Theo Hãng tin AP, ngày 3-4 (giờ địa phương), bộ trưởng Quốc phòng Nga vừa có cuộc điện đàm hiếm hoi với người đồng cấp phía Pháp Sébastien Lecornu. Đây là lần trao đổi trực tiếp đầu tiên giữa hai người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga và Pháp từ tháng 10-2022 đến nay.
Trong buổi điện đàm, ông Lecornu đã gửi lời chia buồn với vụ xả súng đẫm máu tại ngoại ô Matxcơva hôm 22-3, khiến 145 người tử vong. Bên cạnh đó, ông Lecornu cũng cố gắng thuyết phục ông Shoigu rằng Ukraine và các nước đồng minh phương Tây không liên quan đến vụ tấn công trên.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định ông Shoigu đã kiên quyết khẳng định rằng Matxcơva có "thông tin về việc cuộc tấn công khủng bố xuất phát từ Ukraine".
Trong nhiều ngày qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin và giới chức nước này kiên định lập trường Kiev và phương Tây đứng sau cuộc tấn công đẫm máu nhất trên nước Nga trong hai thập kỷ qua.
Ở chiều ngược lại, Ukraine cùng các đồng minh phản đối mạnh mẽ mọi cáo buộc hướng về phía mình và chĩa mũi dùi sang một nhánh của Nhà nước Hồi giáo (IS) đã công khai nhận trách nhiệm.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga cảnh báo với người đồng cấp: "Chế độ Kiev không dám làm gì nếu không có sự cho phép của thế lực giật dây phương Tây. Chúng tôi hy vọng rằng tình báo Pháp không liên quan đến vụ việc này".
Ngoài ra, ông Shoigu cũng khuyên Paris từ bỏ suy nghĩ có thể cử quân đội nước mình đến Ukraine, đáp lại tuyên bố "không loại trừ khả năng binh sĩ phương Tây được cử đến nước này" của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 2.
Thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết ông Shoigu nhấn mạnh việc đó sẽ "tạo rắc rối cho chính nước Pháp", song không nêu rõ các nguy cơ tiềm ẩn.
Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga cũng nhắc lại Matxcơva "sẵn sàng trò chuyện với Ukraine", nhấn mạnh rằng các kế hoạch thảo luận về hòa bình hiện tại đều sẽ "vô nghĩa" nếu không có sự tham gia của Nga.
Ông cũng cho rằng các cuộc đàm phán trong tương lai có thể được tiến hành trên cơ sở thỏa thuận nháp hai nước đạt được trong các cuộc trao đổi tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi tháng 3-2022.
Khi ấy, truyền thông thế giới khẳng định thỏa thuận nháp trên yêu cầu Ukraine từ bỏ mong muốn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và duy trì trạng thái trung lập. Tuy nhiên, việc đàm phán đã đổ vỡ nhanh chóng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận