02/06/2024 18:38 GMT+7

Ngã ngửa vì cọc tiền mua đất liền kề lòi ra đất biệt thự

Thời gian gần đây khách hàng mua đất liền kề ngã ngửa vì biết những lô đất nộp tiền cọc từ nhiều năm trước vẫn đang được quy hoạch là đất biệt thự.

Những lô đất biệt thự nhiều năm không xây dựng đã được người dân tận dụng trồng rau - Ảnh: DANH KHANG

Những lô đất biệt thự nhiều năm không xây dựng đã được người dân tận dụng trồng rau - Ảnh: DANH KHANG

Gửi đơn đến báo Tuổi Trẻ, một số khách hàng phản ánh dù khoảng 200 lô đất vẫn đang được quy hoạch là đất biệt thự nhưng chủ đầu tư khu đô thị Thanh Hà (quận Hà Đông và huyện Thanh Oai, Hà Nội) là Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 quảng cáo, đưa ra bản đồ khu đất với khoảng 500 lô liền kề và đã thu tiền cọc 80 - 90% giá trị mỗi lô đất.

Tự chia nhỏ đất ở biệt thự thành các lô liền kề

Là một trong những khách hàng nộp tiền đặt cọc nhưng sau nhiều năm vẫn chưa được ký hợp đồng mua bán và chưa nhận được đất, ngày 2-6, trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Toàn (41 tuổi, quê huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) cho biết đã đặt cọc gần 1,4 tỉ đồng từ năm 2020 để mua lô đất 85,60m2, ký hiệu B2.1-LK04-50.

Ông Toàn cho hay trong tài liệu bán hàng của chủ đầu tư cung cấp cả hồ sơ, bản vẽ khu đất liền kề, trên phiếu thu cũng thể hiện nội dung nộp tiền lô đất liền kề và thực tế cũng đã có nhiều căn nhà liền kề được xây dựng nên người dân rất tin tưởng đăng ký nguyện vọng, ký thỏa thuận đặt cọc mua đất.

"Tuy nhiên, đến đầu năm 2024, gia đình có nhu cầu làm nhà, tôi tới đề nghị chủ đầu tư để khách hàng nộp nốt phần tiền còn lại, chuyển qua hợp đồng mua bán, hoàn thiện thủ tục thì nhận được câu trả lời là đất chưa được chuyển đổi quy hoạch", ông Toàn nói.

Ông Toàn cho biết thêm: "Người mua phải bỏ nhiều tỉ đồng để mua một lô đất nhưng đến nay không xây nhà được nên rất bức xúc vì lãi ngân hàng vẫn trả hàng tháng, trong khi phải đi thuê nhà…".

Sau khi nộp tiền cọc mua đất liền kề, nhiều hộ dân đã xây dựng nhà cửa - Ảnh: DANH KHANG

Sau khi nộp tiền cọc mua đất liền kề, nhiều hộ dân đã xây dựng nhà cửa - Ảnh: DANH KHANG

Bà Vũ Thị Thạch (64 tuổi, quê huyện Vụ Bản, Nam Định) cho biết để có số tiền hơn 1,4 tỉ đồng đặt cọc cho chủ đầu tư trong suốt hơn 3 năm (từ 2017 đến 2019) và tiền "lót tay" hơn 2 tỉ đồng ngoài thị trường, bà đã bán đất ở quê với mong muốn có chốn an cư gần con cháu nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

"Chủ đầu tư giới thiệu, nhận cọc, bán hàng công khai tại dự án, ở ngay trụ sở công ty nên ai cũng tin tưởng. Tôi ngã ngửa vì từ ngày biết lô đất liền kề đã cọc để mua không có trong quy hoạch. Suốt mấy tháng nay tôi không ăn ngủ được vì áp lực gia đình", bà Thạch nói.

Những người dân nộp tiền đặt cọc mua đất cho biết điều làm họ thất vọng lớn nhất có lẽ là thông tin phản hồi từ chủ đầu tư.

"Thấy khu đất này giới thiệu cạnh đảo ngọc, có hồ nước nên ai cũng mong mua được một lô để xây nhà. Để đủ tiền nộp cho chủ đầu tư và tiền chênh bên ngoài tôi phải tích cóp từ hàng chục năm trước, bán cả đám đất trong làng và tiền bồi thường từ thu hồi đất lúa. 

Thất vọng nhất là trả lời của chủ đầu tư chưa biết ngày nào mới được chuyển đổi quy hoạch từ đất biệt thự sang đất liền kề", bà N.T.H.Q. (49 tuổi, huyện Thanh Oai, Hà Nội) bức xúc.

"Chủ đầu tư nói chưa vi phạm nghĩa vụ gì, vậy những lô đất liền kề đang ở đâu?"

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ qua điện thoại, ông Lê Thanh Thản - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 - cáo bận và giao ông Nguyễn Xuân Bính (đại diện Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5) tiếp báo chí.

Trao đổi với phóng viên, ông Bính cho biết khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5 chia làm hai khu, A và B. Đây là khu đô thị hoàn vốn của dự án BT đường trục phía nam, được đầu tư theo quyết định của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) từ năm 2008.

Đến năm 2015, UBND TP Hà Nội điều chỉnh 1/500 khu đô thị này. Theo đó, có khu B2.1 và A3.1 quy hoạch là các ô đất biệt thự. Thời điểm này UBND TP Hà Nội tiếp tục mở rộng tuyến đường trục phía nam rộng từ 40m lên 60m, đất đối ứng bị thu hẹp lại nên nhà đầu tư đã xin điều chỉnh quy hoạch cục bộ.

Một góc khu đất quy hoạch đất biệt thự và đến nay chủ đầu tư vẫn chưa được UBND TP Hà Nội phê duyệt chuyển đổi quy hoạch sang đất liền kề - Ảnh: DANH KHANG

Một góc khu đất quy hoạch đất biệt thự và đến nay chủ đầu tư vẫn chưa được UBND TP Hà Nội phê duyệt chuyển đổi quy hoạch sang đất liền kề - Ảnh: DANH KHANG

Theo ông Bính, trong quy hoạch khu B2.1 và A3.1 có khoảng 200 ô biệt thự. 

"Phiếu thu tiền không thay thế cho hợp đồng mua bán. Khách hàng đã đặt cọc 80 - 90% giá trị của lô đất, trong thỏa thuận dân sự không quy định đặt cọc bao nhiêu. 

Về mặt giấy tờ đến thời điểm này công ty cũng chưa ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà mới ký thỏa thuận đặt cọc và không ràng buộc về thời hạn. Đối với công ty thì chưa vi phạm nghĩa vụ gì. Còn khách hàng bỏ ngang sẽ mất tiền cọc...", ông Bính nói.

Trao đổi với phóng viên sau phản hồi của đại diện chủ đầu tư, bà Trần Thị Xuân Hải (51 tuổi, quê Nam Định - khách hàng đã nộp cọc hơn 1,3 tỉ đồng để mua đất) cho biết trong tất cả các tài liệu bán hàng và thỏa thuận đặt cọc, chủ đầu tư không nhắc đến việc đang xin chuyển đổi quy hoạch để thông báo với khách hàng.

"Không chỉ vậy, chủ đầu tư còn cung cấp cả sơ đồ có đầy đủ thông tin, chỉ giới xây dựng và thông số quy hoạch như: vị trí, mật độ, số tầng, tổng chiều cao từng lô đất... cũng như phiếu thu ghi rõ là nộp tiền lô đất liền kề. Chủ đầu tư nói chưa vi phạm nghĩa vụ gì, vậy những lô đất liền kề đang ở đâu?".

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Mai Thảo (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: "Theo tôi, ở thời điểm này chủ đầu tư phải có trách nhiệm tìm cách tháo gỡ để thực hiện các nghĩa vụ tiếp theo đối với người dân. Và phải cam kết có thời hạn, đưa ra các giải pháp thay thế cho người dân để họ sớm có đất xây nhà vì đã chờ đợi lâu lắm rồi.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư cần phải tiếp tục kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước xem xét, trả lời dứt điểm xem những khu đất này có được điều chỉnh quy hoạch cục bộ, để hoàn thiện các thủ tục, cấp sổ đỏ hay không".

Ngày 3-5, Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội có kết luận số 190 về việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường trục phía nam theo hình thức đối tác công tư, loại hợp đồng BT.

Theo đó, Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên - Môi trường và UBND quận Hà Đông, UBND huyện Thanh Oai kiểm tra, rà soát, có biện pháp giải quyết dứt điểm các vi phạm trật tự xây dựng tại khu đô thị Thanh Hà A, Thanh Hà B.

Trên cơ sở đó xem xét đề xuất về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất ở theo quy định, đảm bảo quyền lợi của các hộ dân. Đồng thời đề xuất, báo cáo UBND TP Hà Nội các nội dung vượt thẩm quyền.

Trước đó, như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp thứ 2, HĐND TP Hà Nội khóa XVI ngày 12-11-2021, UBND TP Hà Nội cho biết đang tiếp tục đôn đốc Thanh tra TP, các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung xử lý dứt điểm các hạng mục vi phạm trật tự xây dựng tại khu đô thị Thanh Hà.

Các công trình vi phạm trật tự xây dựng tại khu A3.1 và B2.1 ngày 17-10-2019 UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 5798 đối với Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 do xây dựng sai quy hoạch được duyệt.

Với các công trình vi phạm còn lại, UBND quận Hà Đông và UBND huyện Thanh Oai sẽ tiếp tục rà soát hoàn thiện hồ sơ để xử lý vi phạm theo quy định. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động xây dựng của chủ đầu tư tại dự án nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời, không để vi phạm mới phát sinh.

Sắp hết thời mua bán nhà đất trên giấy, lũng đoạn giá?Sắp hết thời mua bán nhà đất trên giấy, lũng đoạn giá?

Sàn giao dịch nhà đất, quyền sử dụng đất sẽ giúp thông tin được niêm yết cụ thể với sự kiểm chứng chặt chẽ, đặc biệt là tính pháp lý và công khai giá khi mua bán nhà đất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp