Tác phẩm Hà Nội giải phóng của Trịnh Thiệp
Những bức tranh đủ chất liệu từ sơn mài, sơn dầu, bột màu, khắc gỗ… vẽ về Hà Nội những ngày tiêu thổ kháng chiến, ngày "lớp lớp đoàn quân kéo về" hay những ngày thanh bình, tươi đẹp sau đó của họa sĩ nhiều thế hệ từ họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương tới các họa sĩ khóa Kháng chiến đang được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam triển lãm online trên website của bảo tàng (vnfam.vn) và trên trang Facebook Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Với tên gọi Ký ức Hà Nội, triển lãm được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày giải phóng thủ đô Hà Nội (10-10-1954 - 10-10-2021), với 25 bức tranh được lựa chọn trong bộ sưu tập của bảo tàng.
Xuân hồ Gươm của Nguyễn Tư Nghiêm
Nếu như các tác phẩm Thủ đô kháng chiến của Nguyễn Quang Phòng, Chiến lũy của Lê Anh Vân, Kháng chiến của Lê Quốc Lộc… gợi nhớ đến những ngày tháng anh hùng của quân dân Hà Nội "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", thì Hà Nội đêm giải phóng của Lê Thanh Đức, Phố Hàng Đường của Trịnh Hữu Ngọc, Niềm vui giải phóng của Trần Khánh Chương… lại đem đến cảm xúc trào dâng khi được hòa vào không khí rực rỡ cờ hoa đón chào đoàn quân chiến thắng trở về, đem theo bao hy vọng tràn trề về "cả cuộc đời tươi vui từ đây".
Đó là "cuộc đời tươi vui" của những cô gái tha thướt áo dài đi chơi hồ Gươm, đạp xe trên phố, hay ngồi đan len bên cổng làng, ngồi vẽ tranh trong công viên, những bà những mẹ tảo tần những phiên chợ vui… trong Xuân hồ Gươm của Nguyễn Tư Nghiêm, Đan len của Trần Văn Cẩn, Trong lò than Nhà máy điện Yên Phụ của Trần Đình Thọ, Hòa bình lập lại của Nguyễn Tiến Chung…
Có thể thấy rõ nét hào hoa, thanh lịch và vẻ đẹp lao động của người Tràng An trong một thời đại mới, thời đại của độc lập, hòa bình đi vào sáng tác của nhiều họa sĩ tài danh. Chắc chắn nhiều người sẽ xúc động khi được gặp một Hà Nội duyên dáng, thơ mộng, thanh bình của một thời chưa xa nhưng đã hầu như biến mất.
Một số tác phẩm tại triển lãm:
Đan len của Trần Văn Cẩn
Thăm Văn Miếu của Bùi Xuân Phái
Chợ Kim Liên của Nguyễn Phan Chánh
Phố Hàng Đường của Trịnh Hữu Ngọc
Hà Nội đêm giải phóng của Lê Thanh Đức
Hòa bình lập lại của Nguyễn Tiến Chung
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận