Những năm qua, diện mạo Hà Nội thay đổi nhanh chóng. Hàng loạt công trình giao thông, đô thị hiện đại được xây dựng.
Thành phố đang chuyển mình từng ngày để sánh ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông
Phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, luôn là mục tiêu được Trung ương và chính quyền thành phố chú trọng. Hà Nội hiện đóng vai trò là đầu mối giao thông quan trọng, giúp tăng cường kết nối các tỉnh thành, các vùng kinh tế.
Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, định hướng hệ thống giao thông của Hà Nội được phát triển đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch, đồng bộ với quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị; đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống.
Những cây cầu hiện đại nối đôi bờ sông Hồng, sông Đuống, đường vành đai, đường trên cao rộng rãi, những tuyến đường sắt đô thị đang dần hình thành, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân và mang đến diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc.
Cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng được khánh thành năm 2015. Cây cầu và đường dẫn có tổng chiều dài 8,93km. Phần cầu chính rộng 33,2m với 8 làn xe chạy. Kết cấu nhịp của cầu chính theo dạng cầu dây văng nhiều nhịp với 5 trụ tháp hình thoi. Cầu Nhật Tân là mảnh ghép quan trọng của tuyến vành đai 2 và rút ngắn khoảng cách từ trung tâm thủ đô đến sân bay quốc tế Nội Bài - Ảnh: HỒNG QUANG
Cầu Vĩnh Tuy được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó cầu Vĩnh Tuy 1 hoàn thành năm 2010 và giai đoạn 2 khánh thành năm 2023. Cây cầu nối quận Hai Bà Trưng và Long Biên đồng thời là cửa ngõ kết nối trung tâm thủ đô với nhiều tuyến đường quan trọng như quốc lộ 5, quốc lộ 1, vành đai 3, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Hiện cầu Vĩnh Tuy đã xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch với 8 làn xe chạy - Ảnh: HỒNG QUANG
Cầu Đông Trù bắc qua sông Đuống, nối liền quận Long Biên và huyện Đông Anh, giúp giải tỏa ùn ứ giao thông liên tỉnh từ hướng Hải Phòng, Quảng Ninh đi các tỉnh tây và tây bắc Hà Nội. Đây cũng là cây cầu có mặt cắt ngang rộng nhất Việt Nam với 54,5m chia thành: 8 làn xe cơ giới, 2 làn xe máy và 2 dải vỉa hè dành cho người đi bộ - Ảnh: HỒNG QUANG
Đường vành đai 2 Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở gồm hợp phần đường trên cao 4 làn xe và đường dưới thấp 8-10 làn xe. Con đường giúp giải tỏa áp lực giao thông cho 4 quận trung tâm có dân cư rất đông đúc là Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai và Thanh Xuân. Toàn tuyến trên cao có 8 nhánh lên xuống - Ảnh: HỒNG QUANG
Vành đai 3 với tuyến cao tốc trên cao vừa phục vụ giao thông nội đô vừa phục vụ giao thông liên vùng. 7 tuyến cao tốc kết nối 4 hành lang kinh tế Bắc Bộ đều lấy Hà Nội làm tâm, hướng vào vành đai 3. Nhu cầu vận tải liên tỉnh từ các tỉnh phía nam đi phía bắc, phía tây và ngược lại quá cảnh qua Hà Nội chủ yếu đều thông qua tuyến này - Ảnh: HỒNG QUANG
Tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Trong đó đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5km được vận hành chính thức từ đầu tháng 8 và đoạn đi ngầm tiếp tục thi công - Ảnh: HỒNG QUANG
Đại lộ Thăng Long dài gần 30km, rộng 140m, là tuyến thuộc cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, nối Hà Nội với các quận huyện phía tây và Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ngày nay, một phần con đường đang dần được coi là đường nội đô bởi loạt dự án đô thị đang phát triển dọc tuyến - Ảnh: HỒNG QUANG
Những công trình, hạ tầng động lực thay đổi bộ mặt thủ đô
Hà Nội là thủ đô, trung tâm chính trị hành chính quốc gia.
Theo nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội là thành phố "văn hiến - văn minh - hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Đến nay, nhiều dự án quy mô lớn đã được đầu tư xây dựng. Những công trình này không chỉ tạo nên những tuyến phố cảnh quan kiến trúc hiện đại, điểm nhấn đô thị, mà còn trở thành động lực tăng trưởng kinh tế cho thành phố.
Quận Cầu Giấy tập trung nhiều trụ sở công ty công nghệ, trường học, cơ sở kinh doanh... với mật độ dân số đông đúc. Điểm nhấn tại khu vực này là khu phố công nghệ Duy Tân và tòa nhà Landmark 72 (cao nhất Hà Nội) nằm trên đường Phạm Hùng - Ảnh: HỒNG QUANG
Tổ hợp thương mại nằm trên đường Võ Chí Công với vốn đầu tư trên 600 triệu USD từ tập đoàn Hàn Quốc. Tổ hợp này bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao, căn hộ dịch vụ cao cấp và văn phòng hạng A. Trong đó, trung tâm thương mại thuộc hàng lớn nhất Việt Nam với diện tích sàn 222.000m2 - Ảnh: HỒNG QUANG
Những năm qua, Hà Nội cũng chứng kiến sự phát triển của các đại đô thị với quy mô lớn với hạ tầng, đường sá hoàn chỉnh. Những đô thị này tạo nên một không gian hiện đại, bài bản, đồng thời đáp ứng nhu cầu nhà ở cho hàng trăm nghìn người - Ảnh: HỒNG QUANG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận