29/09/2015 08:11 GMT+7

Nga làm Mỹ chưng hửng ở Trung Đông

MỸ LOAN (myloan@tuoitre.com.vn)
MỸ LOAN ([email protected])

TT - Nga nhanh chóng tham gia việc xử lý cuộc khủng hoảng Syria và Iraq với những bước đi khiến phương Tây bất ngờ.

Cảnh hoang tàn ở Al-Fardous, ngoại ô TP Aleppo, Syria ngày 27-9 - Ảnh: Reuters
Cảnh hoang tàn ở Al-Fardous, ngoại ô TP Aleppo, Syria ngày 27-9 - Ảnh: Reuters

Nga đang tạo ra thế không có chuyện gì sắp xảy ra mà không có nước Nga. Và họ đang đặt mình vào tình thế mà chúng ta không có nhiều lựa chọn ngoài việc phải nói chuyện với họ

Ông Dennis Ross (cựu cố vấn về Trung Đông của Tổng thống Barack Obama)

Cuộc khủng hoảng Syria trở thành vấn đề nóng trên bàn nghị sự tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở New York, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi hợp tác khu vực chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và ký thỏa thuận hợp tác an ninh và tình báo với Iraq.

Giới chuyên gia cho rằng việc Iraq ký kết thỏa thuận hợp tác tăng cường chống IS với Nga, Iran và Syria cho thấy điện Kremlin đang tăng sức cạnh tranh tầm ảnh hưởng với Washington ở Trung Đông.

Iran vào cuộc

Dù kêu gọi thiết lập “cấu trúc hợp tác khu vực” chống IS nhưng tổng thống Nga vẫn lặp lại sự ủng hộ của mình đối với chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Putin nhấn mạnh rằng vấn đề Syria chỉ có thể được giải quyết bằng sự tăng cường sức mạnh cầm quyền hợp pháp ở Syria và ủng hộ chính quyền Tổng thống Assad trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Báo Wall Street Journal (WSJ) phân tích thỏa thuận hợp tác an ninh và tình báo với Iraq là một thách thức khác đối với tầm ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông, ngay tại thời điểm mà Nga đang triển khai khí tài quân sự mới như máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công ở vùng duyên hải Syria.

Một động thái mà Matxcơva ngầm cho thế giới biết rằng nước này không chỉ ủng hộ tổng thống Syria bằng những phát ngôn.

WSJ dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết giới chức nước này bất ngờ trước tuyên bố hợp tác chống IS giữa Nga và ba nước Trung Đông. Giới chức Mỹ vẫn đang chật vật để hiểu chiến lược dài lâu của ông Putin đối với khu vực Trung Đông là gì.

“Chúng tôi chỉ mới bắt đầu tìm hiểu những ý định của Nga ở Syria, Iraq là gì. Chúng tôi đang cố tìm hiểu xem liệu đang tồn tại những phương thức cùng có lợi ở đây hay không. Còn con đường rất dài phía trước để đối thoại về vấn đề trên” - quan chức trên cho biết.

Các nhà ngoại giao khối Ả Rập nhận định chiến lược tăng cường ảnh hưởng của Tổng thống Putin thời gian gần đây ở Syria đang làm yếu đi sự ảnh hưởng của Nhà Trắng trong những chiến dịch ở khu vực này.

Ủng hộ quan điểm của Tổng thống Putin, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh ông hợp tác chặt chẽ với Tổng thống Putin trong những động thái của Nga ở Syria và cả hai đều ủng hộ chính quyền Tổng thống Assad.

Chính những yếu tố này đang khiến khả năng cũng như ý định của Washington trong việc “phế truất” ông Assad gặp nhiều khó khăn. “Chính quyền Damascus không thể bị suy yếu nếu IS bị đánh bại” - Tổng thống Rouhani nhấn mạnh.

Nga cao tay

Ông Putin cũng cho biết đã thông báo với lãnh đạo các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Saudi Arabia về khả năng hợp tác chống IS của Nga. Trả lời trên đài truyền hình CBS, Tổng thống Putin nói rằng binh lính của Tổng thống Assad là lực lượng quân đội hợp pháp duy nhất ở Syria.

Ông nhấn mạnh các lực lượng này đang chiến đấu chống lại các tổ chức khủng bố và Nga sẵn lòng hợp tác chống lại khủng bố.

Ngày 27-9, giới chức Nga cho biết Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có cuộc gặp bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ nhằm cân đối các chiến dịch quân sự của hai nước trong khu vực Trung Đông.

Trước truyền thông, Ngoại trưởng Mỹ Kerry cho biết Washington quan ngại về cách thức mà Nga đang theo đuổi. Trong khi đó, Bộ trưởng Lavrov nhấn mạnh Mỹ và Nga có thể tìm một điểm chung về lợi ích trong cuộc chiến chống IS.

“Ngoại trưởng Kerry đã xác nhận rằng mục tiêu duy nhất của Mỹ và liên minh mà nước này thành lập là chống khủng bố, mục tiêu của chúng tôi cũng thế” - Hãng tin TASS dẫn lời ông Lavrov.

Chuyên gia tư vấn nguy cơ chính trị tại Eurasia Group, ông Ayham Kamel, cho biết động thái tăng cường sự hiện diện của Nga ở Syria cho thấy điện Kremlin đưa ra thông điệp rất rõ ràng với khu vực và các nước lớn trên thế giới rằng họ kiên quyết ngăn chặn việc ông Assad ra đi.

Còn biên tập viên của Đài BBC ở khu vực Trung Đông Jeremy Bowen phân tích có hai yếu tố khiến Syria trở thành vấn đề nóng ở kỳ họp Đại hội đồng LHQ: một là mối đe dọa từ các thành phần khủng bố của IS, hai là cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu, cho thấy những ảnh hưởng của cuộc nội chiến ở Syria đã lan đến các nước phương Tây.

MỸ LOAN ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp