Ngày 24-10, các nhà lập pháp Nga đã bỏ phiếu thông qua ngân sách liên bang cho giai đoạn 2025-2027, trong đó chi tiêu quốc phòng sẽ tăng gần 30% vào năm tới.
Theo Hãng tin TASS, tại phiên họp thứ nhất, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua dự thảo ngân sách 41.000 tỉ ruble (khoảng 428 tỉ USD) cho năm 2025, 44.000 tỉ ruble cho 2026 và 45.000 tỉ ruble cho năm 2027. Phiên họp thứ 2 dự kiến diễn ra vào ngày 14-11.
GDP của Nga dự kiến đạt 214.000 tỉ ruble vào năm 2025 (tăng 2,5%), 230.000 tỉ ruble vào năm 2026 (tăng 2,6%) và 248.000 tỉ ruble vào năm 2027 (tăng 2,8%).
Như vậy, ngân sách mới sẽ đưa chi tiêu quốc phòng lên 13.500 tỉ ruble (145 tỉ USD) vào năm 2025, nhiều hơn cả chi cho phúc lợi và giáo dục cộng lại. Con số này chưa bao gồm các nguồn lực khác, như chi tiêu cho an ninh nội địa.
Nga đã tăng chi tiêu quân sự lên mức chưa từng thấy kể từ thời Liên Xô, sản xuất tên lửa và máy bay không người lái phục vụ cuộc chiến ở Ukraine và trả lương cho binh lính.
Con số đó không bao gồm một số nguồn lực khác được chuyển hướng cho chiến dịch quân sự, chẳng hạn như chi tiêu mà Nga gọi là "an ninh trong nước" và một số khoản chi được phân loại là tuyệt mật.
Tổng cộng, chi tiêu cho quốc phòng và an ninh sẽ chiếm khoảng 40% tổng chi tiêu của Chính phủ Nga trong năm 2025.
Ở Ukraine, Nga vẫn đang tiếp tục cuộc chiến ở miền đông Ukraine, chiếm hàng chục thị trấn và làng mạc thời gian qua.
Ngày 24-10, trước cuộc gặp với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo những nỗ lực "ảo tưởng" nhằm đánh bại Nga trên chiến trường.
Nhà lãnh đạo Nga chỉ trích những bên chống đối Matxcơva "không che giấu mục đích đánh bại đất nước chúng ta một cách chiến lược". "Tôi sẽ nói thẳng rằng đây là những tính toán ảo tưởng, chỉ những người không biết lịch sử Nga mới có thể đưa ra như vậy", Hãng tin AFP dẫn lời ông Putin.
Có mặt tại Nga dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS, ông Guterres đã kêu gọi hòa bình cho Ukraine, Dải Gaza, Lebanon và Sudan. "Chúng ta cần hòa bình ở Ukraine. Một nền hòa bình công bằng phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc", ông nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận