Sau 10 năm thi công và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, mới đây Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã đề xuất Cục Đường bộ Việt Nam về việc phê duyệt phương án tổ chức giao thông, để khai thác tạm hai đoạn thuộc cao tốc Bến Lức - Long Thành trong tháng 11-2024.
Flycam các đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành, sẽ khai thác tạm vào tháng 11 - Video: LÊ PHAN - CHÂU TUẤN
Các đoạn cao tốc đầu tiên sắp được đưa vào khai thác gồm:
- Đoạn từ nút giao cao tốc TP.HCM - Trung Lương (Long An) đến quốc lộ 1 (TP.HCM) dài 3,4km.
- Đoạn từ nút giao Phước An đến nút giao quốc lộ 51 (Đồng Nai) dài 6,1km.
Trong khi đó, đoạn dài 18,8km từ quốc lộ 1 đến nút giao Nguyễn Văn Tạo (TP.HCM) dự kiến đi vào hoạt động vào quý 1-2025.
Việc đưa hai đoạn cao tốc đã hoàn thành vào khai thác là cột mốc quan trọng cho dự án trọng điểm này. Đây là dự án nối các tỉnh miền Đông Nam Bộ với miền Tây.
Đây cũng là "điểm đứt" duy nhất giúp cao tốc Bắc - Nam liền mạch từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Cần Thơ.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành (nối với nút giao Mỹ Yên) đã dần hoàn thiện với mặt đường phẳng mịn. Bên cạnh đó, những bảng chỉ dẫn giao thông mới sơn và các hạng mục hạ tầng phụ trợ như cầu vượt, lan can an toàn, đèn đường đang được xây dựng khẩn trương, có thể thông xe vào tháng 11 này.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công năm 2014 và phải tạm dừng vào năm 2019 do thay đổi về chính sách, đến giữa năm 2023 mới tái khởi động.
Với tổng chiều dài 57,1km, cao tốc Bến Lức - Long Thành có vai trò quan trọng trong việc kết nối các tỉnh thành Long An, TP.HCM và Đồng Nai, tạo ra mạng lưới giao thông liên vùng hiện đại.
Sự "ra đời" của tuyến cao tốc này cũng là bước tiến quan trọng trong việc phát triển đường sá, kết nối các khu công nghiệp và khu đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho nhiều tỉnh thành.
Diện mạo cao tốc Bến Lức - Long Thành hiện tại:
Hiện nay, chỉ còn một đoạn dài khoảng 300m (cũng là đoạn cuối cùng) tại nút giao Mỹ Yên nối cao tốc Bến Lức - Long Thành và TP.HCM - Trung Lương chưa trải nhựa thông suốt - Ảnh: CHÂU TUẤN
Theo hướng trạm thu phí về quốc lộ 1, hạ tầng cao tốc cũng đã cơ bản hoàn thiện, khang trang - Ảnh: LÊ PHAN
Sau khi đưa vào khai thác tạm, đoạn cao tốc này sẽ nối quốc lộ 1 và cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Ảnh: CHÂU TUẤN
Khai thác sớm hai đoạn để giảm kẹt xe
Đối với đoạn 3,4km sắp thông, xe đi cao tốc TP.HCM - Trung Lương (từ miền Tây lên TP.HCM) có thể rẽ nhánh vào cao tốc Bến Lức - Long Thành (tại nút giao Mỹ Yên) rồi ra quốc lộ 1, thay vì chạy thẳng về hướng đường dẫn cao tốc (ra nút giao Bình Thuận) thường xuyên bị kẹt xe.
Ngược lại, từ quốc lộ 1 theo cao tốc Bến Lức - Long Thành đến nút giao Mỹ Yên, xe có thể lên cao tốc này đi về miền Tây hoặc rẽ về Bình Chánh.
Với đoạn 6,1km, các xe đi trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, muốn "né" điểm ùn ứ thường xuyên ở nút giao quốc lộ 51 thì rẽ vào đường 319 lên cao tốc Bến Lức - Long Thành, rồi chạy ra lại nút giao quốc lộ 51 (đoạn gần giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Ngoài ra, xe từ TP.HCM về Bà Rịa - Vũng Tàu qua phà Cát Lái có thể vào các tuyến đường trong tỉnh Đồng Nai rồi đến nút giao đường vào cảng Phước An, sau đó lên cao tốc Bến Lức - Long Thành hướng ra quốc lộ 51.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận