng văn thơ đẹp ca ngợi non sông, đất nước của các danh nhân, văn nhân, hiền tài đang được trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Ngắm nhìn ‘một mối xa thư’ - Ảnh 1.

Những áng thơ văn đẹp của cha ông được viết bằng nghệ thuật thư pháp giới thiệu tới công chúng - Ảnh: T.ĐIỂU

Triển lãm thư pháp Thăng Long - Hà Nội với tên gọi Một mối xa thư do Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Nhân Mỹ học đường phối hợp tổ chức nhằm kỷ niệm Hiến chương các nhà giáo Việt Nam 20-11 và Ngày Di sản Việt Nam 23-11.

Triển lãm quy tụ 100 nhà hoạt động thư pháp trên khắp mọi miền đất nước và quốc tế với hơn 100 tác phẩm thư pháp Hán Nôm và Quốc ngữ, thể hiện đủ năm loại thư pháp: Triện thư, Lệ thư, Hành thư, Chân thư và Thảo thư.

Toàn bộ nhà Thái Học và sân Thái Học thuộc di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành nơi tôn vinh truyền thống viết thư pháp, tôn vinh đạo học, vinh danh non nước và tinh thần quốc gia, dân tộc.

Các bức thư pháp ở đây được viết từng đoạn, từng bài chứ không phải một hai chữ thư pháp như thường thấy khi các "ông đồ" cho chữ ngày xuân.

Theo Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trong quan niệm của người xưa, cụm từ "xa thư" được dùng như một khái niệm để chỉ giang sơn đất nước thu về một mối, chế độ văn vật áp dụng thống nhất ở mọi miền.

Ngắm nhìn ‘một mối xa thư’ - Ảnh 2.

Triển lãm hấp dẫn cả những người nước ngoài - Ảnh: T.ĐIỂU

Triển lãm thư pháp Một mối xa thư được chắt lọc từ đôi câu đối tại tòa Đình bia trong khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đó là: "Xa thư cộng đạo kim thiên hạ/ Khoa giáp liên đề cổ học cung" (Thiên hạ nay, xa thư về cùng một mối/ Nhà học xưa, khoa giáp xuất hiện liền nhau); và các tác phẩm văn học Việt Nam thể hiện nội dung ca ngợi cảnh đẹp đất nước, về các giá trị đạo học Việt Nam.

Tại đây, người xem sẽ được gặp lại Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ, hay những áng thơ, văn, ký bất hủ của Lê Thánh Tông, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Chu Văn An, Nguyễn Trung Ngạn, Ngô Thì Nhậm, Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Trần Nguyên Đán, Phạm Công Trứ, Vũ Tông Phan, Không Lộ Thiền Sư, Phùng Khắc Khoan…

Ngắm nhìn ‘một mối xa thư’ - Ảnh 3.

Nghệ thuật thư pháp gần đây hấp dẫn nhiều bạn trẻ - Ảnh: T.ĐIỂU

Nhưng lần này là dưới dạng chữ Hán, chữ Nôm được những thư pháp gia cự phách viết chứ không phải bằng chữ Quốc ngữ đã được "phiên dịch" mà người thời nay được học, đọc.

"Xa thư" theo một nghĩa khác cũng gợi nghĩ suy về những đổi dời của lịch sử, chữ viết, khiến ngày nay hầu hết người Việt không còn đọc trực tiếp được những áng thư của cha ông mình đã viết bằng chữ Hán, chữ Nôm. 

Di sản văn thơ, kinh sách của cha ông thành "xa thư" với người đương thời. Cho nên, những triển lãm như thế này mang ý nghĩa quan trọng giúp phần nào kết nối hôm nay với cha ông.

Triển lãm kéo dài đến ngày 27-11.

Ngắm nhìn ‘một mối xa thư’ - Ảnh 4.

Một số bức thư pháp chữ Quốc ngữ tại triển lãm - Ảnh: T.ĐIỂU

Xem triển lãm thư pháp của Trương Lộ gặp thơ Lê Quý Đôn, Bùi Giáng, Bảo Định Giang Xem triển lãm thư pháp của Trương Lộ gặp thơ Lê Quý Đôn, Bùi Giáng, Bảo Định Giang

TTO - Với chủ đề Phật Đạo Nho, nghệ nhân nhân dân, thư họa gia Trương Lộ vừa giới thiệu đến công chúng 95 tác phẩm thư pháp thể hiện nhiều nội dung độc đáo tại triển lãm diễn ra ở Hội Mỹ thuật TP.HCM.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp