Theo quy định, 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong đó có 5 thành viên thường trực (gồm Nga, Anh, Mỹ, Pháp, Trung Quốc), sẽ luân phiên đảm nhiệm ghế chủ tịch cơ quan này trong 1 tháng. Nga đảm nhận nhiệm vụ này chính thức từ ngày 1-4.
Mặc dù Ukraine kêu gọi các nước thành viên Hội đồng Bảo an ngăn chặn Nga đảm nhận ghế chủ tịch, nhưng chính Mỹ cũng thừa nhận điều đó là không thể.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho rằng Nga không nên là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
"Điều đó không nên xảy ra vì những gì họ đang làm ở Ukraine, nhưng Hiến chương Liên Hiệp Quốc lại không cho phép thay đổi tư cách thành viên thường trực của Nga", bà Thomas-Greenfield thừa nhận.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba gọi việc Nga đảm nhận chức chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào đúng ngày 1-4 là "trò đùa tồi tệ nhất trong ngày Cá tháng tư", và là "lời nhắc nhở rõ ràng rằng có điều gì đó không ổn trong cách thức vận hành của cấu trúc an ninh quốc tế".
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao thừa nhận việc Nga giữ chức chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là phù hợp với nghi thức, vì nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên theo thứ tự bảng chữ cái, theo Đài RTE (Ireland).
Vai trò chủ tịch nói trên chủ yếu mang tính thủ tục. Ngoài việc chủ trì các cuộc họp, chức chủ tịch không có thêm bất kỳ quyền hạn nào.
Tuy nhiên Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasily Nebenzia nói với Hãng tin Tass (Nga) rằng ông dự định giám sát một số cuộc tranh luận, trong đó có cuộc tranh luận về kiểm soát vũ khí.
Ông Nebenzia nói ông sẽ thảo luận về "trật tự thế giới mới" mà theo ông sẽ "thay thế trật tự thế giới đơn cực".
Trước đó, lần gần nhất Nga đảm nhận ghế chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào tháng 2-2022, cùng khoảng thời gian Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận