Chiến sĩ Ban chỉ huy Quân sự quận 7 chia sẻ về công tác khâm liệm người mất vì COVID-19 những ngày cao điểm dịch - Video: THÀNH TRUNG
Đó là câu chuyện của đội xử lý thi hài người mất vì COVID-19 thuộc Ban chỉ huy Quân sự quận 7. Năm chiến sĩ trong tổ là những người tay ngang được đào tạo gấp rút để hỗ trợ khâm liệm, xử lý thi hài người mất và đưa tới trung tâm hỏa táng.
"Chúng tôi vào con hẻm đó. Sợ quá nên nói dối mấy anh em vào đi, tôi ở lại coi xe. Tôi còn cố gắng kiếm một chỗ thật sáng để đứng cho an toàn. Người mất ở một mình, xung quanh vắng vẻ. Nhưng khi nghe chỉ huy báo người mất là mẹ của chiến sĩ đang làm nhiệm vụ, chúng tôi lặng người đi và cố gắng làm thật tốt, chu toàn để người chiến sĩ đang công tác an lòng hơn", chiến sĩ Hà Đoàn Công Thành hồi tưởng.
Còn chiến sĩ Nguyễn Văn Toàn chia sẻ thời gian đầu làm nhiệm vụ, anh em phải đấu tranh tâm lý rất nhiều, thậm chí tối ngủ còn mơ thấy. "Tôi vượt qua nỗi sợ bằng cách nghĩ mình đang giúp đồng bào mình để hoàn thành công việc", anh Toàn bộc bạch.
Bộ Tư lệnh TP.HCM trao thưởng cho các cá nhân, tập thể có đóng góp xuất sắc trong công tác chống dịch - Ảnh: L.P.
Đối với chiến sĩ Dương Thanh Hoàng, thời gian cao điểm dịch bệnh đối với anh như một cơn ác mộng. Bản thân anh đang hỗ trợ TP xử lý thi hài người mất vì COVID-19 thì nhận tin báo mẹ anh dương tính. Bao nhiêu kịch bản xấu nhất bủa vây tâm trí của người lính trẻ. May mắn mẹ anh Hoàng đã vượt qua được ải nguy hiểm sau nhiều ngày điều trị.
Câu chuyện không được có hậu như anh Hoàng, chiến sĩ Trần Tiến Thịnh thuộc Ban chỉ huy Quân sự quận 10 đã không có cơ hội nhìn mặt cha lần cuối khi ông qua đời vì mắc COVID-19, dù hai cha con ở cùng TP.
"Lúc này tôi đang thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến ở TP Thủ Đức. Tôi vừa hồi phục sau khi mắc COVID-19 thì nghe tin cả nhà 5 người bị dương tính. Do đang thực hiện nhiệm vụ nên tôi không về nhà được, chỉ thăm hỏi qua điện thoại. Rồi chuyện xấu nhất cũng đến, cha tôi mất vì dịch bệnh sau hai tuần chống chọi", giọng anh Thịnh trầm xuống.
Và còn nhiều chiến sĩ khác cũng gác lại chuyện gia đình, bản thân để cùng TP chống dịch. Thậm chí có người dân quân trẻ đã qua đời vì mắc COVID-19 trong lúc làm nhiệm vụ kiểm soát tại chốt chặn khi mới 22 tuổi. Đó là chiến sĩ Nguyễn Thành Đạt, công tác tại Ban chỉ huy quân sự phường Tân Tạo, quận Bình Tân.
Theo Bộ Tư lệnh TP.HCM, trong đợt dịch vừa qua đã có 36.200 cán bộ, chiến sĩ, dân quân được huy động, tham gia thiết lập, phục vụ tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, khu phong tỏa, tổ chức kiểm soát, chốt chặn, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Trong đợt khen thưởng này có 36 tập thể, 118 cá nhân được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh TP tôn vinh vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận