Văn phòng Google tại Nga đã nộp đơn kiện Roskomnadzor vì yêu cầu công ty này xóa những nội dung bị chính quyền cho là bất hợp pháp - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, đây là động thái mới nhất của Matxcơva nhằm chống lại các tập đoàn công nghệ lớn của phương Tây. Trước Google, Roskomnadzor đã "trừng phạt" Twitter bằng cách hạn chế băng thông khiến việc truy cập mạng xã hội này bị chậm lại trên lãnh thổ Nga.
Cũng giống như Twitter, lý do được Roskomnadzor đưa ra là Google đã không xóa các nội dung "bất hợp pháp", trong đó có một số liên quan ma túy và bạo lực cực đoan.
Theo Roskomnadzor, hơn 26.000 yêu cầu xóa nội dung độc hại đã được gởi đến Google nhưng gã khổng lồ trong ngành công nghệ của Mỹ vẫn làm ngơ. Cơ quan này cũng cáo buộc Google cố tình hạn chế khả năng truy cập vào trang YouTube của một số báo đài Nga như RT, Sputnik...
"Sự kiểm duyệt đối với các phương tiện truyền thông Nga và sự ủng hộ có mục đích cho các hoạt động biểu tình bất hợp pháp thực sự nói lên màu sắc chính trị trong hoạt động của Google ở Nga", Roskomnadzor lập luận.
Cơ quan này kế đó cảnh báo Google sẽ bị phạt từ 800.000 rúp đến 4 triệu rúp (10.800 - 54.000 USD) nếu không hạn chế truy cập vào thông tin bị cấm.
Roskomnadzor khẳng định nhiều nội dung bất hợp pháp đã được phát tán trên YouTube, trong đó có một số video khuyến khích trẻ vị thành niên Nga xuống đường biểu tình.
Các clip này được đăng tải hồi tháng 1 năm nay, sau khi nhiều cuộc biểu tình nổ ra ở Nga để phản đối việc bắt giữ nhân vật đối lập Alexei Navalny. Trước khi bị bắt, Navalny và các cộng sự của ông sử dụng kênh YouTube có hơn 6,5 triệu người theo dõi để chỉ trích chính quyền và các quan chức Nga.
Theo Reuters, Roskomnadzor đưa ra thời hạn 24 tiếng để Google hoàn tất việc xóa hoặc hạn chế truy cập các nội dung "bất hợp pháp". Nếu tái phạm, Google Nga sẽ bị phạt tới 10% tổng doanh thu hằng năm của công ty.
Văn phòng Google tại Nga hồi tuần trước đã đệ đơn kháng cáo, sau khi một tòa án ở Matxcơva buộc công ty này phải mở lại trang YouTube của một doanh nhân Nga đang bị Mỹ trừng phạt. Tài liệu tòa án cũng cho thấy Google kiện Roskomnadzor vì yêu cầu công ty xóa các nội dung "bất hợp pháp".
YouTube ra đời năm 2005 và được Google mua lại một năm sau đó với giá 1,65 tỉ USD. Nền tảng chia sẻ video này được ví là con gà đẻ trứng vàng của Google, với doanh thu chủ yếu nhờ quảng cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận