16/11/2021 07:57 GMT+7

Nga đưa quân đến biên giới với Ukraine

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Mùa đông đang đến gần, nhưng quan hệ Nga - Ukraine ngày càng nóng với việc Ukraine cảnh báo nguy cơ bất ổn vào cuối năm nay sau khi cáo buộc Matxcơva mới đây đưa khoảng 100.000 quân đến biên giới.

Nga đưa quân đến biên giới với Ukraine - Ảnh 1.

Một binh sĩ của Ukraine tham gia chống lực lượng ly khai ở thị trấn Zolote - Ảnh: AFP

Ngày 14-11, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết nguồn tin tình báo phương Tây cho rằng căng thẳng với Nga sẽ leo thang trong thời gian tới. Trong khi đó, Nga đổ lỗi cho các hoạt động quân sự của phương Tây và chính sách của Ukraine.

Căng thẳng leo thang

Ukraine ước tính Nga đã đưa hơn 114.000 quân đến miền bắc, đông và nam Ukraine, trong đó gồm hơn 92.000 bộ binh và số còn lại thuộc không quân, hải quân. "Tôi hy vọng cả thế giới có thể thấy rõ ai muốn hòa bình và ai đang tập trung gần 100.000 binh sĩ ở biên giới của chúng tôi" - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói.

Nhận định trên tờ Financial Times, ông Kyrylo Budanov - lãnh đạo Cơ quan tình báo Ukraine - khẳng định Nga đặt nhiều xe tăng, xe chiến đấu, máy bay gần biên giới Ukraine. "Đây có thể coi là sự chuẩn bị cho một cuộc xâm chiếm quy mô lớn và một ý đồ gây sức ép tâm lý" - ông Budanov khẳng định.

Bà Maliar - thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine - cho biết nguồn tin tình báo về căng thẳng với Nga mà Kiev có được không chỉ dựa trên số lượng binh sĩ Nga, ám chỉ Washington đang nắm các nguồn tin về kế hoạch của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Báo Financial Times cho biết trong tuần trước Mỹ đã báo cho các đồng minh về khả năng Nga đang chuẩn bị "xâm chiếm" Ukraine. Đến nay vẫn có nhiều đánh giá khác nhau về việc điều quân của Nga, nhưng Washington lo ngại Matxơva có thể tổ chức một cuộc diễn tập không báo trước như vào đầu năm nay.

Căng thẳng khiến Mỹ và các đồng minh phương Tây lo lắng thời gian qua. Ngày 14-11, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Antony Blinken của nước này đã nói chuyện với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian về tình hình Ukraine - Nga và khẳng định "cam kết đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".

Theo ông Blinken, cuộc khủng hoảng di cư ở Belarus, nước láng giềng đồng minh của Nga, đang bị lợi dụng để đánh lạc hướng chú ý khỏi các hoạt động của Nga. Matxcơva thời gian qua bị chỉ trích đã mặc kệ tình hình ở Belarus để khiến châu Âu bất ổn.

Tuy nhiên, việc suy đoán động thái của Nga chưa bao giờ là điều dễ dàng. "Bất cứ ai nói rằng họ biết ông Putin sắp làm gì thì họ đang lừa bạn. Chẳng ai thực sự biết ông ấy sắp làm gì", tờ Politico dẫn lời một quan chức an ninh quốc gia Mỹ thừa nhận.

Nga có quyền hành động

Ngày 14-11, Tổng thống Putin cho rằng chính phương Tây đang gây lo ngại tại khu vực. "Mỹ và các đồng minh của họ đang tổ chức các cuộc diễn tập không có kế hoạch trước, tôi muốn nhấn mạnh là không có kế hoạch trước, ở Biển Đen. Đây thực sự là một thách thức đối với chúng tôi" - Hãng tin Reuters dẫn lời ông Putin nói.

Nga thời gian qua đã chỉ trích Mỹ và các đồng minh tăng cường hoạt động quân sự tại khu vực, đưa các máy bay do thám, ném bom và tàu chiến đến Biển Đen.

Dù vậy, ông Putin cho rằng việc gia tăng căng thẳng với NATO là không cần thiết. Tổng thống Putin đã bác bỏ đề xuất của Bộ Quốc phòng Nga tổ chức một cuộc diễn tập quân sự ở Biển Đen nhằm phản ứng hoạt động gần đây của NATO.

Trước đó, người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin nói rằng: "Việc chúng tôi điều các lực lượng vũ trang trên đất của mình không phải chuyện để người khác lo. Chúng tôi không gây ra mối đe dọa với bất cứ ai". Tuy nhiên, ông Peskov đe dọa Matxơva có thể hành động khi cần thiết để phản ứng các động thái khiêu khích của NATO.

Nhà lãnh đạo Nga cũng cáo buộc Kiev sử dụng máy bay không người lái ở khu vực Donbass vào cuối tháng 10-2021 là vi phạm thỏa thuận hòa bình Minsk. 

"Nhưng không ai phản ứng điều này. Châu Âu lầm bầm vài câu, còn Mỹ thực ra còn ủng hộ. Các quan chức ở Ukraine công khai nói rằng họ sử dụng những thiết bị này và sẽ còn sử dụng tiếp" - ông Putin nói.

Đến nay, các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột theo thỏa thuận hòa bình Minsk, do Pháp và Đức làm trung gian, vẫn giậm chân tại chỗ. Ukraine thường giao tranh với các lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở Donbass trong các cuộc xung đột đến nay đã làm hơn 13.000 người thiệt mạng.

Nga đưa quân đến biên giới với Ukraine - Ảnh 2.

Diễn biến căng thẳng Nga - Ukraine

NATO chưa nhất trí kết nạp Ukraine

Ngày 14-11, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nói rằng các thành viên vẫn chưa đạt đồng thuận về việc kết nạp Ukraine.

Ông Stoltenberg cho biết NATO đã tăng cường quan hệ với Ukraine nhưng nước này vẫn chưa đáp ứng được điều kiện để kết nạp. "Để trở thành thành viên phải đáp ứng được các tiêu chuẩn của NATO" - ông nói. Nga đến nay vẫn phản đối việc thúc đẩy Ukraine gia nhập NATO.

Ukraine đưa 8.500 lính và cảnh sát đến biên giới với Belarus Ukraine đưa 8.500 lính và cảnh sát đến biên giới với Belarus

TTO - Ngày 11-11, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Denys Monastyrskiy cho biết quốc gia của ông sẽ triển khai thêm 8.500 binh sĩ và sĩ quan cảnh sát, cùng 15 máy bay trực thăng để bảo vệ biên giới với Belarus, ngăn chặn nguy cơ người di cư muốn vượt biên.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Ukraine Nga
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp