Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ở Bình Nhưỡng hồi tháng 5-2018 - Ảnh: GETTY IMAGES
Cuối tháng 2-2018, Thế vận hội mùa đông Pyeongchang kết thúc với sự tham gia đầy thiện chí của Triều Tiên. Đó cũng là trái ngọt ngoại giao đầu tiên của Triều Tiên sau tình hình căng như dây đàn do những vụ thử tên lửa và hạt nhân liên tiếp của Bình Nhưỡng.
Một điều đáng chú ý là đã hơn 1 năm kể từ khi bán đảo Triều Tiên vận động đáng kể với nhiều kết quả bất ngờ trên con đường tiến tới hòa bình, ổn định, Nga vẫn nằm ngoài cuộc chơi này.
Triều Tiên còn quan trọng với Nga
Đầu tuần trước, trong cuộc gặp với đại sứ Triều Tiên tại Nga Kim Hyung Jun, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev cho biết Matxcơva sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
"Chúng tôi tin rằng quỹ đạo chính trị là giải pháp duy nhất đối với bất kỳ vấn đề nào của bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục thực hiện mọi nỗ lực để hỗ trợ nếu cần" - Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Konstantin Kosachev. Tuyên bố này cho thấy dù không trực tiếp tham gia vào tiến trình giải giáp hạt nhân Triều Tiên, Nga vẫn bám sát từng động tĩnh trên bán đảo Triều Tiên.
Nhận định trên trang East Asia Forum, phó giáo sư Artyom Lukin đến từ Đại học liên bang Viễn Đông (FEFU, Nga) cho biết thực tế trò chơi địa chính trị quan trọng nhất của Nga hiện nay là Trung Đông, chứ không phải Đông Á. Với việc can thiệp sâu tại Syria, Nga ngày càng đóng vai trò trụ cột và tiêu tốn nhiều thời gian cũng như tiền bạc ở khu vực này.
Tuy nhiên, chuyên gia Artyom Lukin cho rằng điều đó không có nghĩa Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phớt lờ bán đảo Triều Tiên. Không ít thì nhiều, Matxcơva vẫn xem bán đảo Triều Tiên là ưu tiên thứ hai trong danh sách các vấn đề đáng quan tâm của chính sách ngoại giao Nga.
Chuyên gia Georgy Toloraya đến từ Trung tâm chiến lược Nga ở châu Á (CRSA, Nga) cho biết vai trò chính của Nga trên bán đảo Triều Tiên hiện nay là hỗ trợ quá trình hòa bình tại đây.
"Nga hoàn toàn không muốn xảy ra một cuộc xung đột khác ngay cạnh biên giới của mình - một Syria thứ hai hay điều gì đó tương tự" - ông Georgy Toloraya, người từng sống ở Bình Nhưỡng hơn một thập niên, lý giải.
Chờ Nga tung lá bài
Matxcơva đã sát cánh với Bình Nhưỡng từ cách đây nhiều thập niên. Theo báo New York Times, thời kỳ chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), dù Trung Quốc là đồng minh quan trọng nhất của Bình Nhưỡng và Liên Xô không chính thức tham chiến, Matxcơva đã sát cánh với Bình Nhưỡng trong những ngày đầu của cuộc chiến, với sự hỗ trợ khí tài, xe tăng, máy bay và cố vấn chiến lược.
Sau chiến tranh Triều Tiên, Matxcơva cũng cung cấp viện trợ cho Triều Tiên, bán dầu với giá rẻ. Thời kỳ Chiến tranh lạnh, Matxcơva là đồng minh tài chính quan trọng nhất của Bình Nhưỡng, chiếm một nửa kim ngạch thương mại với nước ngoài của Triều Tiên trong thập niên 1970 và 1980.
Sau Chiến tranh lạnh, trao đổi thương mại giữa hai bên giảm đi. Tuy nhiên, quan hệ hai nước có dấu hiệu cải thiện sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin lên nắm quyền nước Nga và có chuyến thăm Bình Nhưỡng hồi năm 2000.
Một số học giả Trung Quốc gần đây nhận định Nga là "ngôi sao đang lên" trong việc giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên hiện nay, theo tạp chí National Interest. Giáo sư Lyle J. Goldstein đến từ Đại học Hải chiến Mỹ (USNWC) cho biết lá bài Nga vẫn chưa được tung ra để giải quyết vấn đề Triều Tiên và rằng Matxcơva có thể sẽ có nhiều "thuật nhào lộn ngoại giao" mà Bắc Kinh và Washington không thể làm được.
Tham gia giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên không phải là một điều bỡ ngỡ với Nga. Nga từng là một trong các nước tham gia cuộc đàm phán sáu bên để giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bên cạnh Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên - vốn ngưng trệ từ năm 2008. Những năm gần đây Nga còn đề xuất nối lại cuộc đàm phán này.
Nga cũng đóng góp các sáng kiến khi căng thẳng Mỹ - Triều dâng cao. Tháng 7-2017, Nga và Trung Quốc từng đề xuất giải pháp "đóng băng kép" để hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Theo đó, Bình Nhưỡng sẽ không thử hạt nhân và tên lửa, đổi lại Washington và Seoul phải dừng các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn.
Matxcơva cũng kêu gọi giảm các gói trừng phạt lên Triều Tiên như một "phần thưởng" cho các động thái tích cực thời gian qua của Bình Nhưỡng. Hồi tháng 10-2018, lần đầu tiên Nga còn tổ chức cuộc gặp cấp thứ trưởng ngoại giao ba bên Nga - Trung - Triều.
Khi nào đến thượng đỉnh Putin - Kim?
Cho đến nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình 4 lần, gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In 3 lần và chuẩn bị gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump lần 2.
Ông Kim vẫn chưa gặp mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong khi đó, cha ông Kim Jong Un - cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il - từng đi xe lửa đến thăm Nga vào năm 2011 và gặp mặt tổng thống Nga lúc đó là ông Dmitry Medvedev.
Chỉ hai ngày sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore vào ngày 12-6-2018, trong cuộc gặp với ông Kim Yong Nam - chủ tịch Hội đồng nhân dân tối cao (Quốc hội) Triều Tiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi lời mời ông Kim Jong Un tới thăm Nga.
Thời điểm đó, nhà lãnh đạo Nga nhận xét rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 chỉ là bước đầu tiên hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Ông Putin còn nhấn mạnh Nga sẵn sàng thực hiện mọi nỗ lực cần thiết để tăng cường hợp tác kinh tế với Triều Tiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận