Trung Quốc bỏ xa Nga trong chuyện tạo dựng ảnh hưởng kinh tế ở Bình Nhưỡng. Trong ảnh là các bảng hiệu ghi đầy tiếng Hoa và tiếng Triều Tiên ở thành phố biên giới Diên Cát (tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc) - trung tâm thương mại và vận chuyển Trung - Triều dù bảng đá ghi tên công viên có tiếng Nga - Ảnh: AFP
Hôm 20-3 vừa qua, một phái đoàn chính phủ Nga do Bộ trưởng Bộ Phát triển Viễn Đông Nga Alexander Galushka dẫn đầu đã đến Bình Nhưỡng và có cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban kế hoạch hóa nhà nước Triều Tiên Ro Tu Chol.
Theo các thông tin được công bố sau đó, trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày này, hai bên đã nhất trí kế hoạch xây dựng một cây cầu mới bắc qua con sông Đồ Môn nằm giữa biên giới Nga - Triều.
Chỉ một chưa đủ!
"Hiện có 23 trạm kiểm soát ôtô nằm giữa CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc, nhưng lại không có một trạm kiểm soát nào như vậy với Nga" - ông Ro ngỏ ý muốn tăng cường hợp tác với Nga.
Theo vị quan chức Triều Tiên, hiện nay, khi nhập hàng hóa từ vùng Viễn Đông vào Triều Tiên, chúng không đi trực tiếp từ đoạn biên giới Nga - Triều, mà là phải thông qua cửa ngõ Trung Quốc. "Điều này khiến tuyến đường vận chuyển dài cực kỳ" - ông Ro lý giải.
Trong khi đó, phía Nga cũng cho thấy sự hào hứng đối với dự án này. Ông Galushka cho biết chính phủ Nga đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải nước này xem xét việc xây dựng cây cầu mới. Matxcơva cũng đã lập ra một đội phác thảo kế hoạch xây dựng cây cầu.
Cũng theo vị quan chức Nga, trước hết, hai nước cần lắp cầu phao tạm thời qua con sông Đồ Môn. Phía Nga còn yêu cầu ông Ro chỉ đạo các bộ ngành liên quan của Triều Tiên lập ra đội thi công với ngày bắt đầu "sớm nhất có thể".
Bộ trưởng Bộ Phát triển Viễn Đông Nga Alexander Galushka (thứ 2 từ phải sang) trong cuộc gặp với các quan chức Triều Tiên ở Bình Nhưỡng đầu tuần qua - Ảnh: REUTERS
Hôm 20-3, Giám đốc cơ quan châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Nga Andrei Kulik cho biết Matxcơva sẵn sàng tổ chức đối thoại với Triều Tiên và các bên liên quan nhằm hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. "Một điều kiện hợp tác có lợi chính giữa Nga và Triều Tiên là sự ổn định của tình hình chính trị trên bán đảo Triều Tiên", ông Kulik nhấn mạnh.
Dù chưa biết cuộc gặp Kim - Trump có thành công hay không, Nga vẫn đặt niềm tin và tăng cường hợp tác với các bên. Nếu cuộc gặp thất bại, Nga có thể sẽ tìm con đường khác, chẳng hạn hợp tác với Trung Quốc để tạo ra một khuôn khổ đa phương mới nhắm giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Kế hoạch xây dựng cầu mới bắc qua biên giới Nga - Triều đã được hai nước thảo luận trong vài năm qua, nhưng chỉ là đề xuất lắp cầu phao. Hồi tháng 10-2015, Bộ Phát triển Viễn Đông Nga cho biết Matxcơva và Bình Nhưỡng đã ký một thỏa thuận xây dựng một cây cầu phao bắc qua biên giới hai nước.
Đến tháng 9-2016, chính quyền vùng Primorsky Krai của Nga khẳng định Matxcơva và Bình Nhưỡng sẽ thúc đây kế hoạch xây dựng cầu phao trên "bất chấp các lệnh trừng phạt".
Ông Anthony V. Rinna - một nhà phân tích chính sách ngoại giao Nga ở Đông Á, nhận định việc xây dựng cây cầu lưu thông xe ô tô trên có thể giúp giảm bớt các vấn đề không đoán trước, chẳng hạn các sự cố kỹ thuật hay hậu cần đối cây cầu đường sắt duy nhất hiện kết nối Triều Tiên với Nga và giúp đa dạng hóa nền thương mại của Bình Nhưỡng.
Nga chuẩn bị trước?
Triều Tiên hiện có biên giới với 3 nước là Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga. Đoạn biên giới Nga - Triều dài chỉ 18 km trong khi biên giới Trung - Triều dài hơn 1.400 km.
Hiện chỉ có duy nhất một cây cầu kết nối Triều Tiên và Nga, đó là Cầu hữu nghị Nga - Triều. Cây cầu đường sắt này đi vào hoạt động vào năm 1959, tạo ra sự liên kết khá cơ bản giữa hai nước, giúp vận chuyển các hàng hóa như than đá.
Như Chủ tịch Ủy ban kế hoạch hóa nhà nước Triều Tiên Ro Tu Chol lý giải, cây cầu sẽ giúp số hàng hóa trao đổi giữa hai nước tránh phải đi lòng vòng thông qua cửa ngõ Trung Quốc. Đồng thời, sẽ tránh phải mất thời gian thông qua vận chuyển đường biển.
Cầu hữu nghị Nga - Triều, nơi kết nối duy nhất giữa đoạn biên giới dài 18 km giữa hai nước - Ảnh: AFP
Ông Benjamin Katzeff Silberstein đến từ Viện nghiên cứu chính sách ngoại giao (FPRI, Mỹ) nhận định hơn cả giá trị kinh tế đem lại, cây cầu được đề xuất xây dựng mang giá trị biểu tượng đáng kể. Nó cho thấy hai nước sẽ tăng cường hợp tác về dài hạn.
Nga và Triều Tiên từng có lịch sử trao đổi thương mại rất đáng chú ý. Trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, Liên Xô là đồng minh tài chính quan trọng nhất của Triều Tiên, chiếm một nửa kim ngạch thương mại với nước ngoài của Triều Tiên trong thập niên 1970 và 1980.
Tuy nhiên, sau Chiến tranh lạnh, trao đổi thương mại giữa hai bên giảm đi. Quan hệ hai nước có cải thiện đôi chút sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin lên nắm quyền nước Nga, đặc biệt có thể thấy rõ thông qua chuyến thăm Bình Nhưỡng của nhà lãnh đạo Nga hồi năm 2000.
Dẫu vậy, Nga đã "thua" Trung Quốc đáng kể trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở Triều Tiên. Năm 2013, Nga chiếm chỉ 1% trong kim ngạch thương mại với nước ngoài của Triều Tiên.
Không chỉ giới hạn về mặt địa lý, Nga cũng chịu áp lực đáng kể khi muốn tăng cường ảnh hưởng của mình tại Triều Tiên. Việc Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Triều Tiên đã khiến Matxcơva khó tiếp cận Bình Nhưỡng hơn. Ngay cả tàu Trung Quốc cũng nhiều lần bị tố tiếp dầu trên biển cho tàu Triều Tiên.
Mặc dù kế hoạch xây cây cầu cho lưu thông xe hơi chỉ ở giai đoạn sơ bộ, đây được xem là một bước đi đúng lúc của Matxcơva giữa bối cảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến có cuộc gặp vào tháng 5 tới.
Rõ ràng, nếu Triều Tiên tiếp tục có các bước đi hòa giải, chịu hợp tác đến cùng với Hàn Quốc và Mỹ để giải quyết vấn đề hạt nhân, Bình Nhưỡng sẽ nhanh thoát khỏi vòng vây trừng phạt quốc tế. Nó cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội để Nga tăng cường hợp tác và ảnh hưởng ở Triều Tiên.
Ông Artyom Lukin - giáo sư về chính trị quốc tế tại Đại học liên bang Viễn Đông ở Vladivostok (Nga) - nhận định với việc xây dựng cây cầu mới, Triều Tiên sẽ mong muốn Nga rót tiền nhiều đầu tư hơn. Tuy nhiên, đổi lại, Nga sẽ thu được nhiều lợi từ thương mại cho tới du lịch. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Nga đẩy mạnh liên kết về phía nam, kết nối với nền kinh tế giàu mạnh của Hàn Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận