Vòng đàm phán đầu tiên giữa phái đoàn Mỹ (trái) và phái đoàn Nga về vấn đề Ukraine ngày 10-1 tại Geneva, Thụy Sĩ - Ảnh: ABC NEWS
Theo Hãng tin Reuters, một ngày sau khi Mỹ kêu gọi Nga rút khoảng 100.000 quân khỏi khu vực gần biên giới với Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga cho biết khoảng 3.000 quân nhân Nga đã bắt đầu huấn luyện chiến đấu, bao gồm các cuộc đánh trận giả tại 4 khu vực ở tây nam nước này.
Các cuộc tập trận cho thấy Điện Kremlin không có ý định xoa dịu tình hình vốn đang căng thẳng tại khu vực gần biên giới Ukraine - điều đã đưa Mỹ ngồi vào bàn đàm phán với Nga tại Geneva.
Bà Wendy Sherman - thứ trưởng ngoại giao Mỹ - đang dẫn đầu đoàn Mỹ tham gia cuộc đàm phán với đoàn Nga do Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov dẫn đầu tại Geneva, Thụy Sĩ. Ngày đàm phán đầu tiên 10-1 trôi qua mà không có đột phá nào.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết cuộc đàm phán ngày 10-1 diễn ra với tinh thần cởi mở và thực tế, song không có lý do nào khiến họ thật sự thấy lạc quan. Ông Peskov nói Nga muốn có kết quả nhanh chóng, và không hài lòng với việc kéo dài quá trình đàm phán này.
Phát ngôn viên Peskov cho biết tình hình sẽ rõ ràng hơn sau 2 vòng đàm phán nữa mà Nga tổ chức trong tuần này. Theo dự kiến, cuộc họp Hội đồng Nga - NATO sẽ diễn ra ngày 12-1 tại Brussels (Bỉ), còn ngày 13-1 sẽ diễn ra hội nghị của Hội đồng thường trực OSCE tại Vienna (Áo).
Về phía Mỹ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Victoria Nuland cho biết Mỹ "thất vọng khi nghe" Điện Kremlin không thấy lý do để lạc quan về cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ. Bà Nuland cho biết phía Washington muốn tiếp tục trao đổi mang tính "xây dựng".
Bà Nuland nói các cuộc tập trận bắn đạn thật của Nga "rõ ràng đi ngược lại xu hướng xuống thang căng thẳng" mà Mỹ muốn thấy.
Cũng trong ngày 11-1, theo Reuters, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Ukraine và Mỹ vẫn thống nhất làm dịu căng thẳng với Nga thông qua ngoại giao, và đang hợp tác chặt chẽ để ngăn sự xâm lược của Nga.
Thời gian qua, phương Tây và Ukraine cáo buộc Nga có ý định "xâm chiếm" Ukraine khi đưa quân đến gần biên giới với nước láng giềng. Matxcơva bác bỏ các cáo buộc, cho rằng động thái này nhằm phản ứng các hành động gây hấn và khiêu khích của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ngày 17-12, Nga đã đưa ra dự thảo các thỏa thuận về đảm bảo an ninh với NATO và Mỹ, trong đó bao gồm việc ngăn NATO mở rộng về phía đông, triển khai vũ khí gần biên giới Nga và kết nạp Ukraine.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận