Lao động Triều Tiên tại thành phố Hồn Xuân, tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc) năm 2017 - Ảnh: AFP
Đây là thông tin xuất hiện trong báo cáo dài vỏn vẹn một trang chưa được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc công bố nhưng Hãng tin Reuters đã có được ngày 26-3.
Số liệu được Nga và Trung Quốc đệ trình lên một ủy ban giám sát các lệnh trừng phạt Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc.
Trong báo cáo, Nga cho biết tính đến hết năm 2018 "số người Triều Tiên có giấy phép làm việc hợp pháp tại Liên bang Nga đã giảm từ 30.023 xuống còn 11.490 người".
Trung Quốc, quốc gia gần gũi nhất với Triều Tiên về thương mại, cũng cho biết đã hồi hương "một nửa trong tổng số những công dân Triều Tiên có thu nhập" ở nước này song lại không nói rõ bao nhiêu.
"Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ quốc tế của mình, thực hiện công tác hồi hương một cách có trật tự và hoàn thành việc hồi hương đúng hạn" - phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc khẳng định trong báo cáo, nhưng đồng thời nói thêm rằng họ không muốn báo cáo được công khai.
Các lao động Triều Tiên tại một nhà máy chế biến thủy sản ở tỉnh Cát Lâm năm 2017. Họ được phân biệt với lao động Trung Quốc bằng bộ đồ bảo hộ màu xanh dương - Ảnh: AFP
Năm 2015, Marzuki Darusman, một nhà điều tra nhân quyền của Mỹ, cho biết lao động Triều Tiên ở nước ngoài làm việc chủ yếu trong ngành khai thác mỏ, khai thác gỗ, dệt may và xây dựng.
Các báo cáo do Nga và Trung Quốc đệ trình lên ủy ban giám sát trừng phạt không nêu rõ các ngành công nghiệp đã sử dụng lao động Triều Tiên.
Hội đồng Bảo an LHQ đã kiên quyết tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên kể từ năm 2006 trong nỗ lực bóp nghẹt tài chính cho các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tin rằng lượng kiều hối từ lao động nước ngoài có thể giúp Bình Nhưỡng kiếm thêm ít nhất 500 triệu USD mỗi năm cho chương trình vũ khí, Mỹ đã thúc đẩy Hội đồng Bảo an ra nghị quyết cấm các nước tiếp nhận hoặc gia hạn thị thực cho lao động Triều Tiên.
Nghị quyết trừng phạt số 2375 đã được thông qua với sự đồng thuận của Nga và Trung Quốc vào tháng 9-2017.
Chính quyền Triều Tiên khẳng định những công dân của họ đã làm việc hợp pháp ở nước ngoài và không bị ngược đãi hay ép buộc phải đi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận