21/01/2018 19:08 GMT+7

Nga, Trung nhảy dựng với chiến lược quốc phòng của Mỹ

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Sau khi Matxcơva chỉ trích những hành xử của Mỹ trên phương diện ngoại giao, đến lược Bắc Kinh tố cáo tư duy chiến tranh lạnh của Washington qua Chiến lược Quốc phòng vừa công bố.

Nga, Trung nhảy dựng với chiến lược quốc phòng của Mỹ - Ảnh 1.

Binh sĩ Trung Quốc tập luyện trong trời tuyết - Ảnh: REUTERS

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, ông Nhậm Quốc Cường (Ren Guoqiang) - người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng việc Mỹ nói đến "mối đe dọa quân sự Trung Quốc" trong Chiến lược Quốc phòng 2018 là bằng chứng của tư duy Chiến tranh lạnh.

Tuyên bố này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đưa ra trong bài phát biểu ngày 19-1. Theo đó, quân đội Mỹ cần giành được những lợi thế chiến lược trước Nga và Trung Quốc và ưu tiên việc sẵn sàng cho chiến tranh.

Bộ trưởng Mattis cho rằng để ngăn ngừa chiến tranh thì cách tốt nhất là chuẩn bị để giành chiến thắng. Điều này đòi hỏi cách tiếp cận ganh đua để phát triển sức mạnh và đầu tư lâu dài để khôi phục khả năng sẵn sàng ứng phó và chặn đứng thế lực nguy hiểm.

Người phát ngôn Nhậm Quốc Cường chỉ trích chiến lược quốc phòng của Mỹ đầy rẫy "những thông tin sai lệch về một cuộc chơi đối đầu mà ai cũng thiệt hại".

"Trung Quốc vẫn thường xuyên theo đuổi con đường phát triển hòa bình và thực thi những chính sách quốc phòng phòng vệ", ông Nhậm tuyên bố, và nhấn mạnh rằng Trung Quốc không hướng đến bành trướng quân sự hoặc tạo ảnh hưởng khu vực.

Theo ông, Bắc Kinh luôn thể hiện vai trò kiến tạo hòa bình, góp phần vào phát triển thế giới và gìn giữ trật tự thế giới (qua việc đóng góp vào hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ chẳng hạn…).

Thế nhưng trong nhận định của Mỹ, điều đó có đúng nhưng chưa đủ. Ông Elbridge Colby - Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách phát triển chiến lược và lực lượng, nhận định trong những năm qua, Trung Quốc và Nga đã không ngừng nỗ lực phát triển năng lực quân sự của mình. Do đó, chiến lược của ông Mattis nhằm giải quyết tình trạng suy yếu về lợi thế quân sự của Mỹ hiện nay.

Trong năm 2017, khi thế giới đang tập trung vào tình hình nóng bỏng ở Trung Đông, bán đảo Triều Tiên thì Trung Quốc tiếp tục lẳng lặng gia cố sức mạnh trên các đảo chiếm đóng và xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Nga, Trung nhảy dựng với chiến lược quốc phòng của Mỹ - Ảnh 2.

Việc Trung Quốc tăng tốc bồi đắp các thực thể chiếm đóng trái phép ở Biển Đông đã bị thế giới lên án nhiều năm qua - Ảnh: EPA

Điều này đã bị các chuyên gia lẫn lực lượng chuyên môn của Mỹ phát hiện và vạch trần. Dù không nói nhiều về chiến lược dành cho Biển Đông dưới năm đầu lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump nhưng các đội tàu Mỹ vẫn mạnh mẽ thể hiện quyền tự do đi lại trên biển trong năm rồi khi nhiều lần tiếp cận sát các đảo bị Bắc Kinh chiếm giữ và tôn tạo trái phép ở Biển Đông.

Vì thế, nhân dịp chỉ trích chiến lược quốc phòng của Mỹ, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc không quên biện hộ rằng "Bắc Kinh có quyền thực hiện các hoạt động xây dựng hòa bình và triển khai các cơ sở phòng thủ cần thiết trên các đảo và đá ở Biển Đông".

"Tuy vậy, hình như một số nước không muốn thấy hòa bình và ổn định ở Biển Đông và cố tình gia tang triển khai quân sự và gây sức ép quân sự theo cách lẳng lặng tạo ra cuộc chạy đua quân sự hóa trong khu vực", ông Nhậm chỉ trích.

Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ, công bố ngày 19-1, được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố Chiến lược an ninh quốc gia vảo tháng 12-2017, trong đó xác định Nga và Trung Quốc "là các đối thủ chính trị có ý đồ thách thức sức mạnh, an ninh và thịnh vượng của Mỹ".

Theo Nhà Trắng, chiến lược an ninh quốc gia mới phản ánh những ưu tiên trong chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Trump, đó là bảo vệ nước Mỹ và các đường biên giới, tái thiết quân đội, triển khai sức mạnh ra bên ngoài và theo đuổi các chính sách thương mại có lợi hơn cho Mỹ.

Trong quá trình tranh cử, ông Trump không ít lần chê bai khí tài của quân đội Mỹ cũng như việc tổ chức đã trở nên quá lỗi thời, cần cải tổ gấp.

Nga, Trung nhảy dựng với chiến lược quốc phòng của Mỹ - Ảnh 4.

Tàu khu trục USS Hopper của Mỹ - Ảnh: US Navy

Phát biểu này rõ ràng gắn với việc tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Hopper của Mỹ đã di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh bãi cạn Scarborough - khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông nhưng Bắc Kinh đơn phương tuyên bố có chủ quyền với toàn bộ khu vực này.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tàu chiến Mỹ xuất hiện gần bãi cạn Scarborough mà "không được sự cho phép" của chính phủ Trung Quốc.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Hopper của Mỹ đang tham gia vào các chiến dịch của Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ với nhiệm vụ "tăng cường hợp tác an ninh, xây dựng năng lực của (các quốc gia đối tác) và duy trì hiện diện thường xuyên trong khu vực".

Trong khi đó, trong cuộc họp báo diễn ra bên lề một phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ ngày 19-1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã chỉ trích một loạt động thái mới đây của chính quyền Mỹ trong lĩnh vực đối ngoại.

Ngoại trưởng Lavrov đã mô tả Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ là "mang tính đối đầu", sau khi Washington xác định Trung Quốc và Nga là những mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng. Ông phản bác những luận điểm của Mỹ cho rằng Trung Quốc và Nga đang phá hỏng những nỗ lực của quốc tế nhằm củng cố an ninh toàn cầu. 

Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, thay vì sử dụng cơ sở của luật pháp quốc tế, Washington trên thực tế lại tìm cách chứng tỏ vai trò lãnh đạo của mình thông qua những chiến lược và khái niệm đối đầu như vậy.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp