"Điều này nên được xem như một thông điệp nhất định", người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin nói hôm 26-9 khi được hỏi về những sửa đổi đối với học thuyết hạt nhân mà Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố trước đó.
"Đây là một thông điệp cảnh báo các quốc gia về hậu quả nếu họ tham gia vào một cuộc tấn công vào đất nước chúng tôi bằng nhiều phương tiện khác nhau, không nhất thiết là hạt nhân", Hãng tin TASS dẫn lời ông Peskov giải thích.
Trước đó, Tổng thống Putin đã công bố loạt đề xuất sửa đổi đối với học thuyết hạt nhân của nước này. Điểm cập nhật chính là mở rộng danh sách "những mối đe dọa quân sự" nằm trong phạm vi áp dụng chính sách răn đe hạt nhân của Nga.
Ông Putin nhấn mạnh Nga sẽ xem bất kỳ cuộc tấn công nào được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân là một cuộc tấn công liên minh vào Nga. Theo đó, Matxcơva sẽ xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân nếu phát hiện một cuộc tấn công lớn bằng tên lửa, máy bay hoặc drone nhằm vào Nga.
Các đề xuất hiện ở dạng dự thảo và cần được Tổng thống Putin thông qua trước khi có hiệu lực.
Quyết định thay đổi học thuyết hạt nhân chính thức của Nga được coi là câu trả lời của Điện Kremlin trước các cuộc thảo luận ở Mỹ và Anh về việc có nên cho phép Ukraine sử dụng tên lửa của phương Tây tấn công vào lãnh thổ Nga hay không.
Theo ông Peskov, những đề xuất sửa đổi này liên quan đến tình hình an ninh dọc biên giới đất nước, vì vậy cần điều chỉnh những nền tảng chính sách nhà nước liên quan đến vấn đề răn đe hạt nhân.
Nói về tuyên bố của ông Putin, ông Peskov cho biết ông chắc chắn rằng tất cả các nhà lãnh đạo và nhà phân tích đều hiểu được mức độ nghiêm trọng của cảnh báo này.
"Đặc biệt là khi nói đến một sự bế tắc chưa từng có như vậy do sự tham gia trực tiếp của các quốc gia phương Tây, gồm cả các cường quốc hạt nhân, vào cuộc xung đột về Ukraine", ông Peskov giải thích.
Trước đó, ông Putin đã cảnh báo các nước phương Tây rằng việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí có độ chính xác cao, do nước ngoài sản xuất để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga đồng nghĩa với việc trực tiếp tham gia vào các cuộc giao tranh.
Theo nhà lãnh đạo Nga, quân đội Ukraine không thể vận hành các loại vũ khí như vậy nếu không có sự hỗ trợ từ phương Tây.
Tuy nhiên, Nga cũng nhiều lần tuyên bố rằng nước này không bao giờ muốn chiến tranh hạt nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận