17/12/2024 11:14 GMT+7

'Ngậm đắng nuốt cay' vì miếng mồi lãi cao đầu tư tài chính

Giá vàng lập kỷ lục rồi lao dốc, chứng khoán trong nước ảm đạm, một dòng tiền không nhỏ đang tìm đến các kênh đầu tư khác như chứng khoán quốc tế, Forex (ngoại hối), tiền ảo... để hi vọng thu được mức lãi cao.

'Ngậm đắng nuốt cay' vì miếng mồi lãi cao - Ảnh 1.

Nhiều hội nhóm "lấy lại tiền treo, tiền lừa đảo" tràn lan trên mạng xã hội - Ảnh: BÉ HIẾU

Tuy nhiên đây là những kênh đầu tư chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia cho biết những cam kết mức lãi cao không tưởng lên tới 30 - 50%/tháng là cách làm phổ biến, xưa cũ. Tuy nhiên nó vẫn lừa được nhiều nạn nhân vì "đánh" vào những điểm yếu "chết người": sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin và lòng tham của con người.

Khi ham lãi cao, làm giàu nhanh

"Xin chào anh chị, em là nhân viên công ty chứng khoán..." - đó là mẩu hội thoại ngắn gọn, quen thuộc nhưng như "tra tấn" nhiều người dân gần đây. Anh N.T.Tuyến - một người dân ở Hà Nội - còn nhận thấy các cuộc gọi chào mời đầu tư gần đây gia tăng mạnh.

Trước kia thường thấy những người này gọi vào giờ hành chính, nhưng bây giờ bất chấp sáng sớm hay nửa đêm anh cũng bị quấy rối.

Sau một thời gian cơ quan chức năng ra sức cảnh báo về nạn lừa đảo chứng khoán quốc tế, nhiều đối tượng chuyển sang xưng là nhân viên của các công ty chứng khoán trong nước để tạo sự tin tưởng. Cách thức quen thuộc là chủ động add Zalo, gửi bộ tài liệu đầu tư để các nhà đầu tư (NĐT) tham khảo.

"Dù giới thiệu đến từ đâu, cái kết cuối cùng là những người này sẽ chào mời tham gia các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế, ngoại hối, tiền ảo...", một độc giả phản ảnh tới Tuổi Trẻ. Đặc điểm chung là đều dẫn dụ các nhà đầu tư (NĐT) bằng "miếng mồi" lãi suất cao mà không phải ai cũng tỉnh táo để tránh xa.

Số lượng các NĐT tham gia đầu tư kênh đầu tư này không hề nhỏ. Nhìn quy mô đường dây lừa đảo chứng khoán, ngoại hối mà Mr. Pips Phó Đức Nam cầm đầu với số tài sản phong tỏa lên hơn 5.200 tỉ đồng cùng 2.661 bị hại, có thể thấy được những kênh đầu tư dù chưa được pháp luật Việt Nam công nhận này vẫn có sức hút với một bộ phận người Việt.

Tin tưởng có thể nhân đôi tài khoản nếu tham gia đầu tư và làm theo hướng dẫn của "môi giới", chị N.T.D. (48 tuổi, Thanh Oai, Hà Nội) đang trong những ngày bế tắc vì thua lỗ sạch vào chứng khoán quốc tế.

Cách đây hơn một tháng, do gửi tiết kiệm lãi suất thấp nên chị D. loay hoay tìm kênh đầu tư khác. "Đúng đợt này tôi nhận được cuộc điện thoại một người tự xưng là nhân viên công ty chứng khoán. Người này chủ động kết bạn trên Zalo và thêm tôi vào một nhóm chứng khoán online", chị D. kể.

Sau đó kẻ xấu hướng dẫn chị D. giao dịch nhiều lần với số tiền ít, có lãi và rút tiền được. Thấy kiếm tiền dễ dàng, chị D. ngày càng bỏ nhiều tiền hơn. Nhưng khi bỏ số tiền lên tới hàng trăm triệu, giao dịch bắt đầu thua lỗ, thậm chí "cháy" tài khoản.

"Không thể rút được tiền nữa, tài khoản bị kích hết ra khỏi các hội nhóm và bị họ chặn số, tôi tá hỏa mình bị lừa chứ không phải thua lỗ bình thường", NĐT này bàng hoàng kể lại.

Trình báo với công an, anh T. (Quảng Ninh) đã nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0918.8.., giới thiệu tên là Phương Linh làm tại sàn đầu tư quốc tế có tên K. và kêu gọi anh T. đầu tư, hứa hẹn mức lợi nhuận hấp dẫn.

Sau đó người này gửi cho anh T. nhiều tài liệu tham khảo, hướng dẫn đầu tư chứng khoán phái sinh.

Để lấy lòng tin của anh T., người tên Linh còn hẹn anh đến một địa chỉ tại Cầu Giấy, giới thiệu là văn phòng của công ty. Tại đây, Linh dùng số điện thoại và email cá nhân của anh T. để mở tài khoản trên trang web.

Sau đó Linh cùng một người khác đã mời gọi, dụ dỗ, hướng dẫn anh T. nhiều lần chuyển tiền để đầu tư với tổng số tiền 3,6 tỉ đồng. Đến khi anh T. không còn khả năng thu xếp tiền để tiếp tục chuyển theo yêu cầu thì họ cắt liên lạc, xóa tài khoản của anh trên trang web và chiếm đoạt toàn bộ số tiền anh T. đã chuyển để đầu tư.

Nhận diện chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một công ty chứng khoán có trụ sở ở Hà Nội cho biết thời gian qua khi lãi suất tiền gửi về rất thấp, giá vàng lập kỷ lục rồi lao dốc, chứng khoán trong nước ảm đạm, một dòng tiền không nhỏ đang "tủa" đi các nơi tìm kiếm kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và công nghệ cao, các sàn giao dịch lừa đảo dễ dàng hoạt động và tìm kiếm "con mồi" hơn.

Còn theo ông Tạ Thanh Tùng - chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân của Công ty CP tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT, nhiều NĐT có kiến thức về tài chính hạn chế nhưng mong muốn mức lãi suất vượt trội. Đó là nguyên nhân quan trọng khiến nhiều NĐT "sa" vào bẫy của đối tượng lừa đảo.

"Nhiều NĐT nói muốn đầu tư vào các cổ phiếu như Facebook, Apple, Pepsi, Microsoft... vì thấy tin tưởng và an toàn. Trong khi đó, các đối tượng lừa đảo lại cung cấp các kịch bản chi tiết và sự hướng dẫn trực tiếp nhằm thuyết phục khách hàng tham gia đầu tư.

Cộng thêm hiệu ứng khoe giàu, khoe lợi nhuận vài trăm phần trăm đã đánh vào lòng tham của nhiều người", ông Tùng nói.

Cũng theo ông Tùng, NĐT ở Việt Nam không thể tự mở tài khoản và mua bán trực tiếp các cổ phiếu ở Mỹ, do vậy giao dịch chủ yếu diễn ra qua các phần mềm do công ty trung gian cung cấp; NĐT không kiểm soát được dòng tiền của mình thực sự dùng vào việc gì, các lệnh mua bán có bị can thiệp không.

Nhiều vụ việc vỡ lở gần đây cho thấy nếu khách hàng muốn thắng hoặc được trúng, các đối tượng hoàn toàn có thể xóa lệnh hoặc điều chỉnh giao dịch. Chưa kể không ít công ty hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền người sau trả cho người trước, lợi nhuận "ảo".

Còn với các sàn ngoại hối, ông Tùng cho biết nhiều NĐT có thể tự mở tài khoản và giao dịch thật, hưởng lợi nhuận hoặc thua lỗ thực.

Tuy nhiên việc đầu tư này cũng đối mặt với rủi ro, nếu sàn đó phá sản hoặc gặp trục trặc nào thì việc đòi lại quyền lợi là rất khó khi cách trở địa lý, chủ yếu giao dịch qua mạng.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép bất kỳ sàn giao dịch ngoại hối nào tại Việt Nam. Do vậy kênh đầu tư này cũng không được pháp luật công nhận và bảo vệ.

Những cá nhân nào tham gia đầu tư vào các sàn này còn là hình thức tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật của các sàn này, theo ông Tùng.

Hãy tự hỏi "vì sao lãi vậy lại mời tôi?"

Ông Trương Hiền Phương - giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam - cho biết lừa đảo chứng khoán quốc tế, Forex, tiền ảo có nhiều hình thức nhưng chung quy vẫn "đánh" vào lòng tham và sự nhẹ dạ cả tin của NĐT.

"Nhìn những hình ảnh siêu xe, tiền USD, vàng "ngập" trang mạng của Mr. Pips, rất nhiều người bị ngợp", ông Phương nói.

Để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, ông Phương cho rằng quan trọng nhất vẫn là sự tỉnh táo và cẩn trọng của chính NĐT.

"NĐT cần đặt câu hỏi tại sao tiền dễ kiếm như vậy. Cái gì nghiêm túc, đàng hoàng đều rất khó để làm giàu. Khi đứng trước cơ hội làm giàu dễ dàng, hãy tỉnh táo tự hỏi có gì bất bình thường không, cơ sở nào để kiếm nhiều tiền vậy và vì sao lãi vậy lại mời tôi?", ông Phương nói.

'Ngậm đắng nuốt cay' vì miếng mồi lãi cao - Ảnh 2.Vụ 'Mr Pips' Phó Đức Nam: Tạm dừng giao dịch 11 căn hộ tại tòa nhà Masteri Thảo Điền

Liên quan vụ án TikToker “Mr Pips” Phó Đức Nam, Công an quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) vừa có văn bản đề nghị Sở Tư pháp TP.HCM tạm ngưng giao dịch đối với 11 căn hộ ở tòa nhà Masteri Thảo Điền (phường Thảo Điền, TP Thủ Đức) để phục vụ việc điều tra.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp