Nữ quân nhân Nga tại cuộc diễu binh kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng phát xít - Ảnh: Reuters |
Theo RIA Novosti, không chỉ có đại diện các binh chủng của Nga cùng khí tài hiện đại, khoảng 200.000 người dân Nga cũng có mặt tại quảng trường Đỏ, mang theo chân dung của các người thân đã chiến đấu trong Thế chiến thứ hai.
Nga cảm ơn các đồng minh
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Tổng thống Nga Vladimir Putin tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong chiến tranh và trong các trại tập trung của Đức quốc xã. Ông khẳng định các cựu binh Hồng quân có mặt tại lễ diễu binh “là những người anh hùng”. “Hôm nay con cháu của các vị bày tỏ lòng biết ơn vì chiến thắng này, vì tương lai của đất nước” - ông Putin nhấn mạnh.
Tổng thống Nga cũng nói lời cảm ơn các nước đồng minh Anh, Pháp và Mỹ đã hỗ trợ Liên Xô giành chiến thắng trong cuộc chiến chống phát xít Đức. Tuy nhiên, ông Putin cũng cảnh báo về ý đồ “xây dựng thế giới đơn cực” trong các thập niên gần đây, một thông điệp được xem là nhắm tới Mỹ.
Hàng loạt nguyên thủ và lãnh đạo các nước phương Tây, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, đã tẩy chay sự kiện trên quảng trường Đỏ do xung đột với Nga về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trong danh sách các khách mời có mặt trên khán đài ở quảng trường Đỏ, bên cạnh ông Putin có Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee, Chủ tịch Cuba Raul Castro, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi...
Đội hình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars/SS-27 Mod 2 của Nga trong lễ diễu binh trên quảng trường Đỏ, thủ đô Matxcơva, Nga ngày 9-5 - Ảnh: Reuters |
Cảnh báo mưu toan viết lại lịch sử
Theo TTXVN, trả lời phỏng vấn truyền thông Nga, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định nhân dân toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, luôn ghi nhớ và biết ơn sự hi sinh anh dũng của hàng triệu chiến sĩ Hồng quân và người dân Liên Xô trong Thế chiến thứ hai. Thắng lợi của nhân dân Liên Xô đã mở ra con đường giải phóng các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Về nguy cơ viết lại lịch sử Thế chiến thứ hai, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định cần cảnh giác trước những mưu toan “viết lại lịch sử” cũng như khôi phục chủ nghĩa phát xít mới. Chủ tịch nước khẳng định không ai có thể phủ nhận những đóng góp mang tính quyết định của Hồng quân Xô viết và nhân dân Liên Xô.
Về quan hệ Việt Nam - Nga, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề xuất hai nước sớm ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Âu - Á trong năm 2015, tạo điều kiện để các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam và Nga mở rộng tiếp cận thị trường của nhau, hỗ trợ thành lập các trung tâm thương mại để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của Việt Nam và Nga đến người tiêu dùng của hai nước...
Về vấn đề biển Đông, Chủ tịch nước tuyên bố Việt Nam luôn đề cao tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông. Chủ tịch nước cho rằng cần giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, kiềm chế và tránh các hành động làm tăng căng thẳng, trong đó có việc sử dụng vũ lực để đơn phương làm thay đổi nguyên trạng.
Chủ tịch nước khẳng định các nước cần cấp thiết xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Nhiều nước, trong đó có Nga, hiểu lập trường này của Việt Nam. Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn Nga tiếp tục duy trì và mở rộng hợp tác với Việt Nam trên tất cả lĩnh vực, đặc biệt là các dự án hợp tác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại biển Đông.
Nhiều người dân Nga theo dõi diễu hành, với ảnh chân dung của người thân đã tham gia cuộc chiến chống phát xít - Ảnh: Reuters |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm Tổng thống Nga Putin Theo TTXVN, chiều 9-5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và trao đổi về các vấn đề hợp tác song phương cũng như các biện pháp tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga. Về chính trị, hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục trao đổi đoàn các đoàn Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương... Về kinh tế, lãnh đạo hai nước khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các dự án thăm dò và khai thác dầu khí hiện nay cũng như các dự án mới trong lĩnh vực chế biến và lọc hóa dầu. Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực đầu tư, tài chính - ngân hàng, hợp tác công nông nghiệp, khai khoáng... Hai bên đề nghị chú trọng tăng cường quan hệ trong các lĩnh vực thế mạnh của nhau, trong đó xem xét khả năng thành lập xí nghiệp liên doanh chế biến thủy - hải sản và gỗ tại vùng Primôri cũng như thành lập khu công nghiệp nhẹ tại Matxcơva. Về quan hệ quốc phòng - an ninh, lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường phối hợp đưa hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, trước hết tích cực triển khai những lĩnh vực hợp tác truyền thống như đào tạo quân nhân, chuyên gia kỹ thuật. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận