Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết trên thực tế không tồn tại quy chuẩn quy định cả nam giới lẫn nữ giới cần quan hệ như thế nào là đủ, do chuyện này còn phụ thuộc vào điều kiện của từng cặp đôi, ví dụ như tâm trạng, tuổi tác, nhu cầu tình dục của mỗi người.
Theo diễn biến sinh lý bình thường thì một người phụ nữ khỏe mạnh trong độ tuổi từ 20 - 30 là thời điểm nhu cầu tình yêu tình dục cao nhất.
Sau độ tuổi này khao khát tình dục sẽ giảm dần, mặc dù không có giới hạn cụ thể nhưng nhìn chung để đảm bảo sự cân bằng chức năng sinh lý và tâm lý diễn ra bình thường thì mỗi người nên áp dụng những lưu ý sau:
Nữ giới từ 20 - 30 tuổi nên quan hệ từ 2 - 3 lần/tuần;
Phụ nữ trong độ tuổi từ 31 - 40 thì có thể là 1 - 2 lần/tuần;
Ngoài 50 tuổi thì phụ nữ có thể duy trì tần suất cách 1 tuần quan hệ 1 lần, thói quen này thường sẽ có xu hướng giảm dần cho tới khi hết hẳn ham muốn tình dục.
Nói chung, các cặp đôi nên quan hệ tình dục với tần suất trung bình từ 1 - 2 lần/tuần.
Theo bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, tình trạng khô rát khi còn trong độ tuổi còn "sung sức" thực chất là hiện tượng bất thường về tiết chất nhờn ở phụ nữ.
Khi phụ nữ không tiết chất nhờn ở âm đạo cũng giống như nam nhân không cương cứng dương vật. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng trước hết là do người phụ nữ ít nhiều không có cảm hứng với bạn tình hoặc hoàn cảnh xung quanh thiếu thuận lợi.
Sự ham muốn và khoái cảm tình dục suy giảm thì tất yếu tình trạng bài tiết chất nhờn ở âm đạo cũng bị rối loạn. Một số phụ nữ vì sợ đau, sợ có thai, bị tổn thương, không được tôn trọng mà lượng chất nhờn tiết ra bị suy giảm.
Người phụ nữ vào thời kỳ mãn kinh nếu không được điều trị nội tiết thay thế hay những người bị viêm âm đạo, bị tổn thương tuyến tiết nhờn quan trọng (tuyến Bartholin) do nhiều nguyên nhân khác nhau cũng dẫn đến tình trạng khô rát âm đạo.
Hậu quả cuối cùng gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng sinh hoạt tình dục, giao hợp khó khăn do đau, do giảm sút ham muốn và khoái cảm.
Trong y học cổ truyền, hiện tượng khô âm đạo được gọi là chứng "Âm khô" hoặc "Âm đạo can táo", có liên quan mật thiết với sự rối loạn công năng của ba tạng là can, thận và tỳ, khiến cho âm đạo không được thận tinh, khí huyết và tân dịch nuôi dưỡng đầy đủ nên kém nhu nhuận mà phát sinh thành bệnh.
Về trị liệu, ngoài việc chú trọng tạo ra một đời sống tình cảm vợ chồng hòa hợp mà cổ nhân gọi là "tâm bình khí hòa" thì người phụ nữ cần phải dùng thêm thuốc, theo quan điểm "biện chứng luận trị", nghĩa là phải căn cứ vào các chứng trạng hiện có mà lựa chọn bài thuốc và vị thuốc cho phù hợp.
Tốt nhất khi thấy có biểu hiện "bất thường", người bệnh nên đi khám. Trong đông y, dựa vào chứng trạng cụ thể của người bệnh mà có các bài thuốc sử dụng khác nhau.
Ngoài ra, người bệnh có thể kết hợp dùng các món ăn - bài thuốc và ngâm rửa âm bộ bằng dịch thuốc để cải thiện tình hình.
Món ăn - bài thuốc đơn giản nhất nên dùng là: long nhãn 100g, vừng đen 40g, tang thầm (quả dâu chín) 50g, ngọc trúc 30g, mạch môn 30g, sắc kỹ 3 lần lấy 3 nước rồi hòa lẫn vào nhau, tiếp tục cô đặc bằng lửa nhỏ, khi được cho thêm mật ong với tỉ lệ 1:1, đun sôi, để thật nguội rồi đựng vào lọ kín để dùng dần.
Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 - 2 thìa với nước ấm.
Thuốc ngâm rửa gồm: hà thủ ô 30g, sinh địa 30g, huyền sâm 30g, thiên môn 30g, bạch tiên bì 30g, sắc kỹ lấy nước bỏ bã rồi đem ngâm rửa âm bộ từ 10 - 15 phút, mỗi ngày 1 lần.
Ngoài ra, còn điều cốt yếu nữa để cải thiện tình hình là vai trò của nam giới trong việc nắm và thực hành thật tốt nghệ thuật khơi dậy tâm lý "phòng trung" cho nữ giới.
Nam nhân phải coi "nữ nhân như ngoã thạch", ý muốn nói phải nhẹ nhàng nương tay, đừng mạnh bạo quá mà làm "gạch tan ngói vỡ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận